Thời kỳ lạm phát 2% có thể sẽ không bao giờ trở lại
Tại một số nền kinh tế phát triển, đã có những dấu hiệu cho thấy lạm phát hạ nhiệt. Giá cả vẫn tăng nhưng với tốc độ chậm hơn. Giá năng lượng đi xuống vì nỗi lo suy thoái, chi phí vận tải cũng đã giảm. Tại Mỹ, giá tiêu dùng tăng 7,1% vào tháng 11, tốc độ chậm nhất kể từ 12/2021.
Tuy vậy, ngay cả khi đợt lạm phát này đã đạt đỉnh, các nhà kinh tế đang cảnh báo thế giới sẽ không quay trở lại thời kỳ giá cả tăng chậm chạp trước kia. Việc giữ lạm phát gần 2%, như mục tiêu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), sẽ không đơn giản.
Theo CNN, già hóa dân số, khủng hoảng khí hậu, cuộc chuyển đổi năng lượng cũng như quá trình chuyển dịch từ chuỗi cung ứng toàn cầu sang sản xuất trong nước có thể khiến giá cả tiếp tục cao trong nhiều năm tới. Và các nhà hoạch định chính sách cũng sẽ phải giữ lãi suất ở mức cao.
Ông Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics cho biết: “Thập kỷ sau Khủng hoảng Tài chính 2008, [các ngân hàng trung ương] đã phải nỗ lực nâng lạm phát. Trong thập kỷ tiếp theo, họ sẽ phải chiến đấu để kìm hãm lạm phát”.
Vấn đề lạm phát
Kỳ vọng lạm phát của 38 nước thành viên trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), đã giảm từ 9,4% vào 2022, xuống còn 6,5% trong 2023 và 5,1% trong 2024.
Ảnh hưởng đang mờ nhạt dần của đại dịch COVID và giá dầu đi xuống đã giúp kỳ vọng lạm phát hạ nhiệt. Nguyên nhân chính vẫn là chiến dịch tăng lãi suất chưa có tiền lệ của các ngân hàng trung ương.
Tuy nhiên, các ngân hàng trung ương vẫn không biết chắc về việc cần nâng lãi suất lên bao nhiêu, cũng như giữ chính sách thắt chặt trong bao lâu.
“Sẽ cần vài năm trước khi lạm phát quay lại mục tiêu 2% của Fed”, Chủ tịch Fed chi nhánh Cleveland, bà Loretta Mester đã tuyên bố vào tháng 10. “Tuy nhiên, tôi kỳ vọng vào sự tiến bộ đáng kể trong năm tới”.
Theo CNN, các ngân hàng trung ương có thể khó đẩy lạm phát xuống mục tiêu 2%. Khi giá cả đi xuống, chi phí kinh tế của lãi suất cao được thể hiện rõ trong tỷ lệ thất nghiệp.
Các ngân hàng trung ương sẽ bắt đầu đối mặt với những lời kêu gọi nới lỏng. Lạm phát ở mức 3% có thể trở nên dễ dàng chấp nhận trong trường hợp thất nghiệp quá cao.
“Tôi nghi ngờ rằng vào 2023 hoặc 2024, khi lạm phát xuống 3%, sẽ có một cuộc thảo luận về việc có nên kéo tốc độ tăng giá cả xuống 2% hay không, nếu chi phí phải trả là hoạt động kinh tế chậm thêm đáng kể”, ông Olivier Blanchard, cựu kinh tế trưởng tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cho biết.
Già hóa dân số, khí hậu và phi toàn cầu hóa
Chiến đấu với lạm phát trong ngắn hạn là một chuyện. Tuy vậy, vẫn còn có những xu hướng bao trùm hơn, đang định hình lại chính trị, xã hội, kinh tế, và có thể khiến giá cả tiếp tục tăng. Những xu hướng này bao gồm biến động nhân khẩu học, nỗ lực thay thế nhiên liệu hóa thạch và phi toàn cầu hóa.
“Lạm phát xuống 2%, nhưng liệu có đứng yên?”, ông Manoj Pradhan, nhà sáng lập của Talking Head Macroeconomics, đặt câu hỏi. “Việc tất cả những rủi trên trở thành tính cấu trúc sẽ khiến lạm phát cao hơn quá khứ”.
Theo Liên Hợp Quốc, tại Bắc Mỹ và châu Âu, gần 20% dân số trên 65 tuổi. Tỷ lệ này có thể tăng lên tới 25% vào 2050. Ông Pradhan cho biết chi tiêu cho những lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe hay trả lương hưu sẽ phải đi lên.
