|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chiến lược gia JPMorgan: Chứng khoán Mỹ sẽ gặp rắc rối lớn nếu nền kinh tế không suy thoái

07:46 | 01/02/2023
Chia sẻ
Một chiến lược gia của JPMorgan cho rằng suy thoái không phải kết cục tồi tệ và thị trường chứng khoán có thể gặp vận rủi nếu Mỹ không suy thoái.

Một tấm bảng bên ngoài sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE). (Ảnh: Getty Images).

Trong suốt nhiều tháng qua, các chuyên gia đã tranh luận rằng liệu kịch bản “hạ cánh mềm” nền kinh tế Mỹ có khả thi hay không.

Nói cách khác, họ băn khoăn liệu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể làm chậm nền kinh tế để khống chế lạm phát mà không gây ra suy thoái.

Các chuyên gia kỳ vọng Fed có thể gây ra một số thiệt hại, nhưng sẽ tránh được cú lao dốc nghiêm trọng do suy thoái gây ra, chẳng hạn như việc chứng khoán cắm đầu và nền kinh tế trì trệ.

Tuy nhiên, một chiến lược gia cho rằng suy thoái không phải là một kết quả tồi tệ, theo tờ Fortune. Trên thực tế, thị trường chứng khoán có thể gặp rắc rối lớn nếu suy thoái không xảy ra trong năm nay.

Chia sẻ với Bloomberg hôm 31/1, chiến lược gia Mike Bell của JPMorgan nói: “Tôi thực sự nghĩ rằng rủi ro lớn nhất đối với thị trường là chúng ta không rơi vào suy thoái trong năm 2023”.

Ông giải thích, nếu không có suy thoái, tiền lương của người lao động sẽ tiếp tục tăng và buộc Fed phải nâng lãi suất trong nửa cuối năm nay.

Do đó, Fed sẽ không thể trở nên ôn hoà hay hạ lãi suất xuống mức thấp hơn, như thị trường dự đoán vào năm 2024, vị chiến lược gia nói tiếp.

Nếu ngân hàng trung ương Mỹ không thể điều hướng lãi suất như các nhà đầu tư hy vọng, điều đó có thể gây ra tác động sâu rộng hơn.

“Thật không may, cả thị trường trái phiếu và chứng khoán có thể sẽ cùng giảm điểm”, vị chiến lược gia nhấn mạnh.

Nếu tất cả diễn ra như ông Bell kỳ vọng, bao gồm cả suy thoái kinh tế, ông dự đoán Fed sẽ hạ lãi suất xuống mức 2,5% vào cuối năm 2024. Phạm vi lãi suất hiện tại là 4,25 - 4,5%. 

 

Kể từ đầu năm 2022, ngân hàng trung ương Mỹ đã tăng lãi suất 7 lần để hạ nhiệt giá cả. Nỗ lực của Fed đã bắt đầu có kết quả. Lạm phát tiêu dùng tháng 12 đã tụt xuống còn 6,5%, từ mức cao nhất trong 40 năm là 9,1% vào tháng 6.

Một số chuyên gia tin rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới đã thích ứng tốt hơn nhiều so với dự kiến và nhờ đó, Mỹ có thể thoát khỏi nguy cơ suy thoái.

Dù vậy, theo nhà kinh tế từng đoạt giải Nobel Paul Krugman, tuy việc lạm phát hạ nhiệt khiến mọi người thêm lạc quan rằng chu kỳ tăng lãi suất của Fed đang có tác dụng, nền kinh tế Mỹ vẫn chưa thoát khỏi khó khăn.

Ông nói nhà đầu tư có thể đang quá tự tin và hành động vội vã bằng cách coi lạm phát là tin cũ, qua đó giúp giá cổ phiếu tăng mạnh trong tháng 1. Ông gọi đó là “lời tiên tri tự phủ nhận”, hàm ý rằng kết cục của thị trường sẽ đi ngược với kỳ vọng của các nhà đầu tư.

Kết thúc cuộc họp chính sách đầu tiên của năm 2023 vào ngày 1/2, Fed dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản.

Khả Nhân