|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Fed lạc quan về lạm phát nhưng các nhà phân tích có quan điểm trái ngược

15:24 | 04/04/2023
Chia sẻ
Chủ tịch Jerome Powell và giới chức Fed có vẻ đang trông đợi rằng một cuộc suy thoái nhẹ, hoặc tăng trưởng kinh tế chậm lại, sẽ đủ để đưa lạm phát về tầm kiểm soát. Song, các chuyên gia nói có nhiều lý do cho thấy rằng lối suy nghĩ này là sai lầm.

Chủ tịch Powell kỳ vọng Fed sẽ kiểm soát được lạm phát mà không đẩy nền kinh tế Mỹ vào một cuộc suy thoái sâu. (Ảnh: Barron's). 

Fed báo hiệu sớm ngừng tăng lãi suất

Bà Lisa Cook, Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), nhận xét rằng lạm phát đã bắt đầu hạ nhiệt, tuy áp lực giá vẫn có thể tiếp tục phình to do thị trường lao động quá mạnh mẽ, chiến sự Nga-Ukraine kéo dài và Trung Quốc tái mở cửa nền kinh tế. 

Tại sự kiện được tổ chức bởi Khoa Kinh tế Đại học Michigan hôm 3/4, bà Cook phát biểu: “Chúng tôi nhận thấy rằng các điều kiện tài chính đang bị thắt chặt”. Bà lấy dẫn chứng từ sự suy yếu của thị trường nhà đất Mỹ và sự thắt chặt của các điều kiện tín dụng do tác động của các đợt tăng lãi suất.

Bà nói tiếp: “Chúng ta vẫn sẽ thấy lạm phát phát sinh từ thị trường lao động, nhưng tốc độ tăng trưởng lương cũng đã chậm lại đáng kể. Điều này cho thấy quá trình thiểu phát đang diễn ra”.

Cuộc khủng hoảng ngân hàng tại Mỹ có vẻ đã dịu bớt, nhưng niềm tin vào hệ thống vẫn chưa được khôi phục hoàn toàn.

Vị thống đốc nói rằng Fed sẽ cần phải theo dõi thêm tín dụng sẽ bị thắt chặt tới mức nào sau vụ việc, nhưng chưa chắc điều này sẽ khiến “GDP sụt giảm mạnh”. Theo đó, bà Cook đang để ngỏ khả năng nền kinh tế Mỹ sẽ không rơi vào suy thoái.

Tại hội nghị kinh tế ở Ohio diễn ra vào ngày 31/3, bà Cook đã đề cập đến thông cáo của Ủy ban Thị trường Mở liên bang.

Trong đó, các quan chức Fed không còn viết về “các đợt tăng lãi suất kế tiếp”, mà nhấn mạnh “chính sách tiền tệ cần phải tiếp tục cứng rắn”. Bà cho biết mình ủng hộ cách diễn đạt này. Điều đó ngầm cho thấy bà và nhiều đồng nghiệp nghĩ rằng chiến dịch tăng lãi suất đã gần đến hồi kết.

Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng có cùng ý kiến. Tờ Bloomberg cho biết trong cuộc họp kín với các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa hôm 29/3, ông Powell đã được hỏi rằng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tăng lãi suất thêm bao nhiêu trong năm nay.

Đáp lại, ông Powell chỉ vào dự báo mới nhất của các nhà hoạch định chính sách. Dự báo cho thấy họ dự định chỉ tăng lãi suất thêm một lần nữa, lên phạm vi 5%-5,25%. 

Suy thoái chưa chắc dập nổi lạm phát

Thước đo lạm phát ưa thích của Fed - chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân cốt lõi (core PCEPI), cho thấy lạm phát tháng 2 vẫn ở mức 4,6% - cao hơn gấp đôi mục tiêu 2% của Fed.

Ông Powell, bà Cook và các quan chức Fed vẫn khẳng định rằng ổn định giá cả là ưu tiên cao nhất của họ lúc này. Nhưng nếu không tiếp tục tăng mạnh lãi suất, thì làm sao Fed đưa được lạm phát quay về tầm kiểm soát?

