|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Số liệu GDP quý I của Mỹ khiến các nhà kinh tế lo sợ một kịch bản còn đáng ngại hơn suy thoái

16:48 | 29/04/2023
Chia sẻ
Số liệu tăng trưởng GDP quý I khiến một số chuyên gia e ngại là Mỹ có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng lạm phát đình trệ từng kìm chân nền kinh tế những năm 1970.

Trader trên sàn giao dịch chứng khoán New York. (Ảnh: Getty Images).

Lạm phát đình trệ

Bất chấp các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và lạm phát cao dai dẳng trong năm qua, nền kinh tế Mỹ vẫn trụ vững một cách đáng kinh ngạc. Tuy nhiên, dấu hiệu suy yếu đã xuất hiện trong quý I.

Dữ liệu do Cục Phân tích Kinh tế (BEA) mới công bố cho thấy, tăng trưởng GDP chuẩn hoá theo năm của Mỹ đã chững về mức 1,1% - thấp hơn dự đoán 1,9% của Phố Wall.

Báo cáo khác của BEA chỉ ra, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCEPI) - thước đo lạm phát ưa thích của Fed - đã tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng này cao hơn dự đoán 3,7% của giới phân tích.

Chia sẻ với Fortune, ông Chris Zaccarelli, CIO của hãng tư vấn Independent Advisor Alliance, nhận định: “Hai dữ liệu mới công bố đều cực kỳ tồi tệ, tăng trưởng đi xuống và lạm phát đi lên”.

Trong hơn một năm qua, nhiều nhân vật nổi tiếng trong giới tài chính, gồm các nhà đầu tư tỷ phú, nhà quản lý quỹ phòng hộ và nhà kinh tế, đã cảnh báo rằng lãi suất tăng cao sẽ gây ra suy thoái kinh tế.

Song, các số liệu về GDP và lạm phát mới nhất khiến một số chuyên gia lo lắng rằng lạm phát đình trệ - sự kết hợp độc hại giữa tăng trưởng chậm và lạm phát cao từng làm tê liệt nền kinh tế Mỹ những năm 1970 - cũng có thể xảy ra.

Chiến lược gia Chris Campbell của công ty tư vấn rủi ro Kroll cho biết dù ông tin suy thoái sẽ bắt đầu vào nửa cuối năm 2023, ông cũng “ngày càng quan ngại về khả năng Mỹ đối mặt với hiện tượng lạm phát đình trệ”.

Theo khảo sát của Bank of Amercia hồi tháng 4, khoảng 86% các nhà quản lý quỹ cho biết lạm phát đình trệ là triển vọng phù hợp nhất cho nền kinh tế toàn cầu trong 12 tháng tới.

Tháng 3 năm nay, tỷ lệ thất nghiệp vẫn duy trì gần mức mức thấp kỷ lục là 3,5%, khiến một số nhà kinh tế tin rằng nước Mỹ có thể tránh được suy thoái hoặc lạm phát đình trệ.

Tuy nhiên, ông Campbell cảnh báo rằng tỷ lệ thất nghiệp có thể chưa phản ánh thực tế thị trường việc làm, bởi thước đo này hay có độ trễ. Ông dự đoán: “Tôi cho rằng chúng ta sẽ thấy nhiều người thất nghiệp hơn trong nửa cuối năm”.

 

Fed có thể phải tăng lãi suất ngay trong thời kỳ suy thoái

Các quan chức Fed đã nâng lãi suất từ mức gần 0 vào tháng 3/2022 lên phạm vi 4,75 - 5% với hy vọng có thể hạ nhiệt nền kinh tế và đẩy lạm phát xuống mức mục tiêu 2%.

Tuy nhiên, các số liệu lạm phát, đặc biệt là lạm phát lõi (không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động), chưa cho thấy dấu hiệu sẽ quay về mục tiêu của ngân hàng trung ương Mỹ.

Ông Eugenio Aleman, nhà kinh tế trưởng của gã khổng lồ ngành dịch vụ tài chính Raymond James, cho biết dựa vào dữ liệu lạm phát mới, ông tin Fed sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản tại cuộc họp tuần tới.

Trao đổi với Fortune, vị chuyên gia còn nói thêm, dữ liệu cũng “đang củng cố nhận định của Raymond James rằng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ không cắt giảm lãi suất trong năm 2023”.

Ông Zaccarelli của Independent Advisor Alliance cũng có nhận định tương tự. Theo ông, các dữ liệu mới là một cảnh báo cho thấy “Fed rõ ràng cần phải tiếp tục tăng lãi suất (vì lạm phát) và họ sẽ phải làm vậy ngay trong thời kỳ suy thoái”.

Tuy nhiên, tờ Fortune cho rằng có một số yếu tố trong báo cáo mới của BEA đã che mờ sức mạnh cơ bản của nền kinh tế Mỹ, trong đó có thể kể đến việc tăng trưởng hàng tồn kho đi xuống.

Năm ngoái, các doanh nghiệp đã thúc đẩy tăng trưởng GDP của Mỹ khi họ tích cực xây dựng lại lượng hàng tồn kho sau giai đoạn gián đoạn bởi đại dịch, nhưng hiện nay xu hướng đó đã không còn.

Ông Thomas Simons, chuyên gia kinh tế cấp cao của ngân hàng Jefferies, cho biết yếu tố hàng tồn kho đã làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm hơn 2 điểm % trong quý I và che giấu nhu cầu tương đối mạnh của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, như nhiều đồng nghiệp khác, ông Simons cũng cảnh báo dữ liệu mới của BEA xác nhận rằng GDP sẽ “bắt đầu chậm lại đáng kể trong quý II và bắt đầu giảm trong nửa cuối năm 2023”.

Ellen Zentner, kinh tế trưởng của Morgan Stanley tại thị trường Mỹ, dự đoán tăng trưởng GDP quý II sẽ ở mức -0,4%.

Trong lưu ý gửi khách hàng, bà viết: “Chúng tôi dự kiến tăng trưởng sẽ chậm lại đáng kể trong quý II do tác động tổng hợp của chính sách tiền tệ thắt chặt cũng như do áp lực từ lĩnh vực ngân hàng. Tăng trưởng sẽ bị đẩy vào khu vực âm”.

 

Yên Khê