|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Bộ Tài chính Mỹ có thể làm gì nếu Quốc hội không nâng trần nợ và chính phủ cạn tiền mặt?

08:35 | 12/05/2023
Chia sẻ
Theo giới quan sát, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen có một vài lựa chọn nếu Quốc hội không nâng trần nợ và chính phủ cạn sạch tiền mặt. Trong đó, thanh toán gốc và lãi của trái phiếu Kho bạc có thể là ưu tiên hàng đầu.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen. (Ảnh: Bloomberg).

Câu hỏi cấp bách nhất giữa lúc Quốc hội và chính quyền Washington bế tắc về trần nợ công là câu hỏi mà Bộ Tài chính Mỹ từ chối trả lời: điều gì sẽ xảy ra nếu chính phủ cạn tiền mặt?

Các nhà lập pháp từng suýt khiến Mỹ rơi vào cảnh vỡ nợ, như vào năm 2011, các bên đạt được thoả thuận chỉ vài giờ trước thời điểm then chốt.

Song, họ luôn chốt được thoả thuận trước khi số dư tiền mặt của Bộ Tài chính tụt xuống mức quá thấp và không thể thanh toán các nghĩa vụ đến hạn.

Lần này có thể sẽ khác, một số nhà quan sát cảnh báo. Theo kịch bản cơ bản mà Goldman Sachs vạch ra, Quốc hội sẽ đạt được thoả thuận vào ngày X, sai số là cộng hoặc trừ một ngày.

Nói cách khác, Goldman Sachs cho rằng bế tắc trần nợ có thể kéo dài thêm một ngày sau thời điểm chính phủ Mỹ cạn tiền.

Trong khi đó, Morgan Stanley cho biết có “rủi ro đáng kể” là các nhà lập pháp sẽ không đạt được bất kỳ sự đồng thuận nào vào ngày X, mà có thể là sau đó.

Hiện tại, Bộ trưởng Bộ Tài chính Janet Yellen đang học theo những người tiền nhiệm, kiềm chế để không tiết lộ chính xác những gì cơ quan này sẽ làm trong trường hợp xấu nhất là Quốc hội không thể nâng hoặc đình chỉ trần nợ kịp thời.

Việc nêu chi tiết bất kỳ kế hoạch hành động nào đều có thể khiến các nhà lập pháp nghĩ rằng thiệt hại từ một vụ vỡ nợ sẽ không quá đáng ngại, nếu vậy họ sẽ mất đi một phần động lực để hành động.

Tuy nhiên, tuần này, bà Yellen đã tiết lộ rằng Bộ Tài chính có một vài lựa chọn nếu các nhà lập pháp không hành động kịp thời.

“Nếu Quốc hội không nâng trần nợ, Tổng thống Biden sẽ phải đưa ra một vài quyết định liên quan đến các nguồn lực mà chúng tôi đang có”, bà Yellen cho hay trong cuộc phỏng vấn cùng CNBC.

Chính quyền của ông Biden có thể tiếp tục thanh toán các nghĩa vụ nợ bằng cách viện dẫn Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp, trong đó nhấn mạnh rằng “không ai nên nghi ngờ” tính hợp lệ của các khoản nợ công.

Tuy nhiên, để sử dụng Tu chính án thứ 14, Washington sẽ vướng phải một cuộc chiến pháp lý căng thẳng, như những gì Tổng thống Biden cảnh báo hồi đầu tháng.

Nếu Washington không dùng đến phương án trên, Bộ Tài chính có thể sử dụng nguồn tiền mặt và doanh thu mà họ đang có để chi trả cho một số khoản chi tiêu của chính phủ, theo Bloomberg.

 

Bảo vệ trái phiếu Kho bạc

Nếu Bộ Tài chính sơ sẩy với trái phiếu Kho bạc, thị trường trái phiếu lớn nhất thế giới và là tiêu chuẩn cho chi phí đi vay trên toàn cầu, các nhà kinh tế cảnh báo đây sẽ là một cú sốc có thể gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính.

Đây cũng là một rủi ro mà các quan chức chính phủ Mỹ sẽ không chấp nhận. Do vậy, giới quan sát cho rằng Bộ Tài chính sẽ phải cố gắng xoay xở khi các trái phiếu Kho bạc đến hạn thanh toán.

Giả định trên một phần dựa vào bảng ghi từ các cuộc gọi khẩn cấp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hồi năm 2011 và 2013, khi Quốc hội và chính phủ cũng bế tắc về trần nợ.

Trao đổi với các nhà hoạch định chính sách vào tháng 8/2011, một quan chức Fed khuyến nghị Bộ Tài chính nên “tiếp tục trả đúng hạn tiền gốc và lãi của chứng khoán Kho bạc”.

Bà Yellen, người đã tham gia các cuộc họp năm 2011 và 2013 với tư cách Phó Chủ tịch Fed, từng bày tỏ lo ngại về giả định trên.

Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 1, bà nói các nhà hoạch định chưa bao giờ đồng ý phương án đó và các cuộc thảo luận trong quá khứ cho thấy “chưa chắc phương án đó sẽ hiệu quả”.

 

“Họ đã lầm to”

Hôm 11/5, khi được hỏi về các kế hoạch dự phòng khác, Bộ Tài chính đã nhắc đến bình luận mới nhất của bà Yellen về trần nợ.

Vị bộ trưởng đã lần nữa nhấn mạnh trong một chuyến thăm Nhật Bản rằng Quốc hội “phải gấp rút” hành động càng sớm càng tốt.

Phát biểu trên Bloomberg TV, Thứ trưởng Bộ Tài chính Wally Adeyemo cho biết: “Bất kỳ ai nghĩ rằng chúng tôi có cách để giúp Mỹ tránh vỡ nợ mà không cần Quốc hội nâng trần nợ..., tôi muốn nói là họ đã lầm to”.

Cùng ngày 11/5, CEO Jamie Dimon của JPMorgan cũng nhấn mạnh rằng tình hình ngày càng khó đoán trước khi Mỹ càng tiến gần đến ngày X.

“Chúng ta phải rất cẩn thận vì rủi ro vỡ nợ có thể kích hoạt tâm lý hoảng loạn. Hoảng loạn là điều duy nhất khiến mọi người sợ hãi và đưa ra những quyết định phi lý trí”, vị CEO cảnh báo.

An ninh Xã hội

Mặt khác, giả sử Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thanh toán gốc và lãi của chứng khoán nợ, chính quyền ông Biden sau đó sẽ cần phải quyết định có nên thanh toán một lượng lớn các nghĩa vụ khác hay không.

Các nghĩa vụ này bao gồm An sinh Xã hội, chi tiêu quốc phòng, lương của nhân viên liên bang và các cơ quan chính phủ như Cục Hàng không Liên bang, Cục Hải quan và Biên phòng,...

Tuy nhiên, vào tháng 2,bà Yellen từng cảnh báo: “Chính phủ liên bang khó có thể thanh toán cho hàng triệu người Mỹ, bao gồm cả các gia đình quân nhân và người cao tuổi đang sống dựa vào An sinh Xã hội”.

Không phải ai cũng đồng tình với bà Yellen. Một cựu trợ lý kinh tế của Nhà Trắng cho biết một khi phải đối mặt với một lựa chọn khó khăn, Bộ Tài chính ít nhất sẽ cố gắng ưu tiên thanh toán cho những người phụ thuộc vào An sinh Xã hội. Tính đến tháng 3, có gần 52 triệu người Mỹ đang hưởng lương hưu.

Khả Nhân

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).