|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Quyết định của OPEC+ khiến công việc của Fed khó thêm vài phần

07:46 | 04/04/2023
Chia sẻ
Các nước thành viên OPEC+ mới đây đã tự nguyện giảm sản lượng thêm 1,16 triệu thùng dầu/ngày. Động thái này có nguy cơ thổi bùng làm phát, làm phức tạp thêm cuộc chiến của các ngân hàng trung ương như Fed.

Chủ tịch Fed Jerome Powell. (Ảnh: Bloomberg).

Các nước thành viên OPEC+ dự kiến sẽ giảm sản lượng thêm 1,16 triệu thùng/ngày cho đến cuối năm nay. Động thái này sẽ gây thêm áp lực cho cuộc chiến chống lạm phát của các ngân hàng trung ương toàn cầu, nhưng lại bảo vệ chiến lược sản xuất của liên minh dầu mỏ trước sức ép chính trị.

Washington đã lên tiếng chỉ trích quyết định hạ sản lượng hồi cuối tuần trước của các nhà sản xuất OPEC+, bao gồm Arab Saudi và các đồng minh chủ chốt là Kuwait, UAE và Nga.

Phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng bày tỏ: “Chúng tôi không nghĩ rằng OPEC+ nên cắt giảm sản lượng vào thời điểm này, do thị trường đang có nhiều yếu tố bất ổn”.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã nhiều lần chỉ trích OPEC+ vì việc giảm sản lượng, với lý do áp lực lạm phát sẽ phình to khi giá nhiên liệu tăng cao và Nga sẽ có thêm ngân sách để tài trợ cho cuộc chiến ở Ukraine.

Một số nhà phân tích hiện cảnh báo giá “vàng đen” có thể nhảy vọt lên mức 100 USD/thùng, trong khi Goldman Sachs cho rằng giá dầu Brent có thể tăng thêm 5 USD lên 95 USD/thùng vào cuối năm 2023.

 

Trong một ghi chú, nhà phân tích Victor Ponsford của Rystad Energy cảnh báo: “Giá dầu dự kiến sẽ tăng trong nửa cuối năm nay do các đợt cắt giảm tự nguyện của OPEC+.

Điều này có thể thúc đẩy lạm phát toàn cầu, buộc các ngân hàng trung ương duy trì quan điểm cứng rắn hơn về lãi suất. Tuy nhiên, giá dầu quá cao cũng sẽ kìm hãm tăng trưởng kinh tế và khiến nhu cầu đi xuống”.

Chia sẻ với CNBC, ông Tamas Varga thuộc công ty môi giới dầu PVM đã nhắc đến những rủi ro chính trị lớn hơn từ việc tự nguyện cắt giảm sản lượng của các nước OPEC+. Ông nói lạm phát toàn phần sẽ tăng nhanh hơn dự đoán.

Song, ông Varga cho rằng các ngân hàng trung ương vẫn sẽ tiếp tục hạ tốc độ tăng lãi suất vì “lập trường của họ chủ yếu được định hình bởi số liệu lạm phát lõi, vốn không bị ảnh hưởng nhiều bởi giá dầu như lạm phát toàn phần”.

Vị chuyên gia cũng dự đoán: “Tiếng nói của những người ủng hộ dự luật NOPEC trong Quốc hội Mỹ cũng sẽ lớn hơn và họ sẽ cáo buộc OPEC+ sử dụng dầu như một thứ vũ khí. Động thái này cũng sẽ khiến quan hệ giữa Mỹ và Arab Saudi xấu đi hơn nữa”.

NOPEC là một dự luật cho phép chính phủ Mỹ khởi kiện các nước thành viên OPEC+ về hành vi thao túng thị trường năng lượng, có khả năng đòi bồi thường hàng tỷ USD.

Mỹ có thể kìm chế đà tăng của giá dầu bằng cách giải phóng thêm dầu thô từ kho dự trữ chiến lược. Theo dữ liệu của Bộ Năng lượng Mỹ, kho đang chứa khoảng 371 triệu thùng dầu, tương đương một nửa công suất thực tế của chúng.

Trong cuộc trao đổi cùng Bloomberg vào đầu tuần này, ông James Bullard - Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh St. Louis - cho biết quyết định của OPEC+ là không ngờ được và giá dầu tăng có thể khiến việc khống chế lạm phát của Fed thêm thách thức.

"Đợt cắt giảm sản lượng này là một bất ngờ", ông nói với Bloomberg. "Liệu nó có ảnh hưởng lâu dài đến đâu sẽ là một câu hỏi mở. Giá dầu biến động thường xuyên, rất khó để theo dõi chính xác. Giá tăng có thể tác động đến lạm phát và làm cho công việc của Fed khó khăn hơn một chút".

Tháng trước, các nhà hoạch định chính sách của Fed đã nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, lên phạm vi 4,75 - 5%. Họ cũng hàm ý rằng Fed còn một đợt tăng lãi suất khác trong năm nay. Ông Bullard dự đoán mức đỉnh lãi suất sẽ đạt khoảng 5,625%. 

 

Việc tự nguyện giảm sản lượng của OPEC+ sẽ bắt đầu vào tháng 5 và kéo dài đến cuối năm nay. Arab Saudi, nhà sản xuất lớn nhất của OPEC, sẽ hạ sản lượng 500.000 thùng/ngày.

Iraq sẽ giảm sản lượng 211.000 thùng/ngày. UAE, Kuwait, Oman và Algeria tuyên bố sẽ cắt sản lượng lần lượt khoảng 144.000, 128.000, 40.000 và 48.000 thùng/ngày. Kazakhstan cũng sẽ giảm khoảng 78.000 thùng/ngày.

Nguồn tin của Reuters cho biết Gabon sẽ tự nguyện cắt giảm 8.000 thùng/ngày và không phải tất cả các nước thành viên OPEC+ đều tham gia động thái mới vì một số đã bơm ít hơn hạn ngạch được cấp do thiếu công suất.

Hôm 2/4, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cũng cho biết Moscow sẽ gia hạn mức giảm tự nguyện 500.000 thùng/ngày cho đến cuối năm 2023. Nga đơn phương thông báo cắt giảm hồi tháng 2, sau khi phương Tây áp dụng trần giá.

Động thái tự nguyện của các nước thành viên OPEC+ sẽ nâng tổng khối lượng dầu thô mà liên minh này sẽ cắt giảm lên 3,66 triệu thùng/ngày - tương đương 3,7% tổng nhu cầu toàn cầu.

Khả Nhân