|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

'Tiến sĩ tận thế' Nouriel Roubini: 'Bộ ba bất khả thi' khiến hệ thống tài chính Mỹ khó tránh cảnh sụp đổ

16:34 | 02/04/2023
Chia sẻ
Một trong những nhà kinh tế học nổi tiếng nhất thế giới tin rằng cuộc khủng hoảng của ngành ngân hàng còn lâu mới kết thúc và các nhà chức trách Mỹ chỉ đang tự câu giờ bằng cách khẳng định hệ thống nhà băng vẫn “lành mạnh”.

Bộ ba bất khả thi

Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg vào ngày 31/3, ông Nouriel Roubini, CEO hãng tư vấn Roubini Macro Associates, cho rằng hệ thống tài chính Mỹ sẽ không thể đối phó với vấn nạn nợ công cũng như nợ tư nhân hiện nay.

Tình trạng nặng nợ của nền kinh tế Mỹ đang tạo ra một “bộ ba bất khả thi” và sẽ sớm kích hoạt một đợt hoảng loạn khác trên thị trường tài chính, ông cảnh báo.

Trên Phố Wall, CEO của Roubini Macro Associates được mệnh danh là “tiến sĩ tận thế” vì đã dự đoán đúng cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

“Chúng ta không thể ổn định giá cả, duy trì tăng trưởng kinh tế và ổn định tài chính cùng lúc”, ông nói với Bloomberg. “Vì vậy, cuối cùng, nền kinh tế và cả hệ thống tài chính đều sẽ sụp đổ”.

Theo vị chuyên gia, những lo ngại về sức khoẻ của hệ thống nhà băng Mỹ không nên chỉ tập trung vào các khoản lỗ trị giá 620 tỷ USD đối với danh mục đầu tư chứng khoán nợ.

Thay vào đó, ông cho rằng thị trường nên chú ý đến chiến dịch tăng lãi suất kéo dài 13 tháng qua của Cục Dự trữ Liên bang (Fed). So với thời điểm bắt đầu, lãi suất chuẩn tại Mỹ đã tăng tổng cộng 3,75 điểm %.

Do chính sách của Fed, danh mục cho vay kỳ dài hạn của các ngân hàng, như cho vay thế chấp mua nhà với lãi suất cố định, hiện đã bị giảm giá trị so với thời điểm cấp khoản vay, khi lãi suất chuẩn còn thấp.

Khi tính đến các rủi ro như trên, lỗ chưa thực hiện của các ngân hàng Mỹ đã tăng lên 1.700 tỷ USD, theo nghiên cứu do Trường Kinh doanh Stern (Đại học New York) công bố đầu tháng 3.

Để so sánh, các tác giả của nghiên cứu cho biết vốn chủ sở hữu của toàn bộ hệ thống ngân hàng, hay khả năng hấp thụ các khoản lỗ của nhà băng trước khi phá sản, chỉ ở mức 2.100 tỷ USD.

“Hàng trăm ngân hàng nhỏ thực sự đã mất khả năng thanh toán, vì vậy đây mới là vấn đề chính mà chúng ta cần quan tâm”, ông Roubini nhấn mạnh.

“Khi lãi suất lên cao hơn, giá trị của các chứng khoán nợ và khoản cho vay đều xuống thấp hơn. Khi đó, chúng ta sẽ gặp vấn đề về thanh khoản và khả năng thanh toán trên quy mô lớn”, nhà kinh tế lập luận.

"Tiến sĩ tận thế" Nouriel Roubini. (Ảnh: Getty Images).

Cũng trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg, ông Roubini đã phản đối nhận định hồi tuần trước của Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde rằng việc ổn định giá cả và củng cố hệ thống tài chính có thể diễn ra cùng lúc.

Theo vị “tiến sĩ tận thế”, điều đó chỉ xảy ra khi những căng thẳng trong ngành ngân hàng mang tính cục bộ thay vì mang tính hệ thống. Trên thực tế, ông cho rằng vấn đề hiện nay đáng ngại và có nguồn gốc xấu hơn những gì bà Lagarde muốn công chúng nhìn nhận.

Hạ cánh cứng

Ông Roubini dự đoán, tình trạng mất cân đối về vốn và thanh khoản sẽ dần dẫn đến những vấn đề lớn hơn trong bảng cân đối kế toán. Vị chuyên gia cảnh báo: “Suy thoái kinh tế sẽ biến rủi ro thị trường thành rủi ro tín dụng”.

Cuộc khủng hoảng tại Silicon Valley Bank (SVB) sẽ khiến những nhà băng khu vực khác cắt nguồn cấp tín dụng cho các hộ gia đình cũng như doanh nghiệp nhỏ trong cộng đồng, ông giải thích.

Vì vậy, tăng trưởng tín dụng sẽ hạ từ mức 10% hiện nay, có thể xuống gần bằng 0. Một khi GDP chuyển từ trạng thái mở rộng sang thu hẹp, một nền kinh tế chìm trong nợ nần sẽ không còn khả năng thực hiện các nghĩa vụ tài chính của mình, ông tiếp tục.

“Vào những năm 1970, khi chúng ta trải qua cú sốc lạm phát đình trệ dẫn đến lạm phát cao và suy thoái sâu, tỷ lệ nợ ở các nền kinh tế phát triển chỉ tương đương 100% GDP, tính cả nợ công lẫn nợ tư nhân. Hiện tại, tỷ lệ này là 420%”, ông chỉ ra.

CEO của Roubini Macro Associates cho biết lần gần nhất bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp và chính phủ Mỹ bị kéo căng là vào những năm 2008 - 2009. Khi đó, nền kinh tế Mỹ từng có một lợi thế.

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã khiến nhu cầu của người tiêu dùng sụt mạnh, góp phần kìm hãm lạm phát và cho phép Fed đưa lãi suất xuống gần mức 0 để kích thích nền kinh tế.

Hiện nay, có rất ít dấu hiệu chứng tỏ chỉ số giá tiêu dùng sẽ quay về mức mục tiêu 2% của Fed. Do vậy, ông Roubini tin rằng Fed và chính phủ Mỹ sẽ không có đủ dư địa cần thiết để kích thích tăng trưởng đi lên.

“Vì vậy, chúng ta đang trải qua giai đoạn tồi tệ nhất, tương tự những năm 1970, vừa chịu cú sốc nguồn cung, vừa chứng kiến tăng trưởng suy giảm và vừa đối mặt với lạm phát cao dai dẳng.

Đồng thời, tỷ lệ nợ của chúng ta bây giờ cao hơn nhiều so với sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Chúng ta đang hướng tới một cuộc hạ cánh cứng”, ông Roubini nói.

 

Yên Khê