|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

'Vua trái phiếu' Jeffrey Gundlach: Giữa chống lạm phát và giải cứu các ngân hàng, Fed chỉ được chọn một

21:27 | 29/03/2023
Chia sẻ
"Vua trái phiếu" Jeffrey Gundlach cho rằng Fed chỉ có thể chọn một trong hai nhiệm vụ ngay lúc này: hoặc tập trung chống lạm phát hoặc ra tay giải cứu các ngân hàng gặp nạn.

Chọn một trong hai

Mỹ đang đứng giữa một ngã ba đường và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ phải đưa ra một quyết định trọng đại, ảnh hưởng đến vận mệnh nền kinh tế.

Đó chính là nhận định của “vua trái phiếu”Jeffrey Gundlach. Theo Fortune, nhà sáng lập kiêm CEO và CIO của DoubleLine Capital, công ty đang quản lý hơn 92 tỷ USD tài sản, là một trong những nhân vật được theo dõi sát sao trên Phố Wall.

Ông Gundlach nói Fed chỉ có thể tiếp tục tăng lãi suất để khống chế lạm phát trước khi nó bám rễ vào nền kinh tế, hoặc hạ lãi suất để ổn định các nhà băng đang gặp vấn đề và ngăn chặn một cuộc khủng hoảng quy mô trên toàn hệ thống.

“Vua trái phiếu” nhấn mạnh ngân hàng trung ương Mỹ chỉ có thể chọn một trong hai, chứ không thể đưa ra một phương án giải quyết cả hai vấn đề cùng lúc.

"Vua trái phiếu" Jeffrey Gundlach. (Ảnh: Getty Images).

Tuần trước, Fed đã tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản (bps), lần thứ 9 trong khoảng một năm qua, bất chấp những lo ngại ngày càng lớn về sức khoẻ của ngành ngân hàng Mỹ.

Vào thời điểm đó, Chủ tịch Jerome Powell và các đồng nghiệp khẳng định hệ thống nhà băng Mỹ vẫn đang “lành mạnh và bền vững”.

Trái phiếu Kho bạc kỳ hạn hai năm đang giao dịch quanh mức 4% - thấp hơn khoảng 100 điểm cơ bản so với lãi suất chuẩn của Fed. Đây là tín hiệu cho thấy các nhà đầu tư đã bắt đầu kỳ vọng Fed sẽ hạ lãi suất.

Ông Gundlach cũng cho rằng xác suất ngân hàng trung ương Mỹ cắt giảm lãi suất hiện khá cao, ngay cả khi Fed hiện vẫn đang trong quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ.

Theo vị chuyên gia, các điều kiện thị trường và cuộc khủng hoảng niềm tin vào ngành ngân hàng hiện nay dường như đã giúp Fed hạ nhiệt lạm phát.

Các nhà băng khu vực, vốn đang phải chật vật để ngăn dòng tiền gửi tháo chạy sang các đối thủ lớn hơn như JPMorgan Chase và Citigroup, đã bắt đầu siết tín dụng đối với các doanh nghiệp địa phương.

Do đó, việc nền kinh tế bắt đầu thu hẹp chỉ còn là vấn đề thời gian, “vua trái phiếu” dự đoán. “Tôi nghĩ suy thoái sẽ đến trong vài tháng nữa”, ông cho hay.

Ông Gundlach cho rằng Fed sẽ phải đưa ra lựa chọn, tức là phải ưu tiên giải quyết một cuộc khủng hoảng trước.

Bình luận trên xuất hiện sau khi Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde cho biết bà tin cơ quan này có thể xử lý cả hai cùng lúc.

Tại cuộc họp hồi cuối tháng 3, bà Lagarde bày tỏ: “Theo suy nghĩ của cá nhân tôi và các nhà lập pháp, ECB không nhất thiết phải đánh đổi giữa việc ổn định giá cả và ổn định tài chính”.

Các nhà băng châu Âu chưa chắc khá hơn Mỹ

Đầu tháng này, Chủ tịch Lagarde khẳng định bà sẵn sàng hỗ trợ các ngân hàng trong khu vực bằng một bộ công cụ mà ECB đã sử dụng rộng rãi trong đại dịch.

Mục đích của các biện pháp này là đảm bảo các nhà băng đang gặp khó khăn có thể tiếp cận không hạn chế nguồn thanh khoản từ ECB nếu điều kiện thị trường bị thắt chặt.

Chia sẻ với các phóng viên, bà Lagarde nói: “Chúng tôi có nhiều chương trình mở rộng, hơn cả Fed về danh sách các nhóm tài sản thế chấp và quy mô thanh khoản, và chúng tôi có thể làm nhiều hơn nếu cần”.

Chủ tịch ECB tin rằng các chính sách cần thiết để chống lạm phát và những biện pháp có thể ngăn chặn tình trạng thắt chặt tín dụng là những bộ công cụ hoàn toàn khác nhau.

Khi được CNBC hỏi rằng liệu bản thân có thấy lập luận của bà Lagarde thuyết phục hay không, “vua trái phiếu” Gundlach không ngần ngại khẳng định. “Tôi hoàn toàn không đồng tình”.

CEO của DoubleLine cho biết có lý do để giá cổ phiếu các ngân hàng châu Âu như Deutsche Bank và Société Générale không phục hồi hoàn toàn sau cuộc khủng hoảng cho vay dưới chuẩn của Mỹ.

Trong khi đó, các nhà băng bên kia bờ Đại Tây Dương như JPMorgan, Wells Fargo và Bank of America đã quay về mức trước khủng hoảng từ lâu, ông Gundlach nêu ra.

“Dường như hệ thống ngân hàng châu Âu vẫn đang bị căng thẳng tài chính”, ông nhận xét.

 

Khả Nhân