|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Quan chức Fed: Căng thẳng trong lĩnh vực ngân hàng đẩy Mỹ tiến sát suy thoái hơn

21:26 | 27/03/2023
Chia sẻ
Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis cảnh báo, những căng thẳng vừa qua trong ngành ngân hàng rõ ràng đã đẩy nền kinh tế Mỹ tiến sát suy thoái hơn.

Gần hơn tới suy thoái

Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis - ông Neel Kashkari. (Ảnh: Getty Images).

Trên đài CBS hồi cuối tuần trước, người dẫn chương trình đã hỏi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh Minneapolis rằng liệu cuộc khủng hoảng ngân hàng hiện nay có thể đẩy Mỹ tiến gần tới suy thoái hơn hay không.

Đáp lại, ông Neel Kashkari, Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis, cho hay: “Bây giờ, chắn chắn là cuộc khủng hoảng đang khiến nền kinh tế Mỹ tiến sát bờ vực suy thoái hơn nữa”.

“Biến số quan trọng là những cú sốc này sẽ gây ra khủng hoảng tín dụng ở quy mô nào. Và chính cuộc khủng hoảng tín dụng đó sẽ khiến nền kinh tế đi chậm lại”, ông Kashkari giải thích.

Ông nói thêm rằng các quan chức Fed đang theo dõi “rất sát” tác động từ vụ sụp đổ của một số ngân hàng thời gian gần đây. Vị chủ tịch còn khẳng định Fed sẽ “hỗ trợ đầy đủ” cho hệ thống ngân hàng.

“Hệ thống ngân hàng Mỹ có vị thế vốn mạnh và rất nhiều thanh khoản. Đồng thời, họ còn nhận được sự hỗ trợ đầy đủ từ Fed và các cơ quan quản lý khác”, ông nhấn mạnh trên đài CBS.

“Hệ thống ngân hàng Mỹ đang rất ổn định”, ông Kashkari trả lời khi được hỏi các nhà băng có đủ ổn định để kiểm soát những rủi ro từng xuất hiện tại Silicon Valley Bank và Signature Bank hay không.

Bình luận của ông Kashkari có phần tương tự với những tuyên bố từ các quan chức thuộc Hội đồng Giám sát Ổn định Tài chính Mỹ (FSOC).

FSOC đã tổ chức một cuộc họp kín vào tuần trước, khi dữ liệu của Fed cho thấy người dân đã rút ra gần 100 tỷ USD từ các ngân hàng trong tuần kết thúc vào ngày 15/3, dù đây chỉ là một phần nhỏ trong tổng tiền gửi tại Mỹ.

Ở diễn biến khác, nguồn tin của CNBC cho biết nhiều khách hàng đã chuyển tiền gửi từ các nhà băng nhỏ sang các tổ chức tài chính lớn hơn như JPMorgan Chase và Wells Fargo, nhưng xu hướng này đã chậm lại trong những ngày gần đây.

Ông Kashkari mô tả diễn biễn trên là “rất tích cực” và là dấu hiệu cho thấy niềm tin của người gửi tiền đã phục hồi phần nào.

“Chúng tôi nhìn thấy một số dấu hiệu đáng lo ngại, nhưng vẫn có dấu hiệu tích cực là dòng tiền gửi rút ra đã chậm lại. Niềm tin của khách hàng vào các ngân hàng nhỏ và ngân hàng khu vực đã phục hồi một phần”, ông bày tỏ.

 

Còn quá sớm để dự đoán về lãi suất

Cũng trên đài CBS, ông Kashkari nói còn quá sớm để dự đoán bất kỳ điều gì cho cuộc họp tiếp theo của Uỷ ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) vào tháng 5 tới. Hồi tuần trước, Fed đã nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản.

“Còn quá sớm để đưa ra bất kỳ dự báo lãi suất nào cho cuộc họp tiếp theo”, vị chủ tịch nhấn mạnh. Đồng thời, ông nói thêm rằng căng thẳng trong lĩnh vực ngân hàng sẽ là “yếu tố được quan tâm nhiều nhất”.

Ông Kashkari còn nói những vấn đề của ngành ngân hàng có thể giúp Fed dễ dàng hoàn thành mục tiêu kiểm soát lạm phát hơn. “Một mặt, những căng thẳng như vậy có thể làm giảm lạm phát, vì vậy chúng tôi có thể nhẹ tay với lãi suất hơn...”

“Nhưng ngay bây giờ, vẫn chưa rõ những rắc rối của hệ thống ngân hàng sẽ tác động đến nền kinh tế ở mức độ nào. Đó là điều cần theo dõi rất cẩn thận”, Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis nói tiếp.

 

“Thiên đường trú ẩn” châu Á

Chia sẻ với CNBC, ông Mark Mobius, đối tác sáng lập tại Mobius Capital Partners, cho rằng những lo ngại về lĩnh vực ngân hàng tại Mỹ và châu Âu dường như ít rõ rệt hơn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

“Các ngân hàng ở đây thận trọng hơn rất nhiều, họ đảm bảo mình có một bảng cân đối kế toán lành mạnh”, ông lý giải.

“Tôi nghĩ theo một số khía cạnh, châu Á sẽ là thiên đường trú ẩn cho nhà đầu tư. Các ngân hàng ở Singapore, Thái Lan,...đang hoạt động khá tốn”, nhà đầu tư có tiếng gợi ý.

Ông Mobius đưa ra bình luận trên sau khi cổ phiếu của Deutsche Bank đi xuống trong phiên 24/3, đánh dấu ngày thua lỗ thứ ba liên tiếp sau khi hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng của nhà băng này tăng vọt.

Cũng cuối tuần qua, Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva nhấn mạnh rằng rủi ro đối với sự ổn định của hệ thống tài chính đã tăng lên.

Khả Nhân