Rủi ro lạm phát của thế giới đã dịu bớt nhưng hiểm họa suy thoái vẫn rình rập
Loạt tin mừng
Sau ba năm hỗn loạn, các nhà đầu tư cuối cùng cũng đã có lý do để cảm thấy lạc quan về nền kinh tế thế giới.
Lạm phát tại Mỹ đang rút xuống, làm dấy lên hy vọng về kịch bản “hạ cánh mềm”, tức Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa được lạm phát về tầm kiểm soát mà không gây suy thoái. Vận may mỉm cười với châu Âu khi mùa đông ấm áp khiến giá năng lượng quay đầu giảm. Nền kinh tế Trung Quốc được giải phóng khỏi “Zero COVID” và trên đường phục hồi.
Các thị trường hân hoan. Chỉ số S&P 500 đã đi lên gần 6% kể từ đầu năm đến nay. Giá cổ phiếu châu Âu và các thị trường mới nổi tăng còn mạnh hơn.
Nhưng giờ vẫn còn quá sớm để tuyên bố rằng mọi rắc rối của nền kinh tế thế giới đã kết thúc. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 của Mỹ đã hạ nhiệt so với tháng liền trước và lạm phát cả năm nay có thể xuống dưới 2% nhờ giá năng lượng và hàng hóa rẻ. Nhưng trong lúc giá cả giảm tốc, tăng trưởng GDP cũng đi xuống.
Doanh số bán lẻ và sản lượng công nghiệp tại Mỹ giảm trong tháng 12 và các chỉ báo sớm về sản lượng cũng sụt giảm đáng kể. Thông thường, đây là dấu hiệu cho thấy suy thoái đang cận kề, tờ Economist cho biết.
Hai mối nguy
Bộ phận “mạnh khỏe” nhất của nền kinh tế Mỹ là thị trường lao động. Nhưng nhu cầu lớn dành cho lao động không hoàn toàn là tin tốt, bởi điều này sẽ khiến Fed khó chắc chắn rằng lạm phát đã bị khống chế.
Bất chấp tin tức về các cuộc sa thải lớn trong giới công nghệ, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ vẫn chỉ ở mức 3,5%. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới cũng đang ở mức thấp nhất trong vòng 3 tháng rưỡi.
- TIN LIÊN QUAN
-
Doanh nghiệp Mỹ ồ ạt sa thải nhân sự trong năm 2022, đâu là 10 vụ đáng chú ý nhất? 26/01/2023 - 14:00
Theo một số thước đo, tăng trưởng tiền lương hàng năm đã chậm lại nhưng vẫn duy trì quanh 5%. Hôm 24/1, Walmart thông báo sẽ nâng mức lương khởi điểm từ 12 lên 14 USD/giờ.
Do năng suất lao động chỉ đi lên khoảng 1% mỗi năm nên tiền lương tăng trưởng nhanh chóng có nguy cơ khiến giá cả vượt xa mục tiêu lạm phát 2% của Fed.
Một số nhà hoạch định chính sách hy vọng rằng các công ty có thể chấp nhận chi phí tiền lương gia tăng nhanh chóng mà không cần đẩy giá bán lên cao hơn nữa. Lý do là lợi nhuận doanh nghiệp đã tăng vọt trong năm 2021.
Nhưng trong mùa thu năm ngoái, biên lợi nhuận gia tăng chỉ đóng góp 1/8 mức tăng của lạm phát thời đại dịch. Theo dự kiến của Phố Wall, doanh nghiệp Mỹ sẽ báo cáo kết quả kinh doanh đáng thất vọng cho quý IV/2022. Do đó nhiều khả năng các công ty sẽ tăng giá tương ứng với chi phí lao động.
Các thị trường kỳ vọng rằng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất trong năm nay khi tăng trưởng chậm lại. Nhưng nếu Fed nghiêm túc về việc giảm lạm phát xuống 2% và đảm bảo giá cả sẽ không tăng vọt trở lại, các quan chức sẽ cần duy trì lãi suất ở mức cao cho đến khi tăng trưởng tiền lương hạ nhiệt – dẫu cái giá phải trả là suy thoái.
Nếu nền kinh tế Mỹ sa sút thì nhiều khả năng châu Âu cũng sẽ chịu chung số phận bởi châu Âu cũng đối mặt với vấn đề lạm phát cơ bản như Mỹ là tiền lương gia tăng nhanh chóng. Bà Christine Lagarde, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), cảnh báo rằng lãi suất sẽ tăng đáng kể, trái ngược với kỳ vọng của giới đầu tư.
Kịch bản đồng USD mạnh lên bởi Fed tiếp tục tăng lãi suất sẽ làm trầm trọng thêm lạm phát nhập khẩu và khiến công việc của ECB càng thêm khó khăn. Và khi đó cuộc phục hồi của các thị trường mới nổi cũng sẽ bị cản trở.
Sự kết thúc của chính sách Zero COVID tại Trung Quốc đã giảm thiểu khả năng các chuỗi cung ứng bị rối loạn. Tuy nhiên, mặt xấu là việc Trung Quốc tăng cường nhập khẩu có nguy cơ hâm nóng lạm phát trên thế giới. Châu Âu đổ đầy được các kho chứa khí đốt một phần là nhờ nhu cầu của Trung Quốc dành cho khí tự nhiên hóa lỏng trong năm 2022 thấp hơn 20% so với mức thông thường.
Rất có thể từ giờ nhu cầu sẽ phục hồi và khiến cho giá cả tăng vọt vào mùa đông tới. Nền kinh tế thế giới chỉ có thể hoàn toàn thoát khỏi hiểm nguy khi sức nóng của thị trường lao động và khủng hoảng năng lượng bị dập tắt.