|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Bài toán nan giải của Fed trong năm 2023

09:11 | 19/01/2023
Chia sẻ
Fed đã nâng lãi suất 7 lần liên tiếp trong năm 2022, đẩy nền kinh tế đến bờ vực suy thoái nhưng lạm phát vẫn cao dai dẳng. Sang năm 2023, ngân hàng trung ương Mỹ sẽ phải cân bằng hai mục tiêu xung đột với nhau: Vừa kiềm chế đà tăng của giá cả, vừa tránh suy thoái và thất nghiệp tràn lan.

Trong cuộc họp chính sách cuối cùng của năm 2022, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã nâng lãi suất quỹ liên bang thêm 50 điểm cơ bản (bps) lên 4,25 – 4,5%, tương ứng với mức cao nhất trong 15 năm trở lại đây.

Tính chung cả năm vừa qua, Fed đã nâng lãi suất 7 lần thêm tổng cộng 425 bps, đánh dấu chiến dịch thắt chặt tiền tệ mạnh tay nhất trong 4 thập kỷ gần đây.

 

Trong tháng 12, tỷ lệ lạm phát toàn phần là 6,5%, lạm phát lõi (CPI không kể giá lương thực và năng lượng) là 5,7%. Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân lõi (core PCE) – thước đo lạm phát ưa thích của Fed – trong tháng 11 tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2021, cao hơn nhiều mức mục tiêu dài hạn 2%.

Cán cân lạm phát và suy thoái

Các quan chức Fed thừa hiểu rằng một trong những đặc tính nổi bật của lạm phát là “độ dính”, có nghĩa là nếu lạm phát đã lên cao thì rất khó để đưa về mức thấp như cũ.

Trong một cuộc phỏng vấn cuối tháng 11, ông John Williams, Phó Chủ tịch Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) kiêm Chủ tịch Fed chi nhánh New York, đã dự báo lạm phát trong năm 2023 sẽ giảm về còn 3 – 3,5%, đồng thời cho rằng phải đến năm 2024 lãi suất mới bắt đầu giảm.

Trong cuộc họp ngày 13 – 14/12, FOMC – cơ quan quyết định chính sách tiền tệ của Fed - ước tính lạm phát core PCE trong năm 2023 là 4,8%, cao hơn mức 4,5% đã dự báo trong tháng 9.

Nếu trong năm 2023, lạm phát vẫn dai dẳng ở khoảng 4%, tức là không quá cao như năm 2022 nhưng vẫn chưa xuống mức mục tiêu 2%, thì Fed sẽ làm gì?

Liệu ngân hàng trung ương Mỹ có kiên quyết nâng lãi suất cho đến khi lạm phát xuống như ý muốn, bất chấp kinh tế suy thoái và hàng triệu người lao động mất việc làm? Hay Fed sẽ chấp nhận để lạm phát ở trên mức mục tiêu để tránh đau thương trong ngắn hạn với nền kinh tế?

Fed có thể không muốn đẩy nền kinh tế vào suy thoái, nhưng điều đó không có nghĩa là mọi việc sẽ diễn ra theo ý Fed. Các quan chức ngân hàng trung ương Mỹ rất muốn khống chế lạm phát, coi kiểm soát giá cả là một trong hai nhiệm vụ trọng tâm, nhưng lạm phát CPI vẫn lập đỉnh 4 thập kỷ ở mức 9,1% vào tháng 6.

Đoạn đường cong lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ từ 2 năm đến 10 năm đã đảo ngược liên tục từ tháng 7 đến nay và mức độ đảo ngược ngày càng lớn. Việc lợi suất kỳ hạn ngắn lớn hơn kỳ hạn dài được Phố Wall coi là dấu hiệu cho thấy suy thoái kinh tế sẽ xảy ra trong vòng 12 – 24 tháng.

Đoạn đường cong lợi suất từ 2 năm đến 10 năm đảo ngược khi lợi suất kỳ hạn ngắn lớn hơn lợi suất kỳ hạn dài. Hiện tượng này báo hiệu suy thoái kinh tế sẽ đến trong tương lai gần. 

Fitch Ratings dự báo kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái trong quý II/2023. Tỷ phú Jamie Dimon, CEO ngân hàng JP Morgan Chase, và ông David Solomon, CEO ngân hàng Goldman Sachs đều cho rằng suy thoái sẽ đến trong năm 2023. Nhiều chuyên gia trên Phố Wall có cái nhìn bi quan tương tự.

Trong bối cảnh suy thoái cận kề, Fed sẽ còn thắt chặt đến khi nào? Các quan chức FOMC dự họp hôm 13 – 14/12 dự kiến sẽ tiếp tục nâng lãi suất thêm 75 bps trong năm 2023.

