Đế chế 7.000 tỷ USD của Charles Schwab chao đảo trước 'bão' lãi suất của Fed
Phi lý hay hợp lý
Charles Schwab là một trong những công ty trụ cột của ngành môi giới chứng khoán tại Mỹ với lịch sử hoạt động hơn nửa thế kỷ. Ngoài ra, Schwab còn tham gia vào mảng ngân hàng. Thoạt nhìn, việc Schwab bị cuốn vào cuộc khủng hoảng ngân hàng hiện nay có vẻ rất phi lý.
Khác với Silvergate Capital và Signature Bank, Charles Schwab không có nguy cơ thiệt hại lớn vì tiền mã hóa. Công ty cũng không phụ thuộc vào startup và vốn đầu tư mạo hiểm như Silicon Valley Bank (SVB).
Chỉ có khoảng 20% tiền gửi tại Schwab vượt quá giới hạn bảo hiểm 250.000 USD của Tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC), còn tại SVB là khoảng 90%.
Schwab cũng không thể bị coi là “bằng vai phải lứa” với những tổ chức tài chính khu vực. Hiện tại, công ty có 34 triệu tài khoản khách hàng, một đội ngũ cố vấn tài chính hùng hậu và tổng cộng hơn 7.000 USD tài sản.
Nhưng sự hoài nghi vẫn bủa vây Schwab. Các nhà đầu tư đang bắt đầu để mắt đến những rủi ro của Schwab. Bảng cân đối kế toán của công ty chất đầy trái phiếu dài hạn và các khoản lỗ chưa thực hiện đã phình to tới 29 tỷ USD vào năm 2022, tờ Bloomberg cho biết.
Cùng lúc đó, lãi suất gia tăng đang thúc đẩy khách hàng chuyển tiền khỏi những loại tài khoản là nền tảng cho hoạt động kinh doanh của công ty.
Giá cổ phiếu Schwab đã sụt hơn 25% kể từ hôm 8/3. Một số nhà phân tích Phố Wall dự đoán lợi nhuận của công ty cũng sẽ đi xuống. Ông Michael Wong, nhà phân tích của Morningstar, nhận xét: “Đáng ra Schwab nên đưa ra những lựa chọn đầu tư thận trọng hơn”.
Nhà sáng lập Charles Schwab và CEO Walt Bettinger khẳng định công ty này vẫn mạnh khỏe và sẵn sàng chống chọi với khủng hoảng.
Trong cuộc phỏng vấn với tờ Wall Street Journal tuần trước, ông Bettinger tuyên bố: “Nếu 100% tiền gửi bị rút ra thì chúng tôi vẫn có đủ thanh khoản để đáp ứng ngay lập tức”.
Ông nói thêm rằng công ty có thể vay tiền từ hệ thống Ngân hàng Cho vay Mua nhà Liên bang (FHLB) và phát hành chứng chỉ tiền gửi để giải quyết bất kỳ vấn đề thiếu hụt vốn nào.
Cuộc khủng hoảng ngân hàng tại Mỹ có vẻ đã dịu bớt sau khi First Citizens đồng ý mua phần lớn tài sản của SVB, góp phần nâng đỡ cổ phiếu của các công ty tài chính.
Schwab tăng 3% trong phiên đầu tuần, nhưng vẫn thấp hơn khoảng 42% kể từ đỉnh thiết lập hồi tháng 2/2022, một tháng trước khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu tăng lãi suất.
Mô hình kinh doanh khác thường
Schwab không giống bất kỳ công ty nào cùng ngành. Schwab vận hành một trong những ngân hàng lớn nhất nước Mỹ, kết hợp với công ty chứng khoán đại chúng lớn nhất trên thị trường. Cả hai bộ phận đều nhạy cảm với sự thay đổi của lãi suất.
Giống như SVB, Schwab đã gom nhiều trái phiếu kỳ hạn dài có lợi suất thấp hồi năm 2020 và 2021. Điều này có nghĩa là các khoản lỗ trên giấy tờ của công ty đã tăng lên nhanh chóng khi Fed khởi động chiến dịch tăng lãi suất để kìm hãm lạm phát.
Ba năm trước, bộ phận ngân hàng của Schwab không có khoản lỗ chưa thực hiện nào đối với số trái phiếu dài hạn mà công ty định nắm giữ đến lúc đáo hạn. Nhưng cuối năm ngoái, công ty có tới 13 tỷ USD các khoản lỗ như vậy.
- TIN LIÊN QUAN
-
Fed và khối trái phiếu 117 tỷ USD đẩy Silicon Valley Bank vào cảnh sụp đổ 12/03/2023 - 20:58
Để ngăn các khoản lỗ chưa thực hiện ảnh hưởng đến vốn chủ sở hữu, năm ngoái Schwab đã chuyển 189 tỷ USD chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp từ khoản mục “sẵn sàng để bán” sang “nắm giữ đến ngày đáo hạn”.
Theo quy định, động thái trên buộc Schwab phải giữ hơn 150 tỷ USD trái phiếu có lợi suất bình quân gia quyền (weighted-average yield) là 1,74% đến tận ngày đáo hạn. Phần lớn lượng lượng trái phiếu này có kỳ đáo hạn cách đây hơn 10 năm nữa.
Khi lợi suất tăng, giá trái phiếu giảm nhưng các ngân hàng không phải hạch toán lỗ nếu họ có thể nắm giữ chúng đến ngày đáo hạn. Tuy nhiên, nếu ngân hàng đột ngột phải bán những trái phiếu đó để huy động tiền thì họ buộc phải trình bày khoản lỗ trong báo cáo tài chính.
Tiền mặt
Lãi suất gia tăng còn gây thiệt hại cho lượng tiền mặt của Schwab. Một trong những nguồn thu nhập chính của Schwab đến từ tiền nhàn rỗi của khách hàng. Schwab “chuyển” tiền gửi từ tài khoản môi giới chứng khoán đến ngân hàng của mình, sau đó tài đầu tư số tiền này vào các sản phẩm trả lợi suất cao hơn.
Chênh lệch giữa số tiền mà Schwab kiếm được và lãi phải trả cho khách hàng là thu nhập lãi thuần (NII) của công ty. Thu nhập lãi thuần là một trong những thước đo quan trọng nhất của một ngân hàng. Năm ngoái, thu nhập lãi thuần chiếm 51% tổng doanh thu thuần của Schwab.
Sau một năm chứng kiến lãi suất gia tăng nhanh chóng, nhiều khách hàng đã quyết định hành động để tránh tiền mặt bị ứ đọng. Nhiều quỹ thị trường tiền tệ đang trả lãi suất lên tới 4%, còn tài khoản chuyển gửi (sweep account) của Schwab chỉ trả 0,45%.
Đội ngũ quản lý của Schwab thừa nhận rằng việc khách hàng quay lưng với tài khoản chuyển gửi của công ty đã trở nên phổ biến hơn vào năm ngoái. Nhưng CEO Bettinger và nhà sáng lập Schwab nhấn mạnh rằng “tiền gửi của khách có thể chuyển sang những tài khoản khác, nhưng chúng không rời khỏi công ty chúng tôi”.