|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Rủi ro suy thoái còn rất cao dù lạm phát tại Mỹ đã hạ nhiệt

08:42 | 16/01/2023
Chia sẻ
Đa phần chuyên gia kinh tế trong khảo sát của Wall Street Journal cho rằng Fed sẽ không thể đưa nền kinh tế Mỹ hạ cánh mềm trong cuộc chiến chống lạm phát.

Giáo sư Jeremy Siegel. (Ảnh: Bloomberg).

Giáo sư Jeremy Seigel của Trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cần phải hiểu rằng vấn đề lạm phát đã được giải quyết và Fed phải dừng lộ trình nâng lãi suất trong năm 2023.

Trao đổi trên chương trình Halftime Report của đài CNBC ngày 13/1, Giáo sư Siegel cho rằng thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong hai tuần đầu năm 2023 là do nhà đầu tư nhận thấy những dấu hiệu về việc lạm phát đang đi xuống.

Theo vị giáo sư này, báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 mới được công bố ngày 12/1 là một nguồn thông tin chứng tỏ vấn đề lạm phát của nước Mỹ đã được “giải quyết”.

Cụ thể, CPI tháng cuối năm 2022 giảm 0,1% so với tháng 11. Đây là mức giảm sâu nhất của CPI kể từ tháng 3-4/2020 khi COVID-19 mới bùng phát tại Mỹ. Vào tháng 7/2022, CPI của Mỹ cũng giảm so với tháng liền trước nhưng tỷ lệ chỉ là 0,02%.

So với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ lạm phát tháng 12 là 6,5%, giảm tháng thứ 6 liên tiếp kể từ mức đỉnh 9,1% thiết lập vào tháng 6/2022.

Chỉ số CPI loại trừ giá năng lượng và thực phẩm (CPI lõi) tăng 0,3% so với tháng 11 và 5,7% so với một năm trước.

Lạm phát của Mỹ đã đi xuống đáng kể trong nửa cuối năm 2022.

“Đến một lúc nào đó, Fed sẽ buộc phải nhận ra rằng chúng ta đã giải quyết được vấn đề lạm phát. Đó là một trong những lý do thị trường chứng khoán phục hồi”, ông Siegel nói. 

Một điểm đáng chú ý trong báo cáo CPI mới đây là chỉ số giá thuê nhà tăng 8,3% so với tháng trước. Theo Giáo sư Siegel, con số này có độ trễ lớn và cần được hiểu một cách thấu đáo để đảm bảo tính chính xác. Nhiều thống kê khác cho thấy chi phí nhà ở thực ra đã giảm khá mạnh.

Khi tính toán theo số liệu chi phí nhà ở đi xuống, Giáo sư Siegel nhận thấy rằng CPI lõi tháng 12 cũng đi xuống so với tháng 11, tương tự như CPI toàn phần.

Lạm phát lõi có tác động lớn tới quyết định chính sách của Fed. Nếu CPI lõi thực sự đi xuống như ông Siegel tính toán, rõ ràng Fed không cần phải tiếp tục nâng lãi suất.

Trong năm 2022, Fed đã nâng lãi suất 7 lần liên tiếp thêm 425 điểm cơ bản (bps) để kiềm chế đà tăng của giá cả. Trong cuộc họp gần đây nhất diễn ra vào ngày 13 – 14/12, Fed nâng lãi suất 50 bps, giảm so với mức tăng 75 bps của 4 cuộc họp trước đó.

Các quan chức ngân hàng trung ương Mỹ dự kiến sẽ nâng lãi suất thêm hai lần nữa, một lần 50 bps và một lần 25 bps, trong năm 2023.

Giáo sư Siegel cho rằng đợt tăng 50 bps trong tháng 12 vừa qua nên là đợt tăng lãi suất cuối cùng trong chu kỳ này. Tuy nhiên, nếu Fed tiếp tục nâng lãi suất thêm 25 bps trong cuộc họp tới thì ông cũng sẽ không phản đối.

 

Trong một cuộc phỏng vấn trên đài CNBC mới đây, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho rằng các số liệu về lao động cho thấy thị trường việc làm đang hoạt động mạnh. Giáo sư Siegel thì cho rằng chỉ riêng lý lẽ này là chưa đủ hợp lý để nâng lãi suất.

“Nhìn về phía trước, lạm phát là rất thấp”, ông Siegel nói. “Tiền lương trong 2,5 năm kể từ khi COVID bùng phát đến nay không theo kịp với lạm phát. Việc Chủ tịch Powell quá bận tâm tới tiền lương là không công bằng đối với người lao động, và đây không phải là điều Fed nên chú ý nhất lúc này”. 

Trong khi đó, một cuộc khảo sát định kỳ hàng quý của Wall Street Journal (WSJ) cho thấy các nhà kinh tế dự báo xác suất xảy ra suy thoái tại Mỹ trong 12 tháng tới là 61%, không thay đổi nhiều so với mức 63% ghi nhận trong khảo sát hồi tháng 10.

Việc Fed nâng lãi suất 7 lần liên tiếp là nhân tố chính tác động tiêu cực tới hoạt động của nền kinh tế lớn nhất hành tinh, khảo sát của WSJ cho thấy.

Fed kỳ vọng có thể chế ngự lạm phát mà chỉ khiến hoạt động kinh tế chậm lại chứ không gây ra suy thoái, tức là giúp nền kinh tế “hạ cánh mềm”. Tuy nhiên 3/4 số chuyên gia trong khảo sát của WSJ cho rằng Fed sẽ không thể thực hiện thành công cú “hạ cánh mềm” trong năm 2023.

Các nhà kinh tế Brett Ryan và Matthew Luzzetti tại Deutsche Bank nhận định: “Các báo cáo lạm phát gần đây đã cho thấy những chuyển biến tích cực, nhưng một số lĩnh vực dai dẳng như các dịch vụ cốt lõi có quan hệ chặt chẽ với thị trường lao động đang hoạt động mạnh mẽ, cho thấy Fed vẫn còn nhiều việc phải làm”.

“Fed sẽ tiếp tục quá trình thắt chặt để tái cân bằng mục tiêu ổn định giá cả và thị trường lao động. Theo chúng tôi, động thái này sẽ dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt và gây ra suy thoái kinh tế”, các chuyên gia của Deutsche Bank đánh giá.