Câu hỏi quan trọng hơn là Fed sẽ giữ cho lãi suất ở trên đỉnh bao lâu rồi mới bắt đầu hạ xuống?

Trong 5 chu kỳ thắt chặt gần đây, thời gian trung bình từ lúc lãi suất lập đỉnh đến khi cắt giảm lần đầu tiên là 11 tháng. Đa số quan chức FOMC dự kiến đến năm 2024 lãi suất mới bắt đầu đi xuống.

Nếu kết hợp mức trung bình lịch sử với nhận định của các quan chức FOMC, thì dự kiến phải đến tháng 2/2024 Fed mới giảm lãi suất lần đầu tiên.

 

Fed trả hàng trăm tỷ USD cho các ngân hàng

Trong thời kỳ đại dịch 2020 - 2021, Fed áp dụng chính sách nới lỏng định lượng (Quantitative Easing, viết tắt là QE) bằng cách in tiền để mua trái phiếu Kho bạc, giúp chính phủ Mỹ có nguồn tiền kích thích kinh tế.

Khi giá cả tăng phi mã trong năm 2022, Fed chuyển sang chính sách thắt chặt định lượng (Quantitative Tightening, QT) để kiềm chế lạm phát.

Tuy nhiên, việc Fed liên tục nâng lãi suất và giảm cung tiền cũng có thể vô tình khiến cho tình hình lạm phát thêm căng thẳng thông qua một cơ chế ít được chú ý tới, cụ thể như sau:

Fed nâng lãi suất dự trữ bắt buộc để thu hút các ngân hàng thương mại để tiền ở ngân hàng trung ương thay vì cho vay ra nền kinh tế, qua đó hạn chế nhu cầu và kìm hãm giá cả.

Nhưng lãi suất cao hơn cũng đồng nghĩa với việc Fed phải trả lãi cho các ngân hàng thương mại nhiều hơn, có thể lên tới 200 – 300 tỷ USD mỗi năm.

Nói cách khác, Fed in ra 200 – 300 tỷ USD mỗi năm để đưa cho các ngân hàng thương mại. Khi kinh tế suy thoái như nhiều chuyên gia đang dự báo, 200 – 300 tỷ USD này sẽ được dùng để rót vào các kênh đầu tư an toàn như trái phiếu Kho bạc.

Sau đó, chỉnh phủ Mỹ sẽ dùng tiền mà các ngân hàng vừa cho vay để chi tiêu công, tương tự như trong thời kỳ đại dịch. Vì thế, số tiền mà Fed trả cho các ngân hàng sẽ được Washington đưa vào lưu thông, góp phần gây lạm phát.

Dù vậy, số tiền lãi 200 – 300 tỷ USD mà Fed trả cho các ngân hàng mỗi năm là không đủ để bù đắp tác động giảm phát của chính sách tăng lãi suất và thắt chặt cung tiền.

Khi lãi suất tăng, doanh nghiệp sẽ hạn chế đầu tư và ít vay nợ. Các hộ gia đình cũng phải dành nhiều thu nhập hơn cho việc trả lãi vay và giảm mua sắm. Nhu cầu chung của nền kinh tế yếu đi, lạm phát cũng hạ nhiệt.

 

Biểu đồ trên đây thể hiện một cách trực quan biến động của cung tiền M2 tại Mỹ. Tính đến đầu tháng 12/2022, M2 giảm còn 21.370 tỷ USD. So với đỉnh lịch sử thiết lập hôm 18/4/2022, cung tiền của Mỹ đã giảm 682 tỷ USD, tương đương mất 3,1%.

Nếu so với cùng kỳ năm trước, số liệu M2 đã giảm 0,74%. Đây là tuần thứ ba liên tiếp cung tiền M2 của Mỹ thấp hơn một năm trước. Khi cung tiền đi xuống, đà tăng của giá cả cũng hụt hơi vì thiếu động lực.

Fed tự làm mình thua lỗ hàng tỷ USD, chính quyền liên bang mất chỗ dựa

Theo quy định của Luật Dự trữ Liên bang, hàng năm Fed phải chuyển toàn bộ lợi nhuận (doanh thu sau khi đã trừ chi phí) về cho Bộ Tài chính Mỹ.

Trong năm 2021, Fed đã chuyển cho chính phủ 109 tỷ USD lợi nhuận, mức đỉnh trong ít nhất một thập kỷ trở lại đây. Sang năm 2022, nhiều khả năng Fed sẽ không gửi đồng nào cho Bộ Tài chính vì bản thân Fed đang thua lỗ hàng tỷ USD.

