Khách hàng rút mạnh tiền gửi tại các nhà băng châu Âu, xác lập kỷ lục trong tháng 2
Theo dữ liệu do Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) công bố vào ngày 27/3, các khách hàng đã rút tổng cộng 214 tỷ euro (khoảng 231 tỷ USD) tiền gửi từ các nhà băng thuộc khu vực đồng tiền chung trong 5 tháng qua. Số tiền rút ra đạt kỷ lục vào tháng 2.
Tiền gửi ngân hàng tại khu vực đồng euro bắt đầu đi xuống vài tháng sau khi ECB tăng lãi suất vào mùa hè năm ngoái, là một sự đảo ngược so với dòng tiền lớn từng đổ vào các ngân hàng, đặc biệt là kể từ sau đại dịch.
Việc tiền gửi chảy ra gần đây cho thấy các nhà băng đang khó thu hút và giữ chân khách hàng hơn. Xu hướng này đã xảy ra từ trước cả khi lĩnh vực ngân hàng xảy ra bất ổn khiến ba nhà băng của Mỹ sụp đổ và đẩy Credit Suisse vào vòng tay UBS.
Vào tháng 2, dòng tiền gửi càng sụt giảm nhanh hơn khi các khách hàng rút ra 71,4 tỷ euro. Đây là mức giảm lớn nhất kể từ khi các nhà chức trách bắt đầu thu thập dữ liệu tiền gửi vào năm 1997.
Tiền gửi hộ gia đình sụt 20,6 tỷ euro, đánh dấu mức giảm lớn nhất kể từ khi dữ liệu được thu thập lần đầu vào năm 2003, tờ Financial Times dẫn báo cáo của ECB cho biết thêm.
Lượng tiền gửi bị rút ra trong 5 tháng qua tương đương 1,5% trong số gần 14 nghìn tỷ euro tiền gửi mà các ngân hàng khu vực eurozone đang quản lý và ít hơn con số 500 tỷ USD mà khách hàng đã rút khỏi các nhà băng Mỹ trong năm qua.
Tại Anh, các khách hàng doanh nghiệp cũng có xu hướng rút tiền gửi tương tự. Tháng 1 năm nay, họ đã rút ra khoảng 20,3 tỷ bảng Anh (tương đương gần 25 tỷ USD) từ các ngân hàng và hiệp hội xây dựng.
Đây là một một kỷ lục mới kể từ khi dữ liệu lần đầu được thu thập vào năm 2009, theo Ngân hàng Trung ương Anh (BoE). Tuy nhiên, tiền gửi hộ gia đình ở Anh tiếp tục tăng thêm 3,5 tỷ bảng.
Theo Financial Times, các ngân hàng trong khu vực eurozone vẫn chưa đẩy nhanh việc nâng lãi suất cho người gửi tiền. Trong tháng này, ECB đã tăng lãi suất tiền gửi lên 3%, nhưng lãi suất gửi tiết kiệm ngắn hạn tại các nhà băng Đức hiện chỉ rơi vào khoảng 1,6%, theo công ty môi giới tiền gửi Raisin.
Điều này đã thúc đẩy các khách hàng chuyển từ tài khoản tiết kiệm ngắn hạn sang các tài khoản dài hạn với mức lãi suất cao hơn.
Mặt khác, tiền gửi qua đêm tại các ngân hàng khu vực đồng euro đã sụt khoảng 140 tỷ euro trong tháng 2, kéo tổng mức giảm trong 6 tháng qua lên 512 tỷ euro, dữ liệu của ECB chỉ ra.
Song, đà giảm nói trên đã được bù đắp phần nào bởi sự gia tăng tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn thoả thuận lên đến hai năm. Tiền gửi kỳ dài hạn tăng 83 tỷ euro trong tháng 2 và 476,3 tỷ euro trong 6 tháng qua.
Ngoài ra, báo cáo của ECB cũng cho thấy nhiều khách hàng đã rót thêm tiền vào các quỹ thị trường tiền tệ và chứng khoán nợ do ngân hàng phát hành.
ECB cho biết một số khoản tiền gửi bị rút ra đã được đầu tư trở lại vào các nhà băng trong khu vực. Trong 6 tháng tính đến tháng 2/2023, các ngân hàng này đã huy động thêm vốn bằng cách phát 155 tỷ euro trái phiếu.
Ông Jack Allen-Reynolds, nhà kinh tế tại Capital Economics, nhận xét: “Dữ liệu cho thấy người gửi tiền tại châu Âu vẫn tiếp tục rót vốn vào các tài sản ít thanh khoản nhưng có tỷ suất lợi nhuận cao hơn”.
Dù giảm tỷ lệ tiền gửi tại các nhà băng, các khách hàng vẫn “đầu tư một phần số tiền đó vào trái phiếu do ngân hàng phát hành, vì vậy đây không hẳn là dấu hiệu cho thấy họ đang mất niềm tin vào hệ thống ngân hàng”, ông Allen-Reynolds nói.
Giá trị các khoản cho vay của hệ thống ngân hàng khu vực eurozone đã đi xuống tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 2, nâng tổng mức giảm trong ba tháng qua lên 72 tỷ euro và chấm dứt gần 5 năm tăng trưởng ổn định.
Các nhà kinh tế cho rằng tình trạng hỗn loạn trong lĩnh vực ngân hàng thời gian qua có thể khiến các nhà băng thận trọng và siết chặt nguồn cung tín dụng hơn.
Nhóm nhà phân tích tại Jefferies cho biết: “Chúng tôi dự đoán tăng trưởng cho vay sẽ tiếp tục chậm lại trong ngắn hạn và bắt đầu phục hồi ở giai đoạn sau khi lãi suất ngắn hạn ổn định và môi trường kinh tế được cải thiện”.