|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Vì sao Phố Wall vẫn bình tĩnh trước nguy cơ Mỹ vỡ nợ và bao giờ tâm lý hoảng loạn sẽ xuất hiện?

10:13 | 11/05/2023
Chia sẻ
Giới phân tích dự đoán nếu Quốc hội Mỹ không hành động kịp thời, khủng hoảng trần nợ sẽ khiến biến động trên thị trường chứng khoán Mỹ tăng vọt vào cuối tháng 5.

Nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Mỹ. (Ảnh: AP). 

Các chính trị gia và chuyên gia kinh tế đã phát đi rất nhiều cảnh báo nghiêm trọng về thảm họa có thể sẽ xảy ra nếu Mỹ không sớm nâng trần nợ. Nhưng cho đến thời điểm này, thị trường vẫn khá lạc quan bất chấp tình thế bế tắc ở Washington.

Song, trạng thái tâm lý này sẽ không tồn tại thêm được lâu. Các nhà phân tích cho biết Phố Wall đã tự xác định hạn chót mà Quốc hội cần hành động để ngăn chính phủ vỡ nợ – còn gọi là ngày X – là vào cuối tháng 5. Nếu đến khi đó mà Quốc hội không có động thái đáng kể nào, một số chuyên gia dự đoán thị trường sẽ trải qua biến động lớn.

Ngay trong lúc này, Mỹ đang cạn tiền, và nếu Quốc hội không nâng hoặc hoãn trần nợ, Mỹ có thể sẽ sớm vỡ nợ. Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cảnh báo rằng việc Mỹ vỡ nợ sẽ gây ra “thảm họa kinh tế và tài chính”.

Một vụ vỡ nợ kéo dài sẽ xóa sổ khoảng 8,3 triệu việc làm và nâng tỷ lệ thất nghiệp lên thêm 5%, theo ước tính của các nhà kinh tế tại Nhà Trắng. Ngay cả khi vụ vỡ nợ diễn ra trong thời gian ngắn hơn, nền kinh tế cũng sẽ mất khoảng nửa triệu việc làm và tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng thêm 0,3 điểm %.

Bà Yellen cho biết Bộ Tài chính có thể cạn tiền mặt và không thể viện đến các thủ thuật kế toán để thanh toán mọi nghĩa vụ nợ của chính phủ vào ngày 1/6, tức là sau khoảng ba tuần nữa. Moody’s Analytics ước tính ngày Mỹ cạn sạch tiền mặt là 8/6. Một số ước tính thận trọng hơn thì cho rằng “ngày X” sẽ diễn ra trong tháng 8.

Hiện tại, các nhà đầu tư không có vẻ gì là đang hoảng loạn. Thị trường vẫn đi lên trong phiên giao dịch ngoài giờ ngày 9/5 bất chấp cuộc đàm phán về trần nợ công của Tổng thống Biden và Đảng Cộng hoà thất bại.

Chỉ số Nasdaq Composite và S&P 500 đều tăng trong phiên 10/5 sau khi dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng mới nhất cho thấy lạm phát tháng 4 thấp hơn dự báo.

Nguyên nhân Phố Wall bình tĩnh

Tờ CNN đã chỉ ra một số lý do có thể khiến các nhà đầu tư phớt lờ thảm họa kinh tế tiềm ẩn này.

Thứ nhất, có thể các nhà đầu tư không tin Mỹ sẽ thực sự vỡ nợ. Trần nợ được áp dụng tại Mỹ từ năm 1917 và kể từ đó giới hạn đi vay đã được hoãn hoặc nâng hơn 100 lần, và thường đi kèm với các tranh cãi chính trị.

Khủng hoảng trần nợ năm 2011 khiến Standard & Poor’s hạ xếp hạng nợ của chính phủ Mỹ lần đầu tiên trong lịch sự. Trong năm 2013, Quốc hội cũng đi đến được thỏa thuận chỉ vài ngày trước hạn chót.

Ông Greg Valliere, chiến lược gia cấp cao của hãng đầu tư AGF Investments, nói với tờ CNN: “Tôi nghĩ thị trường chứng khoán Mỹ nói chung có cảm giác rằng những cảnh báo về trần nợ cũng giống như câu chuyện về cậu bé chăn cừu và bầy chó sói. Rắc rối sẽ được giải quyết vào phút chót, giống như trong quá khứ”.

Ông nói tiếp: “Nhưng lần này thì khác. Tôi cho rằng các thành viên Đảng Cộng hòa cứng rắn trong Hạ viện là yếu tố mới trong cuộc chiến trần nợ và việc thị trường lạc quan như hiện nay là không hợp lý”.

Thứ hai, các nhà đầu tư có thể đang nghiêm túc nhìn nhận cuộc khủng hoảng nhưng họ không biết nên phản ứng như thế nào. Đây là giả thuyết của ông Gustavo Schwenkler, Giáo sư tài chính tại Trường Kinh doanh Leavey thuộc Đại học Santa Clara.

Ông Schwenkler nói: “Hậu quả từ vụ vỡ nợ có thể diễn ra theo rất nhiều hướng. Chúng ta khó có thể biết được thị trường chứng khoán sẽ phản ứng như thế nào đối với sự kiện này vì đó là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử”. Ông nói thêm rằng thị trường có thể sẽ phản ứng khi giới đầu tư có thêm thông tin.

Hạn chót của Phố Wall

Các nhà phân tích dường như có chung ý kiến rằng cuối tháng 5 sẽ là lúc giới đầu tư bắt đầu mất bình tĩnh. Giáo sư Schwenkler dự kiến thị trường sẽ “có thêm rất nhiều biến động” nếu đến tuần cuối cùng của tháng 5 mà vấn đề trần nợ có vẻ vẫn không được giải quyết.

Hôm 9/5, ông Nicholas Bohnsac, Giám đốc công ty tư vấn Strategas, cảnh báo: “Chúng ta có lẽ chỉ còn một tuần nữa trước khi các nhà đầu tư trở nên nghiêm túc”.

Lưu ý tuần trước của ông David Kelly, chiến lược gia hàng đầu tại JP Morgan Asset Management, cũng xác định rằng những ngày cuối cùng của tháng 5 là thời điểm biến động sẽ gia tăng trên thị trường cổ phiếu.

Ông Kelly cảnh báo nếu Quốc hội không tạm hoãn hoặc nâng được trần nợ kịp thời, “thị trường chứng khoán sẽ lao dốc nặng nề”. Nhưng mặt khác, thị trường cũng sẽ phục hồi nhanh chóng. Ông viết: “Bạn không nên nghĩ rằng khủng hoảng trần nợ sẽ làm tái hiện khủng hoảng tài chính năm 2008”.

Giang