Ông Biden gia tăng áp lực lên Đảng Cộng hoà: 'Nếu Mỹ vỡ nợ, cả thế giới sẽ gặp rắc rối'
Chiến lược gây áp lực
Tổng thống Joe Biden mới đây cảnh báo, việc Mỹ vỡ nợ sẽ kéo đất nước vào suy thoái và gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế toàn cầu.
Cụ thể, chia sẻ tại một sự kiện ở thành phố Valhalla, New York, ông Biden bày tỏ: “Nếu chúng ta vỡ nợ, cả thế giới sẽ gặp rắc rối”.
Theo Bloomberg, ông Biden đã vẽ ra một bức tranh chi tiết về hậu quả của một vụ vỡ nợ. Ông nói việc chính phủ vỡ nợ sẽ ảnh hưởng đến túi tiền của người Mỹ và làm suy yếu vị thế của nước này ở nước ngoài.
“Lãi suất của thẻ tín dụng, các khoản vay mua ô tô và vay thế chấp nhà ở đều sẽ tăng cao hơn. Các khoản thanh toán cho An sinh Xã hội, Medicare, quân đội, cựu chiến binh của chúng ta đều có thể bị trì hoãn”, ông chỉ ra.
“Nền kinh tế của chúng ta sẽ rơi vào suy thoái. Và danh tiếng quốc tế của chúng ta sẽ bị tổn hại nghiêm trọng. Chúng ta đáng lẽ không nên nói về tình huống này”, vị tổng thống nhấn mạnh.
Ông Biden đưa ra loạt bình luận nêu trên chỉ một ngày sau khi ổng tổ chức cuộc họp với các nhà lãnh đạo quốc hội. Theo chia sẻ của các bên, cuộc đàm phán không đạt được tiến bộ lớn nào.
Theo Bloomberg, ông Biden đã phát biểu tại quận Hudson Valley của tân Hạ nghị sĩ Michael Lawler, một thành viên ôn hoà của Đảng Cộng hoà.
Tổng thống Mỹ đang cố gắng gây áp lực buộc ông Lawler và đảng viên Cộng hoà ở các quận dao động bỏ phiếu nâng trần nợ công 31.400 tỷ USD mà không cắt giảm chi tiêu liên bang như Đảng Cộng hoà đang yêu cầu.
Trước đó, ông Lawler đã bỏ phiếu thông qua dự luật nâng trần nợ thêm 1.500 tỷ USD với điều kiện chính phủ phải giảm chi tiêu 4.800 tỷ USD trong 10 năm. Chỉ 4 hạ nghị sĩ Đảng Cộng hoà không bỏ phiếu cho dự luật này.
Tổng thống Biden ca ngợi Lawler là kiểu nhà lập pháp mà ông có thể làm việc cùng, ngay cả khi ông công kích các đảng viên Cộng hoà khác vì tìm cách ràng buộc việc nâng trần nợ với vấn đề siết chi tiêu.
Đàm phán căng thẳng
Cuộc gặp gỡ rất được mong đợi tại Nhà Trắng hôm 9/5 giữa ông Biden, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy và các nhà lãnh đạo Quốc hội khác đã kết thúc mà không đạt được kết quả cụ thể nào.
Hai bên đồng ý để các trợ lý tiếp tục thảo luận mỗi ngày, trong khi ông Biden, ông McCarthy và các nhà lãnh đạo khác sẽ đàm phán lần nữa vào ngày 12/5 tới.
Cơ hội đàm phán đang dần khép lại. Bộ trưởng Bộ Tài chính Janet Yellen cảnh báo chính phủ có thể cạn tiền mặt để đáp ứng các nghĩa vụ thanh toán ngay ngày 1/6 và thị trường tài chính đã có dấu hiệu lo lắng về rủi ro vỡ nợ.
Nhà Trắng tuyên bố họ sẽ chỉ chấp nhận thoả thuận nếu Đảng Cộng hoà không đính kèm các ràng buộc khác, dù ông Biden sẵn sàng tổ chức một cuộc đàm phán riêng biệt về chi tiêu tài khoá năm 2024.
Tháng 5 này, lưỡng viện Quốc hội và ông Biden có khoảng 7 ngày làm việc tại thủ đô Washington, trong đó 9/5 là ngày đầu tiên. Ông Biden đã để ngỏ khả năng huỷ bỏ chuyến đi dự hội nghị thượng đỉnh G7 tại Nhật Bản vào tuần tới để tiếp tục ngồi vào bàn đàm phán nếu các cuộc thảo luận đi đến hồi kết.
Nền kinh tế sẽ là trụ cột cho hy vọng tái đắc cử của ông Biden, vì vị tổng thống Đảng Dân chủ đang phải đối mặt với lạm phát cao dai dẳng, khủng hoảng trong lĩnh vực ngân hàng và nguy cơ suy thoái kinh tế. Một vụ vỡ nợ lịch sử sẽ chỉ làm phức tạp thêm những vấn đề đó.