|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ông Biden và Đảng Cộng hoà đàm phán thất bại lần một, Phố Wall sốt ruột theo sát rủi ro vỡ nợ

08:29 | 10/05/2023
Chia sẻ
Cuộc đàm phán mới đây của Tổng thống Biden và các lãnh đạo hàng đầu Quốc hội đã thất bại. Hai bên dự kiến sẽ gặp lại vào ngày 12/5 tới.

Đồng hồ đo nợ công của Mỹ tại Manhattan, New York. (Ảnh: New York Times).

Đàm phán thất bại lần một

Ngày 9/5, Tổng thống Joe Biden và các nhà lập pháp hàng đầu đã nhất trí sẽ tiếp tục đàm phán để phá vỡ thế bế tắc xoay quanh vấn đề nâng trần nợ công 31.400 tỷ USD của Mỹ.

Ông Biden, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Đảng Cộng hoà) và ba nhà lãnh đạo hàng đầu khác của Quốc hội sẽ tổ chức họp lần nữa vào ngày 12/5, theo đưa tin từ Reuters.

Hiện, chính quyền của vị tổng thống Đảng Dân chủ chỉ còn khoảng ba tuần nữa trước khi Mỹ có nguy cơ vỡ nỡ như lời cảnh báo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Janet Yellen.

Sau khoảng một giờ đàm phán tại Phòng Bầu dục, hai ông Biden và McCarthy đã cam kết để trợ lý của hai bên tiếp tục thảo luận mỗi ngày về các khía cạnh có thể đạt được trong thoả thuận.

Ông chủ Nhà Trắng đánh giá các cuộc đàm phán đạt “hiệu quả” và có vẻ sẽ thoả hiệp với Đảng Cộng hoà ở một số phương diện.

Theo Reuters, có khả năng ông Biden sẽ lần đầu tiên “đánh giá kỹ lưỡng” việc thu hồi các quỹ cứu trợ COVID chưa sử dụng để cắt giảm chi tiêu của chính phủ.

Tuy nhiên, ông nhắc lại rằng các đảng viên Cộng hoà cần phải loại bỏ mối đe doạ vỡ nợ ra khỏi bàn đàm phán. Ông cũng không loại trừ khả năng viện dẫn Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp Mỹ để giải quyết bế tắc.

Chia sẻ với truyền thông, ông Biden cho hay: “Ở cuộc họp, ai cũng đều hiểu được rủi ro vỡ nợ của Mỹ”.

Trong khi đó, ông McCarthy cho rằng cuộc đàm phán không đạt được nhiều tiến bộ. “Tôi không thấy bất kỳ diễn biến mới nào”, Chủ tịch Hạ viện chia sẻ với các phóng viên.

Ông McCarthy phàn nàn rằng ông Biden không đồng ý đàm phán cho đến khi sắp hết thời gian. “Đó không phải là cách ông Biden nên quản lý đất nước này”, ông McCarthy bày tỏ.

Song, Chủ tịch Hạ viện cho biết ông Biden đã tỏ ý sẵn sàng nghiên cứu cải cách quy trình cấp phép cho các dự án năng lượng mới như một phần của cuộc đàm phán.

 

Giới chuyên gia cảnh báo, một vụ vỡ nợ kéo dài có thể đẩy nền kinh tế Mỹ vào suy thoái sâu, kéo tỷ lệ thất nghiệp tăng cao đồng thời gây bất ổn cho hệ thống tài chính toàn cầu vốn được xây dựng dựa trên trái phiếu Kho bạc.

Tổng thống Biden đang kêu gọi các nhà lập pháp nâng trần nợ công mà không áp đặt các điều kiện đi kèm.

Ngược lại, ông McCarthy tuyên bố Hạ viện sẽ không thông qua bất kỳ thoả thuận nào mà không cắt giảm đáng kể chi tiêu của chính phủ để giải quyết thâm hụt ngân sách ngày càng phình to của Mỹ.

Các cuộc chiến trần nợ trong quá khứ thường kết thúc bằng một thoả thuận được dàn xếp vội vàng trong những giờ đàm phán cuối cùng, qua đó giúp Mỹ tránh được tình trạng vỡ nợ.

Năm 2011, cuộc chiến đã khiến S&P hạ xếp hạng tín dụng của Mỹ từ mức cao nhất là AAA xuống còn AA+. Các nhà lập pháp từng tham gia cuộc chiến năm đó cảnh báo tình hình hiện tại rủi ro hơn vì sự chia rẽ chính trị đang ngày càng lớn.

Nhà đầu tư theo sát diễn biến

Ông Neil Bradley, quan chức chính sách hàng đầu tại Phòng Thương mại Mỹ, co biết việc hai bên sẽ tiếp tục gặp nhau là thông tin tích cực.

“Tuy nhiên, chúng tôi cần nhấn mạnh rằng thời gian còn lại quá ít, mỗi ngày trôi qua sẽ càng làm tăng nguy cơ chính phủ mắc sai lầm và dẫn đến vỡ nợ”, ông Bradley trao đổi với Reuters.

Rất ít quốc gia trên thế giới có luật trần nợ và việc Washington thường xuyên dỡ bỏ giới hạn đi vay chỉ cho phép chính phủ chi trả cho các khoản chi tiêu mà Quốc hội đã phê duyệt.

Tuy vậy, việc hai bên tích cực đàm phán có thể xoa dịu nỗi lo của các nhà đầu tư. Tuần trước, họ đã buộc chính phủ liên bang phải trả lãi suất cao nhất từ trước đến nay cho trái phiếu Kho bạc kỳ hạn một tháng.

Theo New York Times, thị trường chứng khoán Mỹ hiện không có dấu hiệu hoảng loạn. Chỉ số S&P 500 đã tăng hơn 7% trong năm nay.

Đó là bởi các nhà đầu tư đang phải đối mặt với một lựa chọn khó khăn. Họ không chắc liệu các nhà lập pháp sẽ đạt được thoả thuận vào phút chót như trong quá khứ hay Mỹ sẽ thực sự vỡ nợ và gây ra hậu quả thảm khốc cho thị trường.

Các nhà đầu tư vẫn chưa xác định được ngày X, thời điểm chính phủ cạn tiền mặt. Điều này cũng làm phức tạp thêm các quyết định giao dịch của họ.

Ông Ralph Axel, chiến lược gia lãi suất tại Bank of America, cho biết: “Quan điểm đồng thuận của các chuyên gia là Mỹ sẽ không trụ được tới ngày X, đó là những gì chúng ta đang thấy”.

Thị trường chứng khoán đã biến động mạnh trong cuộc chiến trần nợ năm 2011. Tháng 7 năm đó, S&P 500 đang giao dịch gần mức cao nhất trong năm.

Tuy nhiên, đến thứ Sáu ngày 5/8/2011, khi S&P hạ xếp hạng tín dụng của Mỹ, chỉ số này đã giảm hơn 10%. Sang phiên thứ Hai tuần sau đó, S&P 500 bốc hơi thêm 16% kể từ đỉnh tháng 7.

Yên Khê