Nguy cơ chứng khoán Mỹ tiếp tục bị bán tháo nếu kinh tế năm 2023 không suy thoái
Theo tờ MarketWatch, các thị trường đang khấp khởi kỳ vọng rằng nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2023, buộc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cắt giảm lãi suất, khiến lợi suất trái phiếu và chi phí đi vay sụt giảm, và có thể giúp định giá cổ phiếu đi lên.
Tuy nhiên, kịch bản giả định trên có vẻ ngày càng mâu thuẫn với thực tế. Các dữ liệu kinh tế được công bố trong vài tháng qua cho thấy lạm phát tại Mỹ đang hạ nhiệt, thị trường lao động vẫn mạnh mẽ, và nhiều khả năng nền kinh tế Mỹ đã kết năm 2022 với tốc độ tăng trưởng lành mạnh bất chấp các đợt tăng lãi suất của Fed.
Một số nhà phân tích thị trường và nhà quản lý danh mục đầu tư cho biết sức mạnh của nền kinh tế có thể gây rắc rối cho chứng khoán Mỹ.
Tin tốt là tin xấu
Năm ngoái, mối tương quan lâu đời giữa các loại tài sản tài chính đã bị đảo ngược, giá cổ phiếu và trái phiếu lao dốc cùng lúc.
Các dấu hiệu cho thấy nền kinh tế vững mạnh khiến nhà đầu tư thất vọng vì chúng ngụ ý rằng Fed sẽ phải tăng mạnh lãi suất để chống lại lạm phát cao nhất trong 40 năm. Kết quả là giá chứng khoán tuột dốc và lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ nhảy vọt. Lợi suất trái phiếu biến động ngược chiều với giá.
Các nhà phân tích đặt tên cho hiện tượng trên là “tin tốt là tin xấu”, có nghĩa là “tin tốt” đối với nền kinh tế là “tin xấu” cho thị trường. Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi các tin dữ kinh tế mà nhà đầu tư đang chờ đợi lãi suất cao gây ra không xuất hiện? Điều gì sẽ xảy ra nếu nền kinh tế Mỹ không suy thoái hay chỉ giảm tốc nhẹ trong năm nay, và lạm phát tiếp tục hướng xuống nhưng vẫn ở mức cao?
Câu trả lời là cổ phiếu và trái phiếu có thể bị bán tháo lần nữa trong bối cảnh các thị trường phải phản ánh vào giá kỳ vọng rằng lãi suất sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn.
Ông Mohannad Aama, nhà quản lý danh mục tại Beam Capital, cho biết: “Tôi nghĩ năm 2023 sẽ đầy biến động. Nền kinh tế Mỹ đang hoạt động tốt hơn dự kiến của nhiều người và do đó Fed không có lý do để cắt giảm lãi suất”.
Vỡ mộng?
Ông Jonathan Golub, Giám đốc đầu tư chứng khoán Mỹ và trưởng bộ phận nghiên cứu định lượng tại Credit Suisse, cho rằng nếu tình hình không thay đổi thì chứng khoán Mỹ có thể gặp rắc rối trong năm nay khi các nhà đầu tư chấp nhận thực tế rằng Fed sẽ không thay đổi chính sách.
Ông Golub tin Fed sẽ không phải hạ lãi suất. Bởi tuy lạm phát hàng hóa đang sụt giảm nhanh chóng, nhiều khả năng lạm phát tiền lương vẫn sẽ “dai dẳng”. Và nếu Mỹ vẫn tăng trưởng và tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp, Fed sẽ không gặp áp lực phải vực dậy nền kinh tế bằng cách giảm lãi suất.
Giám đốc đầu tư chứng khoán Mỹ dự đoán Fed sẽ ngừng tay sau khi tung ra hai đợt tăng lãi suất 25 điểm cơ bản trong cuộc họp đầu tháng 2 và tháng 3 năm nay. Và ông cho rằng khi đó chứng khoán Mỹ sẽ tăng điểm.
Nhưng theo ông Golub, Fed sẽ tiếp tục duy trì lãi suất trên 5% cho đến năm 2024. Ông Neel Kashkari, Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis, cũng dự kiến rằng lãi suất của Fed sẽ được đẩy lên 5,4% hoặc thậm chí là cao hơn.
Nhiều chuyên gia khác có chung nhận định rằng thị trường đang đánh giá quá cao khả năng Fed thay đổi chính sách sang hướng cắt giảm lãi suất trong tương lai gần.
Ông Matt McKenna, một chuyên gia nghiên cứu lâu năm mới mở quỹ đầu cơ của riêng mình, nhận xét: “Thị trường đang bám víu vào hy vọng. Có thể nói thị trường đang khao khát việc Fed sẽ đổi hướng chính sách”.
Vì sao thị trường vô cùng tự tin rằng suy thoái đã rất gần? Vì lịch sử cho thấy suy thoái sẽ xảy ra khi Fed tăng lãi suất.
Ông Steven Ricchiuto, nhà kinh tế trưởng về Mỹ tại Mizuho Securities, giải thích trong lưu ý gửi tới khách hàng: “Trong 6 chu kỳ thắt chặt gần đây nhất thì có đến 5 lần Fed phải vội vã đảo ngược chính sách và cắt giảm lãi suất đáng kể khi nền kinh tế rơi vào khủng hoảng tín dụng do suy thoái gây ra”.
Các nhà đầu tư sẽ có thêm thông tin về nền kinh tế Mỹ trong tuần này. Bản cập nhật về chỉ số giá sản xuất cho tháng 12 sẽ được công bố vào ngày 18/1. Nhà đầu tư cũng sẽ nhận được dữ liệu doanh số bán lẻ của tháng 12 trong vài ngày tới.