|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Fed lo chứng khoán tăng giá sẽ cản trở cuộc chiến chống lạm phát

08:32 | 05/01/2023
Chia sẻ
Các nhà hoạch định chính sách của Fed lo lắng rằng họ có thể phải tăng lãi suất nhiều hơn dự kiến ​​nếu giá cổ phiếu, trái phiếu đi lên và thúc đẩy nền kinh tế.

Chủ tịch Fed Jerome Powell. (Ảnh: Reuters). 

Cảnh báo thẳng thừng

Các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đưa ra lời cảnh báo thẳng thừng rằng các nhà đầu tư không nên đánh giá thấp quyết tâm của ngân hàng trung ương này trong việc duy trì lãi suất ở mức cao nhằm hạ nhiệt lạm phát.

Biên bản cuộc họp tháng 12/2022 của Fed, được công bố ngày 4/1/2023, đã cho thấy những khó khăn trong việc truyền tải thông điệp chính sách đến nhà đầu tư trong 6 tháng qua.

Theo tờ Wall Street Journal (WSJ), các đợt tăng lãi suất nhanh chóng của Fed năm ngoái đã khiến nhà đầu tư hy vọng rằng lạm phát sẽ nhanh chóng đi xuống.

Trước cuộc họp tháng 12, lợi suất trái phiếu dài hạn lao dốc, phản ánh niềm lạc quan của thị trường về sự suy giảm của lạm phát và nỗi sợ suy thoái trong năm nay.

Tuy nhiên, nhiều quan chức Fed lo lắng rằng họ không thể đánh bại lạm phát nếu thất bại trong việc làm chậm nền kinh tế bằng cách thắt chặt các điều kiện tài chính, ví dụ như tăng lãi suất vay nợ hoặc hạ thấp giá cổ phiếu.

Bất kỳ đợt tăng điểm nào của cổ phiếu hay trái phiếu cũng sẽ đe dọa nỗ lực hạ nhiệt thị trường lao động của giới chức Fed. Do vậy, đà tiến của thị trường có thể thúc đẩy Fed tiếp tục tăng lãi suất hay giữ lãi suất ở mức cao trong lâu hơn, làm tăng rủi ro kinh tế.

Biên bản cuộc họp viết: “Việc các điều kiện tài chính được nới lỏng một cách không xác đáng, đặc biệt là trong trường hợp bị thúc đẩy bởi nhận thức sai lầm của công chúng về cách Fed sẽ phản ứng với diễn biến kinh tế, sẽ khiến nỗ lực khôi phục sự ổn định giá cả của Ủy Ban Thị Trường Mở Liên bang càng thêm phức tạp”.

 

Ông Tim Duy, nhà kinh tế trưởng của công ty nghiên cứu SGH Macro Advisors tại Mỹ, bình luận: “Fed đã đưa ra tuyên bố rất thẳng thắn.

Các quan chức đang nhấn mạnh rằng họ quyết tâm làm suy yếu thị trường lao động và tăng tỷ lệ thất nghiệp. Vấn đề quan trọng nhất với các nhà đầu tư là liệu Fed có thực sự gắn bó với kế hoạch đó hay không nếu lạm phát đi xuống”.

25 hay 50?

Đã có bằng chứng cho thấy đà tăng của giá hàng hóa có thể chậm lại nhanh chóng trong bối cảnh các nút thắt chuỗi cung ứng được tháo gỡ, tiền thuê nhà và các chi phí nhà ở khác cũng đang chững lại. Tuy nhiên, các quan chức lo ngại rằng thị trường lao động đang quá mạnh mẽ, có thể khiến tiền lương tiếp tục tăng trưởng mạnh và khiến lạm phát duy trì ở mức cao.

Lạm phát ở Mỹ đã dịu bớt trong tháng 10 và tháng 11. Nhưng biên bản viết “các quan chức nhấn mạnh họ cần thấy thêm nhiều bằng chứng hơn nữa để tự tin rằng lạm phát đang trên đà đi xuống bền vững”.

Tỷ lệ lạm phát tính theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 là 7,1%, tính theo core PCE là 4,7%. Fed đặt mục tiêu lạm phát dài hạn tính theo core PCE là 2%.

Trong năm 2022, Fed đã tăng lãi suất từ khoảng 0 – 0,25% lên 4,25 – 4,5%, mức cao nhất trong vòng 15 năm. Thị trường dự kiến lãi suất sẽ được kéo lên khoảng 5% vào mùa xuân năm nay.

Nhưng trong dự báo công bố tháng trước, các quan chức Fed cho rằng lãi suất sẽ được nâng lên mức cao hơn. Có tới 17 trong số 19 quan chức dự đoán lãi suất sẽ vượt quá 5% trong năm 2023 và giữ nguyên ở mức đó cho đến năm 2024.

Trong bài luận công bố ngày 4/1, Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis cho biết ông dự kiến Fed sẽ kéo lãi suất lên mức đỉnh là 5,4% rồi ngừng lại.

Biên bản cuộc họp không cung cấp manh mối gì về việc liệu Fed dự định tăng lãi suất 50 hay 25 điểm cơ bản (bps) tại cuộc họp tiếp theo diễn ra từ ngày 31/1 đến 1/2.

Theo quan sát trên thị trường lãi suất tương lai của CME Group, hôm 4/1, các nhà đầu tư nhận thấy có đến 70% khả năng Fed tăng lãi suất 25 bps tại cuộc họp tiếp theo, và chỉ có 30% khả năng Fed lựa chọn mức tăng 50 bps.

Chủ tịch Fed Jerome Powell nói trong buổi họp báo tháng trước rằng cách tốt nhất để Fed giảm bớt nguy cơ thắt chặt chính sách quá mức là giảm tốc độ tăng lãi suất xuống còn 25 bps, nhanh nhất là trong cuộc họp tiếp theo.

Nhưng khi đó ông cũng nhấn mạnh rằng Fed chưa quyết định sẽ làm gì tại những cuộc họp trong tương lai. Hành động của Fed sẽ phụ thuộc vào tình hình nền kinh tế và điều kiện tài chính.

Giang

Mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu 12% có khả thi?
Theo TS, Võ Trí Thành, mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu 12% trong năm 2025 là không dễ dàng khi những đối tác quan trọng của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu dự báo là tăng trưởng thấp hơn năm 2024. Đặc biệt, những chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ có thể cản trở mạnh mẽ đến gia tăng thương mại toàn cầu thế giới, trong đó có Việt Nam.