 

Tính đến ngày 11/1, khoản mục “lợi nhuận chờ chuyển về Bộ Tài chính” trên bảng cân đối kế toán của Fed đang có giá trị âm 22,6 tỷ USD. Fed thua lỗ vì hai lý do.

Thứ nhất, lãi suất tăng lên đồng nghĩa với giá trị trái phiếu giảm xuống. Trong đại dịch khi lãi suất còn thấp, Fed mua hàng nghìn tỷ USD trái phiếu với giá cao. Năm 2022, Fed nâng lãi suất 7 lần liên tiếp, khiến cho giá trị của trái phiếu trên bảng cân đối kế toán sụt giảm.

Biểu đồ dưới đây cho thấy các loại tín phiếu, trái phiếu Kho bạc cũng như trái phiếu được đảm bảo bằng nợ thế chấp hiện có tổng trị giá khoảng 8.200 tỷ USD, chiếm 95% tổng tài sản của Fed.

 

Thứ hai, Fed thua lỗ còn vì phải trả lãi cao hơn cho các ngân hàng thương mại, có thể tới 200 – 300 tỷ USD như đã nói ở trên.

Sau mỗi cuộc họp chính sách của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC), thông tin được thị trường chú ý nhất là sự thay đổi của lãi suất quỹ liên bang – tức là chi phí mà các ngân hàng vay lẫn nhau trên thị trường tiền tệ kỳ hạn qua đêm.

Khi nhắc đến cụm từ “Fed tăng/giảm lãi suất”, cả người nói và người nghe đều ngầm hiểu loại lãi suất được nói tới ở đây là lãi suất quỹ liên bang.

Tuy nhiên, biên bản cuộc họp FOMC của Fed còn nhắc đến hai loại lãi suất quan trọng nữa, đó là lãi suất với tiền gửi dự trữ (bắt buộc cũng như không bắt buộc) của các ngân hàng và lãi suất với hợp đồng repo nghịch đảo.

Cụ thể, trong cuộc họp ngày 26 – 27/7, các quan chức Fed đã nâng lãi suất quỹ liên bang thêm 75 bps lên khoảng 2,25 – 2,5%, đồng thời nâng lãi suất với tiền gửi dự trữ thêm 75 bps lên 2,4% và nâng lãi suất hợp đồng repo nghịch đảo thêm 75 bps lên 2,3%.

Trong các cuộc họp ngày 20 – 21/9 và ngày 1 – 2/11, các loại lãi suất lại được đồng loạt tăng thêm 75 bps.

Trong cuộc họp gần đây nhất ngày 13 – 14/12, Fed nâng các loại lãi suất kể trên thêm 50 bps. Lãi suất quỹ liên bang lên 4,25 – 4,5% lãi suất tiền gửi dự trữ lên 4,4% và lãi suất repo nghịch đảo lên 4,3%.

Có thể thấy, Fed luôn duy trì lãi suất tiền gửi dự trữ và lãi suất repo nghịch đảo cao hơn mức giới hạn dưới của lãi suất quỹ liên bang, mục đích là để khuyến khích các ngân hàng thương mại giữ tiền ở Fed, giảm cung tiền trong nền kinh tế và hạn chế lạm phát.

Tại ngày 7/12, dự trữ của các tổ chức tín dụng tại Fed là 3.150 tỷ USD, lớn nhất trong tất cả khoản mục nợ của ngân hàng trung ương Mỹ. Ngoài ra, Fed còn đang nắm giữ khoảng 2.180 tỷ USD của các định chế tài chính thông qua cửa sổ repo nghịch đảo (reverse repurchase).

Số tiền lãi mà Fed phải trả cho hơn 5.300 tỷ USD này đang khiến cho ngân hàng trung ương Mỹ thua lỗ. Lãi suất càng lên cao, khoản lỗ sẽ càng lớn.

Số liệu dương là giá trị riêng lẻ từng tuần, số liệu âm được tính lũy kế với nhau. 

Mục tiêu của Fed không phải là tạo ra lợi nhuận, nhưng việc Fed tăng lãi suất và tự làm mình thua lỗ vẫn là vấn đề đáng ngại.

Thứ nhất, chính phủ Mỹ không còn nhận được nguồn thu khoảng 100 tỷ USD/năm như trong giai đoạn Fed có lãi.

Thứ hai, quan trọng hơn, Fed thắt chặt tiền tệ khiến cho hệ thống ngân hàng không còn thanh khoản để mua trái phiếu Kho bạc phát hành mới, ngân sách chính phủ Mỹ sẽ gặp khó khăn khi cần kích thích kinh tế.

Trích Đặc san "Doanh nhân Việt Nam - Xuân Quý Mão"- Số tháng 1/2023

Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam. 

Đức Quyền.