|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Fed tiến thoái lưỡng nan với hướng đi chính sách sắp tới

09:52 | 21/01/2023
Chia sẻ
Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang vui mừng vì lạm phát đã hạ nhiệt và sẵn sàng giảm tốc độ tăng lãi suất lần thứ hai liên tiếp. Tuy nhiên, họ vẫn tranh luận rằng Fed nên thắt chặt chính sách bao lâu nữa để kiểm soát giá cả.

Chủ tịch Fed Jerome Powell. (Ảnh: Bankrate/Getty Images).

Cuộc thảo luận phức tạp

Chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed dường như đã tạo ra một số thành công nhất định, khi gần đây các dữ liệu kinh tế cho thấy lạm phát cuối cùng cũng bắt đầu hạ nhiệt.

Tuy nhiên, việc thị trường lao động vẫn tiếp tục bị siết chặt, với tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong 5 thập kỷ, lại khiến các nhà hoạch định chính sách khó có thể tuyên bố chiến thắng trước lạm phát.

Các tín hiệu hỗn hợp trên đang làm phức tạp thêm cuộc thảo luận về thời điểm tạm dừng chu kỳ thắt chặt chính sách, sau khi Fed được kỳ vọng sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản (bps) tại cuộc họp cuối tháng này.

Theo Bloomberg, các nhà đầu tư và chuyên gia kinh tế vẫn đang hoài nghi về dự báo của Fed về mức lãi suất cuối chu kỳ. Trước đó, ngân hàng trung ương Mỹ cho biết lãi suất sẽ tăng từ mức hiện tại khoảng 4,5% lên trên 5%.

Các nhà đầu tư hiện dự đoán lãi suất sẽ tăng thêm 25 bps tại cuộc họp tiếp theo nhưng sẽ đạt đỉnh ở mức thấp hơn một chút so với định hướng của Fed, khoảng 4,9%.

Chia sẻ với Bloomberg, bà Julia Coronado, Giám đốc tại hãng tư vấn Macropolicy Perspectives, đặt câu hỏi: “Điều gì sẽ xảy ra nếu các điều kiện tài chính đang nới lỏng vì nguồn cung đang phục hồi?”

Theo bà Coronado, đến khi Fed công bố dự báo kinh tế và lãi suất vào tháng 3, quan điểm của một số quan chức ngân hàng trung ương này sẽ tiệm cận với góc nhìn của thị trường.

 

Các quan chức Fed nghĩ sao?

Nhìn chung, dù lạm phát đã chững lại, chưa quan chức nào ủng hộ Fed tạm dừng chu kỳ thắt chặt chính sách, tờ Bloomberg cho hay.

Hôm 19/1, Phó Chủ tịch Fed Lael Brainard chia sẻ: “Dù đã đi xuống thời gian gần đây, lạm phát vẫn đang ở mức cao và chính sách tiền tệ cần phải thắt chặt trong một thời gian để đảm bảo lạm phát quay trở lại mức 2% một cách bền vững”.

Bà Brainard không tiết lộ kỳ vọng lãi suất của mình cho cuộc họp tiếp theo hoặc trong những tháng tới, nhưng các quan chức khác của ngân hàng trung ương Mỹ thì đã bày tỏ thẳng thắn hơn.

Cả bà Lorie Logan và ông Patrick Harker - lần lượt là Chủ tịch Fed chi nhánh Dallas và Philadelphia - đều ủng hộ việc giảm tốc độ tăng lãi suất, nhưng đồng thời mong muốn Fed sẽ tiếp tục thắt chặt hơn nữa.

Năm nay, hai ông bà này đều là thành viên có quyền bỏ phiếu tại Uỷ ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) - cơ quan quyết định lãi suất của Fed.

“Tôi muốn Fed sẽ tăng lãi suất thêm vài lần nữa trong năm nay. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi thì chúng ta sẽ không phải áp dụng mức tăng 75 bps như năm ngoái. 25 bps là con số phù hợp cho tương lai”, ông Harker chia sẻ.

 

Một quan chức hàng đầu khác là Chủ tịch John Williams của Fed chi nhánh New York nói rằng “chính sách tiền tệ vẫn còn nhiều việc phải làm” để đưa lạm phát trở lại mức 2%.

Thông điệp trên được củng cố thêm vào chiều 20/1 bởi Thống đốc Christopher Waller, một trong các quan chức “diều hâu” nhất của Fed. Ông Waller ủng hộ tăng thêm 25 bps tại cuộc họp tiếp theo, đồng thời vẫn tiếp tục thắt chặt chính sách.

Tuy nhiên, theo Bloomberg, các quan chức đang bắt đầu bị chia rẽ.

Một số có lập trường diều hâu hơn vì họ e ngại lạm phát sẽ kéo dài dai dẳng và Fed cần duy trì chính sách tiền tệ hạn chế thêm một thời gian để đảm bảo đà tăng của giá cả không hồi sinh.

Họ vẫn cam kết sẽ kéo lãi suất lên trên mức 5% để kiểm soát rủi ro, bất kể dữ liệu ngắn hạn đang thể hiện thông điệp gì.

Hôm 18/1, Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis là ông James Bullard bày tỏ: “Chúng tôi có thể phải tăng lãi suất lên hơn 5% để đảm bảo rằng Fed đã chọn ra mức lãi suất phù hợp để tiếp tục đẩy lạm phát đi xuống trong năm 2023”.

“Chúng tôi muốn đảm bảo trong phạm vi có thể rằng lạm phát sẽ giảm và ổn định về mức mục tiêu 2%. Chúng tôi không muốn do dự bởi một trong những vấn đề của thập niên 1970 là lạm phát tiếp tục ngóc đầu dậy khi bạn nghĩ rằng mình đã hạ gục được nó”, ông nhấn mạnh.

Trong khi đó, các quan chức khác nhận thấy tình trạng mất cân bằng do đại dịch đang dần cải thiện và muốn dựa vào dữ liệu để xác định hướng đi của Fed.

Bà Brainard là một trong số ít quan chức đã đưa ra một quan điểm khác biệt. Bà nói: “Tôi không loại trừ khả năng tổng cầu sẽ tiếp tục điều tiết và nới lỏng thị trường lao động cũng như giúp lạm phát hạ nhiệt mà không khiến nhiều người mất việc”.

Để củng cố cho lập luận của mình, bà Brainard đã đề cập đến các dấu hiệu “dự kiến” về việc tăng trưởng tiền lương giảm tốc, kỳ vọng lạm phát đi xuống và biên lợi nhuận của doanh nghiệp hạ thấp hơn, coi đây là những lực lượng có thể làm kìm hãm lạm phát trong những tháng tới.

Yên Khê