|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

OPEC+ giảm sản lượng mặc Mỹ can ngăn, ông Biden có bao nhiêu phương án đáp trả?

15:17 | 03/04/2023
Chia sẻ
Tổng thống Mỹ Joe Biden không có quá nhiều lựa chọn để đáp trả động thái cắt giảm sản lượng mới đây của liên minh OPEC+, Bloomberg đánh giá.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: Bloomberg).

Hôm 2/4, liên minh OPEC+ bất ngờ tuyên bố sẽ hạ sản lượng dầu thô thêm 1,16 triệu thùng/ngày, nâng tổng mức giảm lên con số 3,66 triệu thùng/ngày - tương đương 3,7% nhu cầu toàn cầu.

Động thái của OPEC+ nhiều khả năng sẽ khiến giá nhiên liệu tại Mỹ đi lên, ngay khi Tổng thống Joe Biden được cho là đang chuẩn bị để khởi động chiến dịch tái tranh cử của mình.

Trong bối cảnh đó, ông chủ Nhà Trắng lại không có nhiều lựa chọn để đáp trả hành động của OPEC+, theo phân tích của Bloomberg.

Sử dụng kho dự trữ chiến lược

Ông Biden có thể tiếp tục giải phóng dầu thô từ kho dự trữ chiến lược quốc gia (SPR). Kho dự trữ này được xây dựng từ những năm 1970, sau lệnh cấm vận dầu mỏ của Arab Saudi.

Theo dữ liệu của Bộ Năng lượng Mỹ, kho đang chứa khoảng 371 triệu thùng dầu, tương đương một nửa công suất thực tế của SPR.

Năm ngoái, Mỹ đã giải phóng kỷ lục 180 triệu thùng dầu để chế ngự giá xăng trên đà tăng cao sau khi chiến sự giữa Nga và Ukraine nổ ra.

Chính quyền ông Biden đã ưu tiên nạp đầy SPR, nhưng quá trình bổ sung dự trữ gặp phải nhiều trở ngại như việc bảo trì cơ sở vật chất.

Bộ trưởng Bộ Năng lượng Jennifer Granholm cho biết Washington không thể giải phóng dầu và đổ đầy lại cùng một lúc. Vì vậy, nếu Washington quyết định dùng tới SPR một lần nữa, việc bổ sung dự trữ sẽ bị trì hoãn.

Song, ông Kevin Book, Giám đốc cấp cao tại hãng tư vấn ClearView Energy Partners, cho biết không có gì có thể ngăn cản chính quyền ông Biden xả kho dự trữ lần nữa.

“Tổng thống Biden đã kiểm soát giá xăng theo nhiều cách mà những người tiền nhiệm không làm được. Nếu ông Biden tiếp tục dùng tới SPR, có khả năng chính phủ sẽ tiếp tục can thiệp”, ông Book nói.

Gây áp lực lên các nhà sản xuất Mỹ

Theo Bloomberg, các nhà đầu tư đừng ngạc nhiên nếu giới chính trị gia tăng cường tấn công lĩnh vực năng lượng.

Trong năm qua, nhiều nhà sản xuất đã phớt lờ lời kêu gọi nâng sản lượng từ chính quyền ông Biden. Các công ty này cũng bị chỉ trích gay gắt khi thu lợi nhuận cao kỷ lục giữa lúc người tiêu dùng phải chịu giá năng lượng đắt đỏ.

Bất chấp làn sóng chỉ trích, sản lượng của các nhà sản xuất dầu đá phiến tại Mỹ vẫn tăng rất chậm chạp, bởi doanh nghiệp không muốn đẩy mạnh khai khác và có nguy rơi vào chu kỳ bùng nổ - suy tàn trước đó.

Ông Timm Schneider, nhà phân tích cấp cao tại The Schneider Capital Group, đánh giá: “Vì Mỹ không thể tác động đến các thành viên OPEC+, ‘kẻ ăn đòn’ chính là ngành công nghiệp dầu khí của nước này”.

Bộ Năng lượng Mỹ đã gửi yêu cầu bình luận của Bloomberg đến Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng.

Trong một phản hồi, người phát ngôn của hội đồng cho hay: “Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với tất cả nhà sản xuất và người tiêu dùng để đảm bảo thị trường năng lượng sẽ củng cố tăng trưởng kinh tế và hạ giá nhiên liệu cho người tiêu dùng”.

“Chúng tôi tập trung vào giá cả cho người tiêu dùng, chứ không phải giá dầu thô, và giá đã giảm đáng kể từ năm ngoái”, vị phát ngôn viên tiếp tục.

 

Ủng hộ “NOPEC”

Năm ngoái, OPEC+ đã bất ngờ tuyên bố sẽ giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày. Nhà Trắng hàm ý rằng để đáp trả quyết định đó, họ có thể sẽ thúc đẩy NOPEC.

NOPEC là một dự luật cho phép chính phủ Mỹ khởi kiện các nước thành viên OPEC+ về hành vi thao túng thị trường năng lượng, có khả năng đòi bồi thường hàng tỷ USD.

Cuối cùng, Washington đã từ chối ủng hộ NOPEC khi giới chuyên gia lên tiếng cảnh báo về những tác động tiềm tàng mà dự luật có thể gây ra đối với quan hệ ngoại giao và ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ.

Hạn chế xuất khẩu

Chính quyền ông Biden còn có thể ban hành các hạn chế xuất khẩu xăng và dầu diesel. Năm ngoái, Nhà Trắng đã coi lựa chọn đó là một phương án tiềm năng để chế ngự giá nhiên liệu nhưng chưa bao giờ áp dụng trên thực tế.

Các nhà phân tích cho biết việc ban hành các lệnh hạn chế xuất khẩu có thể gây tác dụng ngược và khiến giá nhiên liệu tại một số khu vực của Mỹ tăng cao hơn.

Không làm gì cả

Ông David Goldwyn, cố vấn mảng năng lượng của Tổng thống Barack Obama và hiện là chủ tịch công ty tư vấn Goldwyn Global Strategies, cho biết ngồi yên cũng là một lựa chọn.

Ông nói: “Đợt cắt giảm sản lượng này dường như là một phản ứng của OPEC với diễn biến thị trường hiện tại, Mỹ không cần phải can thiệp. OPEC dự đoán rằng tăng trưởng nhu cầu sẽ chững lại”.

Khả Nhân