Đồng thời, lực lượng lao động tại các nền kinh tế phát triển dự kiến sẽ suy giảm. Nghỉ hưu sớm và những bệnh mãn tính sẽ làm thu hẹp thêm lực lượng lao động tại Mỹ và Anh.
Ông Randall Kroszner, người từng là thành viên Hội đồng Thống đốc Fed từ 2006 đến 2009, cho biết: “Sẽ không có nhiều người tham gia vào thị trường lao động như trước đây. Đó là một trong những thách thức lớn nhất”.
Hậu quả của sự nóng lên toàn cầu, và nỗ lực từ bỏ nhiên liệu hóa thạch, cũng cần được xem xét. Trong một bài phát biểu đầu năm nay, bà Isabel Schnabel, thành viên Ban Điều hành ECB, đã chỉ ra ba rủi ro.
Rủi ro đầu tiên là “lạm phát khí hậu”, đề cập đến tác động của biến đổi khí hậu đến sản xuất lương thực, nhà ở.
Rủi ro thứ hai, “lạm phát hóa thạch”, là chi phí của sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, khiến thế giới phải đối mặt với giá năng lượng đột biến do những sự kiện như xung đột Ukraine.
Rủi ro cuối cùng, “lạm phát xanh” do nhu cầu tăng cao với năng lượng tái tạo và các sản phẩm như xe điện. Ít nhất ở thời điểm hiện tại, nguồn cung khoáng sản quan trọng sẽ không theo kịp nhu cầu, và có thể đẩy giá cao lên.
Ngoài ra, đại dịch COVID và xung đột Ukraine đã thúc đẩy quá trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng, giúp các sản phẩm gần hơn với khách hàng, đặc biệt là các công nghệ nhạy cảm. Bất ổn địa chính trị đang thúc đẩy doanh nghiệp toàn cầu giảm bớt sự phụ thuộc và Trung Quốc.
Ông Pradhan cho biết: “Phi toàn cầu hóa đang tạo ra nguy cơ lạm phát”. Ông cho biết xu hướng này có thể thúc đẩy sản lượng kinh tế tại các quốc gia như Mỹ, tuy nhiên chi phí cao hơn sẽ cần được chuyển sang nơi nào đó.
Hiện vẫn không rõ những yếu tố trên sẽ tạo ra bao nhiêu lạm phát. Tuy vậy, các nhà kinh tế học đồng thuận rằng các rủi ro dài hạn đang làm cho lạm phát trở nên nghiêm trọng và khó quản lý hơn.
Phó Chủ tịch Fed Lael Brainard thừa nhận rằng: “Có thể có những thay đổi dài hạn, chẳng hạn như nguồn cung lao động, phi toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu, làm giảm độ co giãn cung, và tăng biến động lạm phát trong tương lai”.
Mục tiêu mới?
CNN đặt câu hỏi: Nếu hạ lạm phát xuống 2% trở nên khó khăn hơn, liệu có còn hợp lý khi các ngân hàng trung ương giữ mục tiêu này, và duy trì mức lãi suất cao?
Việc nâng lạm phát mục tiêu vào thời điểm này có thể gửi đi tín hiệu rằng ngân hàng trung ương không thể kiểm soát đà tăng giá cả. Uy tín của ngân hàng trung ương là chìa khóa để hạ kỳ vọng lạm phát.
“[Việc thay đổi mục tiêu] sẽ khiến lạm phát trở nên khó kiểm soát hơn, và khiến tăng trưởng yếu hơn do sự không chắc chắn trong dài hạn”, ông Michael Saunders, một cựu quan chức Ngân hàng trung ương Anh, nhận định. “Tôi muốn nhấn mạnh rằng, [thay đổi lạm phát mục tiêu] là một ý tưởng rất tệ”.
Ông Oliver Blanchard, cựu kinh tế trưởng của IMF, lại cho rằng các nền kinh tế nên xem xét lạm phát ở mức 3%, giúp giảm áp lực cho ngân hàng trung ương. Ông cho biết mọi người chỉ chú ý khi giá cả tăng ở tốc độ trên 3 đến 4%.
Cựu Thống đốc Fed Kroszner nghĩ rằng việc điều chỉnh mục tiêu ở thời điểm hiện tại sẽ tạo ra “nhiều vấn đề”. Tuy nhiên, “các ngân hàng trung ương nên suy nghĩ về khả năng này”.
“Mục tiêu 2% được các ngân hàng trung ương của các nước lựa chọn là ngẫu nhiên”, ông nói thêm.