|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Fed rơi vào thế bí khi lạm phát giảm

16:31 | 16/01/2023
Chia sẻ
Các nhà đầu tư lạc quan về thông tin lạm phát suy giảm khiến các điều kiện tài chính được nới lỏng, chống lại nỗ lực hạ nhiệt nền kinh tế của Fed. Vì vậy, Fed lại càng quyết tâm tăng lãi suất, làm trầm trọng thêm nguy cơ Mỹ rơi vào suy thoái.

Chủ tịch Fed Jerome Powell. (Ảnh: Getty Images, Bankrate). 

Mâu thuẫn lớn

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 giảm so với tháng liền trước không phải thông tin tuyệt vời đối với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) như nhiều người tưởng. Bởi các quan chức đang cố gắng thuyết phục công chúng và thị trường tài chính rằng lạm phát cao còn lâu mới kết thúc, và dữ liệu này chắc chắn không làm tăng sức thuyết phục của Fed.

 Số liệu thấp hơn 0 cho thấy các điều kiện tài chính nới lỏng hơn mức trung bình dài hạn. 

Biểu đồ trên cho thấy thị trường tài chính đang không hành động theo mong muốn của Fed. Ngân hàng trung ương Mỹ đang cố gắng vùi dập lạm phát bằng cách hạ nhiệt nền kinh tế. Biện pháp chính của Fed là tăng lãi suất quỹ liên bang - loại lãi suất ngắn hạn mà Fed kiểm soát.

Trên lý thuyết, biện pháp này sẽ thắt chặt nhiều điều kiện tài chính khác: Đẩy lãi suất dài hạn lên cao hơn, kéo thị trường chứng khoán đi xuống, …, qua đó làm suy yếu thị trường lao động và làm giảm lạm phát gây ra bởi sự gia tăng của tiền lương.

Nhưng chúng ta hãy nhìn vào những gì đang thực sự xảy ra. Vào đầu tháng 7/2022, các điều kiện tài chính đã bị thắt chặt hơn mức trung bình dài hạn. Nhưng hiện giờ thì chúng lại ít bị hạn chế hơn mức trung bình – dù trong giai đoạn này Fed đã tăng lãi suất lên thêm gần ba điểm %. 

Vì sao thị trường không hành động như mong muốn của Fed? Các nhà đầu tư có vẻ đã kết luận rằng dù bây giờ Fed đang tăng lãi suất, nhưng đến cuối năm các quan chức sẽ phải làm ngược lại– vì lạm phát đã bị khuất phục hoặc vì nền kinh tế gặp rắc rối, hoặc vì cả hai.

Các giao dịch hợp đồng tương lai trên Sàn giao dịch Hàng hóa Chicago (CME) cho thấy các nhà đầu tư kỳ vọng lãi suất của Fed sẽ đạt đỉnh vào tháng 6 và quay trở lại mức cuối năm 2022 vào tháng 12 năm nay.

Thế khó của Fed: Các quan chức đã thuyết phục được thị trường tài chính rằng họ sẽ khuất phúc lạm phát thành công. Nhưng lời hứa hẹn càng đáng tin cậy thì các nhà đầu tư lại càng trông đợi vào chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ sau chu kỳ thắt chặt hiện tại.

Giới chức Fed lo rằng các điều kiện tài chính được nới lỏng bởi sự hấp tấp của các nhà đầu tư sẽ khiến thị trường lao động và áp lực tiền lương tiếp tục mạnh mẽ, ngăn Fed đạt được mục tiêu lạm phát 2%. Do đó, Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất bất chấp lạm phát đang suy giảm. Sự giằng co giữa mong muốn của Fed và kỳ vọng của nhà đầu tư có thể sẽ gây hậu quả lớn cho nền kinh tế Mỹ. 

Báo động đỏ 

Dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy có điều gì đó không ổn là lãi suất ngắn hạn thì cao (báo hiệu niềm tin của thị trường rằng Fed sẽ tiếp tục đẩy chúng đi lên) còn lãi suất dài hạn lại thấp (thể hiện niềm tin của thị trường rằng trong tương lai lãi suất sẽ được cắt giảm). Đường cong lợi suất đã bị đảo ngược, và đây là điềm báo đáng tin cậy cho suy thoái.

Tiếng chuông báo động ngày càng lớn. Tháng 12 năm ngoái, lợi suất của trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn ba tháng cao hơn 0,8 điểm % so với trái phiếu kỳ hạn 10 năm. Hiện tại mức chênh lệch đã được nới rộng lên 1,2 điểm %. Đây là cách biệt lớn nhất từng được ghi nhận kể từ năm 1982. 

Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm thấp hơn kỳ hạn 3 tháng kể từ đầu tháng 11/2022.

Chủ tịch Jerome Powell và các quan chức Fed khác sợ rằng nếu họ ngừng tăng lãi suất ngay hoặc giảm tốc độ tăng lãi suất quá nhanh thì lạm phát sẽ không thể quay trở về mục tiêu 2%.

Theo tờ New York Times, lạm phát tháng 12 đi xuống chủ yếu là do giá xăng dầu và vé máy bay giảm mạnh, và những sự kiện này khó có thể được lặp lại trong những tháng kế tiếp.

Ông Tim Duy, nhà kinh tế trưởng tại SGH Macro Advisors, chỉ ra rằng lạm phát hàng hóa đã hạ nhưng lạm phát dịch vụ và áp lực tiền lương vẫn vững như bàn thạch.

Rủi ro ngược lại là Fed sẽ thắt chặt quá đà. Các quan chức đã bắt đầu nói về việc giảm quy mô các đợt tăng lãi suất. Tuy nhiên, họ vẫn nhất trí đẩy lãi suất chính sách lên trên 5%, cao hơn khoảng 0,75 điểm % so với hiện nay.

Ông James Knightley, trưởng nhóm chuyên gia về kinh tế quốc tế tại ING, nói: “Fed cần phải nhìn thấy bằng chứng cực kỳ rõ ràng rằng lạm phát đã bị đánh bật hoàn toàn khỏi hệ thống”.

Niềm tin của các CEO Mỹ đã đổ sụp, một phần có lẽ là do thái độ diều hâu của Fed. Theo khảo sát hàng quý của tổ chức Conference Board, thước đo niềm tin của các doanh nghiệp lên đến mức cao nhất trong lịch sử vào mùa xuân năm 2021. Đến quý IV năm ngoái, niềm tin đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ khủng hoảng tài chính năm 2009.

Nếu giới CEO hành động hành động theo sự bi quan của bản thân thì họ có thể sẽ bắt đầu cắt giảm quảng cáo, mua thiết bị và tuyển dụng, biến các dự báo về suy thoái của chính mình thành sự thật.

Tuần trước bà Christina Romer, Chủ tịch Hiệp hội Kinh tế Mỹ, phát biểu rằng các nhà hoạch định chính sách của Fed không nên ngạc nhiên hay thất vọng khi thấy các đợt tăng lãi suất chưa khiến lạm phát lõi chậm lại. Nghiên cứu của bà cho thấy rất có thể các đợt tăng lãi suất đó đang bắt đầu đẩy lùi lạm phát – và làm tăng tỷ lệ thất nghiệp – ngay lúc này.

Bà Romer kêu gọi: “Các nhà hoạch định chính sách cần phải ngừng tăng lãi suất trước khi vấn đề lạm phát được giải quyết hoàn toàn”. Nếu Fed tiếp tục đẩy lãi suất đi lên cho đến khi lạm phát bị chế ngự, thì “gần như chắc chắn rằng Fed sẽ đi quá xa”.

Giang