Ảnh hưởng của Fed đến chứng khoán Mỹ có thể không còn lớn như trước, nhà đầu tư giờ tập trung vào suy thoái
Bớt lo về lãi suất
Dữ liệu lạm phát và việc làm tháng 4 đã đem đến cho các quan chức Fed lý do để ngừng chiến dịch thắt chặt tiền tệ. Tờ Bloomberg cho biết trong bối cảnh hiện tại, Phố Wall đang chuyển sự chú ý sang nguy cơ suy thoái kinh tế.
Điều này đã thúc đẩy nhà đầu tư gom cổ phiếu của các công ty tốt trên thị trường chứng khoán và bán cổ phiếu của các công ty yếu kém, qua đó làm giảm biến động của chỉ số S&P 500 theo cả hai chiều.
Cùng lúc đó, trái phiếu đã khôi phục mối quan hệ nghịch biến với cổ phiếu. Giá trái phiếu đã đi lên giữa lúc cuộc khủng hoảng ngân hàng diễn ra và dựa trên niềm tin rằng chiến dịch tăng lãi suất của Fed sắp đến hồi kết.
Ông Stefano Pascale, chuyên gia của ngân hàng Barclays, cho biết mối tương quan giữa các loại tài sản đang giảm xuống rõ rệt. Ông nói thêm: “Khả năng cao là trái phiếu đang lấy lại vai trò là công cụ phân tán rủi ro trong danh mục”.
Các xu hướng trên đã giúp xoa dịu nỗi lo của nhà đầu tư nhỏ lẻ và những người tuân theo chiến lược phân bổ 60/40, bất chấp việc thị trường trái phiếu phát tín hiệu cảnh báo suy thoái, căng thẳng trong ngành ngân hàng leo thang và viễn cảnh Mỹ vỡ nợ đang đến gần.
Lộ trình chính sách của Fed vẫn có ảnh hưởng đáng kể đến các tài sản tài chính. Ví dụ, dữ liệu ngày 12/5 cho thấy kỳ vọng lạm phát của công chúng trong dài hạn đã tăng lên, kéo chỉ số S&P 500 đi xuống và lợi suất trái phiếu Kho bạc đi lên.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của Fed lên tâm lý nhà đầu tư đang giảm sút. Tính trong cả tuần vừa qua, chỉ số S&P 500 giảm 0,3%, đánh dấu tuần thứ 6 liên tiếp chỉ số này mắc kẹt trong ngưỡng biến động dưới 1% và cũng là chuỗi trì trệ dài nhất kể từ cuối năm 2019.
Phản ứng trên thị trường tài chính hiện nay khác hẳn với năm ngoái, khi chiến lược giao dịch duy nhất là đặt cược vào động thái “diều hâu” tiếp theo của Fed khiến giá trái phiếu và cổ phiếu giảm đồng loạt.
Khi Chủ tịch Powell đe dọa tung thêm các đợt tăng lãi suất để chế ngự lạm phát, mọi loại tài sản đều rung lắc bởi cùng một thông tin. Biến động nhảy vọt. Tương quan giữa các loại tài sản tăng, vô hiệu hóa chiến lược đa dạng hóa danh mục của các nhà quản lý tài sản.
Còn hiện tại, các mô hình giao dịch truyền thống đang một lần nữa phát huy hiệu quả. Trái phiếu lấy lại vai trò là tài sản trú ẩn an toàn trong giai đoạn nhà đầu tư ngại rủi ro và lợi nhuận doanh nghiệp có tác động lớn đến giá cổ phiếu.
Hơn thế nữa, sự ổn định dường như cũng đang trở lại thị trường. Thước đo các động thái cực đoan của tài sản tài chính do Morgan Stanley thiết kế đã giảm hơn một nửa kể từ đỉnh năm 2022.
Chọn lọc cổ phiếu
Nghiên cứu của Citigroup cũng gợi ý rằng ảnh hưởng của các yếu tố vĩ mô – bao gồm lãi suất – đang dịu bớt. Mô hình của nhóm chuyên gia thuộc Citigroup phát hiện rằng trong tháng vừa qua, ảnh hưởng của các yếu tố vĩ mô đến chênh lệch tỷ suất lợi nhuận cổ phiếu đã giảm từ 80% xuống 73% - mức giảm lớn nhất trong vòng ba năm.
Cùng lúc đó, các nhà đầu tư cổ phiếu ngày càng bị thu hút bởi những công ty có khả năng chống chọi lại sự sa sút của nền kinh tế như các đại gia công nghệ. Đồng thời, họ buông bỏ cổ phiếu của những công ty dễ bị tổn thương nhất, ví dụ như nhà sản xuất năng lượng.
Ông Peter Chatwell, Giám đốc chiến lược vĩ mô toàn cầu tại Mizuho International, cho biết: “Kể từ khi khủng hoảng ngân hàng khu vực ở Mỹ nổ ra, nỗi sợ suy thoái đã tăng cao. Điều này đã khiến giá cả của từng cổ phiếu riêng lẻ thay đổi đáng kể, bởi các nhà đầu tư đang tập trung vào điểm yếu của doanh nghiệp trong ngắn hạn trong trường hợp kinh tế suy thoái nhẹ”.
Tương quan giữa các cổ phiếu giảm bớt thường giúp biến động trên thị trường nói chung đi xuống, bởi mức tăng của các cổ phiếu dẫn đầu thị trường có thể bù đắp được cho mức giảm của những cổ phiếu yếu kém. VIX, chỉ số đo lường mức độ biến động dự kiến của thị trường trong 30 ngày tới, đã lùi xuống dưới mức trung bình một năm bất chấp các lo ngại về nền kinh tế.