|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Các ngân hàng Mỹ đã sai lầm lớn khi đặt cược vào những khách hàng giàu có?

16:11 | 27/03/2023
Chia sẻ
Việc lãi suất gia tăng đã làm lộ ra điểm yếu của các ngân hàng theo đuổi chiến lược phục vụ những khách hàng giàu có.

(Ảnh minh hoạ: AP).

Lãi suất quá thấp, khách hàng quay lưng

Một nguyên nhân chính dẫn đến cuộc khủng hoảng ngân hàng năm 2008 là những người vay tiền dưới chuẩn, đặc biệt là những người không có khả năng trả nợ nhưng vẫn được phê duyệt khoản vay thế chấp để mua nhà.

Cuộc khủng hoảng hiện nay thì ngược lại. Những ngân hàng phục vụ cho nhóm khách hàng giàu có nhất, có năng lực trả nợ tốt nhất – như SVB và Signature – lại đang gặp rắc rối lớn nhất.

Sự chuyển biến này rất đáng chú ý. Sau năm 2008, phục vụ cho nhóm những khách hàng giàu có thường được cho là mô hình kinh doanh ưu việt.

Ngay cả những nhà băng lớn nhất cũng nhăm nhe đẩy mạnh cho vay tiêu dùng và cung cấp dịch vụ quản lý tài sản cho các khách hàng khá giả, đồng thời thu hẹp quy mô phục vụ khách hàng dưới chuẩn.

Các nhà băng cho rằng những khách hàng giàu có hiếm khi vỡ nợ, gửi nhiều tiền mặt và sử dụng nhiều dịch vụ ngân hàng thương mại hơn. Họ cũng trả các khoản phí lớn cho hoạt động đầu tư và tư vấn.

Nhưng khi lãi suất tăng vọt vào năm ngoái, điểm yếu của chiến lược trên cũng lộ rõ. Người giàu không vỡ nợ hàng loạt, nhưng kể từ năm ngoái, những người gửi nhiều tiền nhất bắt đầu rút ra để được hưởng lãi cao hơn tại các ngân hàng trực tuyến, quỹ thị trường tiền tệ hoặc trái phiếu Kho bạc Mỹ.

Startup và các doanh nghiệp tư nhân khác cũng bắt đầu đốt nhiều tiền hơn, dẫn đến việc tiền gửi bị chảy ra, theo Wall Street Journal.

 

Vào đầu tháng này, khi nhà đầu tư bắt đầu thấy bất an về hệ thống ngân hàng, gặp rủi ro cao nhất là những người gửi tiền với số dư tài khoản vượt quá hạn mức bảo hiểm 250.000 USD của Tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC).

Khoảng 89% tiền gửi ở SVB không được bảo hiểm và ngân hàng này đã kêu gọi khách đừng rút nhiều tiền ra. Nhưng những vị khách giàu có được ngân hàng cấp cho nhiều đặc quyền đã bỏ đi với tiền của họ.

Thiệt hại từ các khoản nợ cũ

Ngoài rủi ro tiền gửi, các ngân hàng còn gặp rắc rối từ việc nắm giữ nhiều khoản cho vay và chứng khoán hiện đang sinh lãi thấp hơn nhiều lãi suất thị trường. Khi cần thiết, nhiều ngân hàng lại không thể dễ dàng bán ra chứng khoán nợ để đáp ứng nhu cầu rút tiền của khách hàng.

Tại sao các ngân hàng lại mạnh tay mua vào chứng khoán nợ? Nguyên nhân là do họ đã nhận được lượng tiền gửi lớn trong đại dịch nhưng không thấy nhu cầu đi vay tăng tương ứng.

Điều này có lẽ đặc biệt đúng với những ngân hàng chuyên phục vụ người giàu, bởi nhóm khách hàng này thường không cần vay nhiều để đáp ứng nhu cầu hàng ngày.

Khi người giàu vay tiền từ ngân hàng thì đó thường là khi họ cần mua nhà. Các khoản vay đó được gọi là nợ vay thế chấp khổng lồ (jumbo mortgage).

Theo tờ Wall Street Journal, thuật ngữ này thường được dùng để chỉ những khoản vay có quy mô trên 726.200 USD, hoặc trên 1.089.300 USD tại những thành phố đắt đỏ như New York hay San Francisco.

Nợ vay thế chấp khổng lồ mang lại cho hệ thống ngân hàng các vị khách giàu có với nhiều tiền mặt. Tuy nhiên, so với những khoản vay thông thường thì ngân hàng khó có thể bán lại nợ vay thế chấp khổng lồ trên thị trường hơn, một phần bởi chúng không được bảo đảm bởi những tổ chức do chính phủ tài trợ như Fannie Mae hay Freddie Mac.

Do đó, ngân hàng thường giữ nguyên thay vì chứng khoán hóa những khoản vay khổng lồ. Không ít các khoản vay đó có lãi suất được ấn định ở mức thấp trong tương lai gần, và giá trị của chúng sẽ sụt giảm khi lãi suất thị trường tăng lên.

30 năm là kỳ hạn nợ vay thế chấp mua nhà phổ biến nhất tại Mỹ. 

Không phải mọi ngân hàng tập trung vào các khách hàng cá nhân giàu có đều đối mặt với áp lực lớn. Trong tháng này, cổ phiếu của Morgan Stanley và Goldman Sachs tụt khoảng 15%, chỉ bằng một nửa mức giảm của chỉ số KBW Nasdaq Bank.

Nhưng theo Wall Street Journal, hai ngân hàng đó có hoạt động đa dạng và tập trung vào các lĩnh vực tạo ra phí - như giao dịch cổ phiếu hoặc quản lý tài sản - nhiều hơn là tiền gửi và nợ vay thế chấp.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể xoa dịu tình hình bằng các biện pháp hỗ trợ thanh khoản hoặc cắt giảm lãi suất. Nhưng áp lực đối với các nhà băng phục vụ cho người giàu chưa chắc sẽ chấm dứt. Có thể khách vẫn sẽ rút tiền ra để gửi vào những nơi sinh lời cao hơn.

Các khách hàng giàu có cũng không miễn nhiễm với rắc rối kinh tế. Các doanh nghiệp Mỹ đã tuyển dụng quá nhiều lao động trí thức trong thời đại dịch và trong bối cảnh suy thoái gần kề, lực lượng này đang bị sa thải trước lao động phổ thông.

Dĩ nhiên, một cuộc suy thoái sâu rộng khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt và Fed giảm lãi suất có thể sẽ khiến mọi ngân hàng phải chịu nỗi đau lớn như nhau. Nhưng ít nhất thì ở thời điểm hiện tại, rắc rối vẫn bắt nguồn từ những ngân hàng phục vụ người giàu.

Giang

ĐHĐCĐ Nam Long: Doanh số quý I ước đạt 1.160 tỷ đồng, có thể đưa ra thị trường 15.000 sản phẩm trong ba năm tới
HĐQT Nam Long định hướng phát triển trong năm 2024 tập trung vào dòng sản phẩm nhà ở vừa túi tiền và hợp với nhu cầu thị trường, mục tiêu bán trên 3.100 sản phẩm với doanh số kỳ vọng đạt 9.554 tỷ đồng.