Giáo sư Jeremy Siegel: Thị trường chứng khoán Mỹ có thể tăng ít nhất 15% nếu Fed giảm lãi suất
Ông Jeremy Siegel, giáo sư tài chính nổi tiếng của Đại học Pennsylvania, tin rằng số phận của các nhà đầu tư chứng khoán năm nay nằm trong tay của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Nếu các quan chức ngân hàng trung ương Mỹ “phản ứng” với việc lạm phát hạ nhiệt và tăng trưởng kinh tế chững lại bằng cách cắt giảm lãi suất, thì thị trường chứng khoán sẽ bật tăng mạnh.
Chia sẻ với CNBC, vị giáo sư nói: “Nếu Fed phản ứng [theo hướng đó], tôi nghĩ thị trường sẽ có một năm thực sự tốt đẹp, tỷ suất sinh lời có thể đạt từ 15% trở lên”.
“Tuy nhiên, nếu Fed không hạ lãi suất, thị trường sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Tôi không nói thị trường sẽ sụp đổ, nhưng giá cổ phiếu sẽ giảm mạnh hơn”, ông giải thích.
Fed đã tăng lãi suất từ mức gần bằng 0 hồi tháng 3/2022 lên phạm vi 5 - 5,25% vào đầu tháng 5 này, qua đó kéo chi phí đi vay trên toàn nền kinh tế lên cao hơn với hy vọng sẽ kiềm chế được lạm phát.
Cho đến nay, các quan chức của ngân hàng trung ương Mỹ đang dần hoàn thành mục tiêu của họ. Việc chuỗi cung ứng phục hồi và giá hàng hoá hạ nhiệt cũng giúp ích cho Fed, theo Fortune.
Lạm phát giá tiêu dùng tại Mỹ đã giảm từ mức cao nhất trong 4 thập kỷ là 9,1% vào tháng 6 năm ngoái, xuống còn 4,9% vào tháng 4.
Số liệu mới nhất vẫn cao hơn mục tiêu 2% của Fed, nhưng giáo sư Siegel cho rằng lạm phát đang trong quỹ đạo đi xuống và các nhà hoạch định chính sách nên dừng chiến dịch thắt chặt tiền tệ.
Theo ông, nền kinh tế đã phải đối mặt với “một vài tháng tăng trưởng âm” và hoạt động tuyển dụng nhiều khả năng sẽ chậm lại do tác động tổng hợp của các đợt tăng lãi suất vừa qua.
Giáo sư Siegel cho biết việc nền kinh tế chậm lại và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng sẽ gây áp lực buộc Chủ tịch Jerome Powell và các quan chức khác của Fed phải cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Ông lưu ý rằng nhiệm vụ kép của Fed yêu cầu các quan chức không chỉ đảm bảo ổn định giá cả mà còn phải tối đa hoá việc làm cho nền kinh tế.
“Lạm phát đã giảm. Chưa đến mức mục tiêu 2%, nhưng lạm phát rõ ràng đã hạ nhiệt. Và bên cạnh vấn đề lạm phát đó, Fed còn cần phải xem xét cả nhiệm vụ toàn dụng việc làm”, ông nhấn mạnh.
Dự đoán lạc quan nêu trên giống với nhận định mà ông Siegel đưa ra hồi cuối năm ngoái, mà đây vốn không phải quan điểm phổ biến của Phố Wall. Vị giáo sư khi đó nói chứng khoán Mỹ sẽ tăng 15 - 20% vào năm 2023 do lạm phát giảm dần và Fed hạ lãi suất vào tháng 12.
“Tôi nghĩ thị trường cổ phiếu sẽ có một năm rất tốt. Tôi tin triển vọng lợi nhuận năm tới có thể vẫn rất khá, trái với lo sợ của nhiều người”, ông chia sẻ trong một bài viết trên nền tảng WisdomTree.
Sau cuộc phỏng vấn với CNBC một ngày, giáo sư Siegel đã được hỏi rằng liệu ông có ủng hộ nhận xét gần đây của “cỗ máy kiếm tiền”, nhà quản lý quỹ phòng hộ Stanley Druckenmiller hay không.
Tại một hội nghị trước đó, ông Druckenmiller cảnh báo nền kinh tế có thể “hạ cánh cứng” trong năm 2023, tức là rơi vào suy thoái nghiêm trọng.
“Có những thứ đang ẩn giấu bên dưới. Rủi ro đang bắt đầu xuất hiện. Gần đây chúng ta đã thấy vấn đề của các ngân hàng khu vực, rồi đến Bed Bath & Beyond, nhưng tôi e là sẽ có nhiều rắc rối khác nữa”, ông Druckenmiller cho hay.
Song, giáo sư Siegel cho biết ông không lo lắng về các vấn đề kinh tế tiềm ẩn như ông Druckenmiller.
Theo ông, trong tương lai sẽ có thêm những thương vụ hợp nhất trong lĩnh vực ngân hàng và sẽ có thêm những doanh nghiệp gặp khăn như Bed Bath & Beyond, nhưng nhìn chung nền kinh tế vẫn ổn định.
Ông Siegel nói: “Ngay cả khi suy thoái kinh tế xảy ra, tôi nghĩ thiệt hại cũng sẽ nhẹ nhàng. Tôi không thấy bất cứ dấu hiệu nào chứng tỏ nền kinh tế sẽ suy sụp như vào năm 2008, 2009”.