|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Lạm phát cốt lõi là chưa đủ, các chuyên gia thị trường đang đỏ mắt tìm ‘lạm phát siêu cốt lõi’

08:29 | 15/01/2023
Chia sẻ
Các nhà đầu tư đang chú ý nhiều hơn đến lạm phát dịch vụ và dữ liệu thị trường lao động thay vì dữ liệu lạm phát cốt lõi đơn thuần.

Nhà đầu tư trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ. (Ảnh: Reuters). 

Sự phức tạp của lạm phát

Giá cả hàng hóa đang đi xuống nhưng giá cả dịch vụ lại đi lên nhanh chóng. Trong khi đó, giá năng lượng nhảy múa liên tục.

Bởi vậy, để hiểu được lạm phát cốt lõi (core inflation), các nhà hoạch định chính sách đã loại bỏ những thành phần biến động mạnh của chỉ số giá tiêu dùng. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều người còn đang săn lùng mộy thước đo lạm phát hẹp hơn nữa – “lạm phát siêu cốt lõi” (supercore inflation).

Khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo lạm phát mới vào ngày 12/1, hầu hết các nhà đầu tư sẽ nhìn ngay vào mức thay đổi hàng tháng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cốt lõi. Chỉ số này loại trừ giá năng lượng và thực phẩm, mang đến cho người đọc cảm nhận đúng hơn về quỹ đạo dài hạn của lạm phát.

 

Nhưng một số người sẽ nhanh chóng lướt qua con số đó để tìm đến các thước đo như chi phí dịch vụ cốt lõi không bao gồm chi phí nhà ở - hay thậm chí là dịch vụ cốt lõi trừ nhà ở và y tế. Thậm chí những thước đo hẹp đến vậy vẫn chưa đủ để làm họ hài lòng.

Cái khó của nhà đầu tư là lạm phát đã trở nên phức tạp hơn. Lạm phát cốt lõi của hàng hóa đã chuyển thành âm trong những tháng gần đây, nhờ sự gia tăng của nguồn cung và sự sụt giảm của nhu cầu. Nhưng lạm phát dịch vụ vẫn ở mức cao. Theo tờ Wall Street Journal (WSJ), nhiều người cho rằng nguyên nhân là do sức nóng của thị trường lao động và chi phí nhân công đắt đỏ. 

Ông Roger Hallam, trưởng bộ phận lãi suất toàn cầu tại Vanguard, cho biết: “Năm ngoái, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) là tâm điểm lớn của các thị trường vì chúng ta liên tục chứng kiến những con số cao đáng kinh ngạc”.

Nhưng giờ, khi báo cáo CPI được công bố, “dữ liệu về hàng hóa và chi phí thuê nhà sẽ không được quan tâm nhiều bằng phần dịch vụ”. Ông nói thêm rằng trong thời gian tới, “thị trường sẽ chuyển sang chú ý nhiều hơn đến các con số cung cấp thông tin về thị trường lao động”.

Trong những tháng gần đây, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của số liệu dịch vụ cốt lõi trừ đi nhà ở. Tuy nhiên, ông tập trung vào khoản mục đó trong chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCEPI), thước đo ưa thích của Fed.

Ông Powell còn khiến việc đánh giá lạm phát càng thêm phức tạp khi thuyết phục nhiều người rằng thị trường lao động mới là chìa khóa để hiểu được hướng đi của lạm phát. Nếu đúng như vậy thì dữ liệu lạm phát còn không quan trọng bằng các cáo cáo về việc làm và tiền lương.

Ảnh hưởng của Fed

Các động thái trên thị trường gần đây cho thấy đa số nhà đầu tư tin rằng mối nguy lạm phát đã thu hẹp lại trong vài tháng qua.

Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ, phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư về lãi suất ngắn hạn của Fed, đạt đỉnh vào tháng 10/2022. Vào thời điểm đó, dữ liệu chưa cho thấy sự sụt giảm của giá hàng hóa cốt lõi.

Nhưng kể từ đó, lợi suất đã giảm mạnh. Lạm phát hàng hóa cốt lõi dựa theo chỉ số PCEPI ghi nhận trong ba tháng qua đã tụt xuống còn -1,9%, tính theo tỷ lệ được chuẩn hóa theo năm (annualized).

 

Phố Wall giờ đây càng thêm lạc quan sau khi báo cáo việc làm tháng 12 đem đến hai tin tốt về tăng trưởng tiền lương. Báo cáo cho thấy thu nhập trung bình mỗi giờ trong tháng vừa qua tăng ít hơn dự kiến và còn điều chỉnh đáng kể mức tăng của những tháng trước theo hướng đi xuống.

Câu hỏi lớn với nhà đầu tư hiện nay là họ cần lo lắng đến mức nào về sự ngoan cố của lạm phát dịch vụ. Ngoài ra còn có câu hỏi về tầm quan trọng của dữ liệu tiền lương hàng tháng, bởi số liệu này đã biến động mạnh trong những tháng gần đây.

Giới phân tích cho rằng các nhà đầu tư vẫn cực kỳ nhạy cảm về những gì Fed nói về lạm phát và thị trường lao động. Bởi nếu không thì lợi suất trái phiếu còn phải giảm mạnh hơn nữa. 

Ông Jim Caron, người quản lý danh mục chứng khoán trả thu nhập cố định tại Morgan Stanley Investment Management, đánh giá: “Lúc này, nhà đầu tư chú ý nhiều hơn đến dịch vụ chủ yếu là do Fed nói rằng lĩnh vực đó sẽ ảnh hưởng nhiều đến các động thái chính sách tiền tệ".  

Nhưng một số nhà đầu tư và nhà phân tích thấy nghi ngờ về luận điểm cơ bản của Fed là thị trường lao động mạnh mẽ sẽ giữ lạm phát dịch vụ ở mức cao và khiến lạm phát toàn phần không thể quay về mục tiêu 2%. 

Ông Omair Sharif, Chủ tịch công ty nghiên cứu Inflation Insights, nhận xét: “Lý do Fed tập trung vào chỉ số PCEPI cốt lõi không kể nhà ở là bởi các quan chức tin rằng áp lực giá có liên hệ chặt chẽ với dịch vụ cốt lõi. Nhưng điều này chưa chắc đã đúng”. Thước đo lạm phát dịch vụ ưa thích của ông Sharif loại trừ khoản mục về năng lượng, nhà ở và bỏ qua cả số liệu về y tế và vận tải.

Giang

Bậc thầy đầu tư: Michael Burry, người đàn ông ‘độc nhãn’ nhìn thấu cuộc khủng hoảng nhà đất Mỹ
Michael Burry là một thiên tài dị biệt, rất dở trong việc nói chuyện với mọi người nhưng rất giỏi phát hiện các cơ hội trong thị trường tài chính. Ông là một trong những người hiếm hoi phát hiện sớm cuộc khủng hoảng trong thị trường nhà đất Mỹ và lãi đậm từ sự kiện đó.