|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Niềm vui của Tổng thống Biden là nỗi lo của Chủ tịch Fed Jerome Powell

15:29 | 16/02/2023
Chia sẻ
Lạm phát đang trên đà hạ nhiệt, mang lại tin vui cho Tổng thống Joe Biden. Tuy nhiên, sự phấn khích của ông chủ Nhà Trắng có thể xung đột với các mục tiêu của Fed.

Tại một cuộc gặp với người lao động tuần này, Tổng thống Joe Biden đã nêu bật ra điểm sáng của nền kinh tế Mỹ, gồm cơ hội việc làm nhiều hơn, lương bổng tốt hơn và chi phí sinh hoạt rẻ hơn. (Ảnh: Nhà Trắng).

Tổng thống Joe Biden đang đi khắp đất nước để ca ngợi sự bền bỉ của nền kinh tế và thị trường việc làm.

Tuy nhiên, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell lại đang phát đi một thông điệp rất khác. Ông hàm ý, nếu nền kinh tế tiếp tục trụ vững, Fed có thể cần phải hành động mạnh tay hơn để tiêu diệt lạm phát.

Trong tương lai, nền kinh tế Mỹ phản ứng ra sao với chu kỳ tăng lãi suất mạnh mẽ nhất của Fed trong 15 năm qua sẽ định hình di sản của cả hai nhà lãnh đạo, Politico nhấn mạnh.

Trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng việc làm và tiền lương đều dần ổn định hơn, ngày càng nhiều nhà phân tích tin rằng nền kinh tế Mỹ có thể chậm lại cùng với lạm phát mà không rơi vào suy thoái, tức là Fed có thể kiến tạo thành công một cuộc “hạ cánh mềm”.

Tuy nhiên, giá cả vẫn đang tiếp tục tăng và ông Powell đã nhấn mạnh rằng Fed sẽ duy trì lãi suất ở mức cao trong thời gian dài, nhằm ngăn chặn lạm phát ăn sâu bám rễ vào nền kinh tế. CPI tháng 1 tăng cao hơn dự báo đã củng cố quan điểm này của Chủ tịch Fed.

 

Chia sẻ với Politico, ông Tobin Marcus, chiến lược gia chính sách cấp cao tại Evercore ISI, cho hay: “Nền kinh tế của chúng ta vừa có những điểm sáng vừa có một vài điểm tối và lạm phát vẫn đang quá trình hạ nhiệt”

“Vì những lý do rất rõ ràng, Tổng thống Biden mới muốn nêu bật những điểm sáng, trong khi ông Powell cần tập trung để hoàn thành công việc tại Fed”, chiến lược gia Marcus cho hay.

Dưới đây là một vài tổng hợp của Politico về tình hình lạm phát, thị trường lao động và nền kinh tế Mỹ hiện nay, cũng như ảnh hưởng của các vấn đề này đến tương lai của Tổng thống Biden và Chủ tịch Powell.

Lạm phát hạ nhiệt nhưng chưa đủ

Từ mức đỉnh hơn 40 năm là 9,1% vào tháng 9 năm ngoái, lạm phát tại Mỹ đang dần hạ xuống mức mục tiêu 2% của Fed, đạt 6,4% vào tháng 1 năm nay. Song, công việc của ngân hàng trung ương Mỹ vẫn chưa hoàn thành.

Một phần lý do giúp lạm phát hạ nhiệt là giá xăng đã giảm sâu. Giá của mặt hàng này thường biến động thất thường và bị chi phí bởi thị trường toàn cầu, chẳng hạn như chiến sự Nga - Ukraine.

Tuy nhiên, ông Powell và đồng nghiệp muốn chắc chắn rằng lạm phát đang đi xuống trên diện rộng. Trong khi giá của các hàng hoá tiêu dùng như đồ nội thất và ô tô đã giảm, thì chi phí thuê nhà chỉ mới bắt đầu chững lại.