 

Ông Powell có thể đang nghĩ rằng Fed đã gần xong việc. Xét cho cùng, các đợt tăng lãi suất có thể phải mất vài năm để lan tỏa khắp nền kinh tế và hạ gục lạm phát. Sự hỗn loạn trong ngành ngân hàng có thể là dấu hiệu đầu tiên cho thấy các đợt tăng lãi suất đang phát huy hiệu quả.

Dự báo của các chuyên gia đã chuyển từ kịch bản nền kinh tế “hạ cánh mềm” sang suy thoái cận kề, và suy thoái sẽ đặt dấu chấm hết cho lạm phát.

Nhưng theo tờ Bloomberg, Mỹ khó có thể trông cậy vào suy thoái để giải quyết lạm phát. Khả năng cao là Fed vẫn có thể còn nhiều việc phải làm nếu thực sự muốn đưa lạm phát về mốc 2%.

Theo lý thuyết, lãi suất chính sách gia tăng sẽ khiến tín dụng trở nên khan hiếm và đắt đỏ hơn. Hệ quả là đầu tư giảm, số công ty phá sản tăng, mọi người ngại mua hoặc xây nhà, và cuối cùng là tỷ lệ thất nghiệp tăng. Công chúng trở nên bi quan và chi tiêu ít hơn, nhu cầu đi xuống và lạm phát hạ nhiệt.

Quá trình trên gồm rất nhiều bước, và ba năm qua đã cho chúng ta thấy rằng mọi chuyện không phải lúc nào cũng diễn ra theo ý muốn.

Mỹ có thể vừa gặp suy thoái vừa phải đối phó với lạm phát cao như thời kỳ lạm phát đình trệ những năm 1970. Điều này có thể xảy ra nếu suy thoái diễn ra cùng với một cú sốc nguồn cung khác, ví dụ như giá năng lượng tăng đột biến.

Chiến sự Nga-Ukraine và các quyết định điều chỉnh sản lượng dầu thô của OPEC+ có thể biến rủi ro này thành sự thật.

Một khả năng khác là suy thoái có thể khiến lạm phát sụt giảm đôi chút, nhưng không nhiều. Nhà kinh tế Jason Furman chỉ ra rằng những cuộc suy thoái gần đây chỉ khiến lạm phát giảm từ 0 đến 1,9 điểm %.

Trong khi đó thì theo thước đo ưa thích của Fed, lạm phát cần giảm khoảng 2,6 điểm % để quay trở lại mục tiêu của các quan chức. Do đó, một cuộc suy thoái nhẹ, hoặc kịch bản nền kinh tế tăng trưởng thấp mà Fed đang nhắm đến, có lẽ sẽ không đủ để khống chế lạm phát.

Chúng ta không biết được suy thoái phải tồi tệ đến mức nào thì mới hạ gục được lạm phát. Fed đang giả định rằng tỷ lệ thất nghiệp phải đạt đỉnh 4,6% thì lạm phát mới quay về 2%. Nhưng năm ngoái, cựu Bộ trưởng Tài chính Larry Summers ước tính tỷ lệ thất nghiệp cần phải lên đến 6%.

Bà Allison Schrager, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Manhattan, cho biết lý do khác có thể khiến suy thoái không tạo ra được nhiều tác động đến lạm phát là uy tín của Fed đã bị tổn hại. Chiến dịch tăng lãi suất phát huy hiệu quả lớn nhất khi mọi người tin rằng Fed có đầy đủ khả năng và quyết tâm.

Khi công chúng kỳ vọng lạm phát thấp, doanh nghiệp không tăng giá và người lao động không đòi tăng lương cao. Nhưng nếu mọi người dự đoán lạm phát vẫn cao thì một cuộc suy thoái nhẹ sẽ không đủ để khống chế áp lực giá.

Trong trường hợp này, suy thoái có thể làm tổn thương nền kinh tế, khiến nhiều người mất việc làm nhưng lạm phát không giảm đáng kể. Khi đó, Fed sẽ bị đặt vào tình huống còn khó khăn hơn hiện nay, đó là phải gây ra nhiều thiệt hại hơn nữa, hoặc học cách sống chung với lạm phát cao.