Đáng ngại nhất là giá cả trong các ngành dịch vụ cốt lõi như nhà hàng, vật tải và chăm sóc sức khoẻ vẫn leo thang, chủ yếu do chi phí lao động cao. Trong 6 tháng qua, giá cả ở khu vực dịch vụ đã tăng 4,7%.

Niềm vui của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang là nỗi lo của Chủ tịch Fed Jerome Powell. (Ảnh minh hoạ: The Standard/Getty Images, Reuters).

Thị trường lao động quá mạnh

Ở diễn biến khác, Bộ Lao động Mỹ cho biết trong tháng 1 năm nay, tỷ lệ thất nghiệp đạt 3,4% - mức thấp nhất kể từ năm 1969. Trong lịch sử hiện đại, lần duy nhất tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ xuống thấp hơn là trong Chiến tranh Triều Tiên.

Thị trường lao động mạnh mẽ, tỷ lệ thất nghiệp thấp là điểm cộng mà ông Biden sẽ muốn truyền đạt tới công chúng. Trong Thông điệp Liên bang mới đây và trong các chuyến công tác sau đó, ông chủ Nhà Trắng đã nhiều lần đề cập đến việc này.

Tuy nhiên, ông Powell đang nhìn vào tỷ lệ thất nghiệp thấp với tâm trạng lo lắng rằng tiền lương có thể nhảy vọt, kéo chi phí lao động đi lên và từ đó tạo ra vòng xoáy giá - lương đáng ngại.

 

Đối với Fed, lạm phát là một trong hai nhiệm vụ chính và thị trường lao động là một tín hiệu quan trọng cho thấy giá cả sẽ đi về đâu. Một thị trường lao động vững mạnh là dấu hiệu chứng tỏ người tiêu dùng và doanh nghiệp vẫn có thể xoay xở khi giá cả tiếp tục tăng.

Về cơ bản, Fed sẵn sàng mạo hiểm, tức là họ chấp nhận gây suy thoái để dập tắt lạm phát. Vào thập niên 1970, ngân hàng trung ương Mỹ từng mắc sai lầm là ngừng tăng lãi suất khi lạm phát chỉ mới hạ nhiệt, để rồi sau đó lại phải tăng lãi suất khi lạm phát trỗi dậy lần nữa.

Fed biết cách đối phó với suy thoái, nhưng tiêu diệt lạm phát thì không dễ dàng như vậy. Do đó, Fed thà hành động quá tay, tức là phải kìm hãm thị trường lao động và kích hoạt suy thoái để chống lạm phát. Khi kinh tế suy thoái, họ luôn có thể đảo chiều chính sách và cắt giảm chi phí đi vay.

 

Cơ hội tái đắc cử của ông Biden

Theo Politico, diễn biến lạm phát có vẻ không hỗ trợ cho Tổng thống Biden, người đang cố gắng tái đắc cử vào năm tới.

Chủ tịch Fed Jerome Powell từng gợi ý rằng tỷ lệ thất nghiệp có thể sẽ tăng 1 điểm % hoặc hơn khi ngân hàng trung ương Mỹ tiếp tục tăng lãi suất để làm chậm chi tiêu của người tiêu dùng.

Sự căng thẳng giữa vị thế hiện tại của nền kinh tế Mỹ và triển vọng tương lai đã thể hiện rõ nét trong những ngày gần đây.

Cả ông Biden và ông Powell đều muốn đưa lạm phát xuống thấp, nhưng Fed nhiều khả năng sẽ làm suy yếu một trong những điểm cộng lớn nhất của Tổng thống Biden trên đường đua năm 2024.

Ông Jason Furman, cố vấn kinh tế của cựu Tổng thống Barack Obama, cho hay: “Tôi tin rằng cả ông Biden và ông Powell đều gọi những món giống nhau trên menu [khống chế lạm phát]”.

“Tuy nhiên, Tổng thống Biden nhìn thấy trong thực đơn có món ‘hạ cánh mềm’, trong khi ông Powell chưa chắc đã thấy món này”, ông Furman nói, hàm ý rằng Chủ tịch Fed không đảm bảo lạm phát sẽ giảm mà nền kinh tế không rơi vào suy thoái.

Yên Khê