Công nhân dầu khí Na Uy đình công: Con đường EU thoát phụ thuộc năng lượng Nga càng gian truân
Na Uy, nhà cung cấp năng lượng hàng đầu ở châu Âu, đang giảm sản lượng dầu và khí đốt tự nhiên do cuộc đình công bắt đầu hôm 5/7. Công đoàn của Tổ chức Các nhà quản lý và Điều hành Na Uy (Lederne) đang yêu cầu tăng lương để bù đắp cho lạm phát gia tăng, theo Reuters.
Trong ngày đầu tiên ngừng hoạt động, sản lượng khai thác tại ba mỏ ngoài khơi đã bị cắt, với hai giai đoạn biểu tình nữa được lên kế hoạch vào hôm 6/7 (thứ Tư) và 9/7 (thứ Bảy).
Theo số liệu của Hiệp hội Dầu khí Na Uy (NOG), sản lượng khí đốt sẽ giảm 13% và dầu thô là 6,5%, sau khi giai đoạn hai của cuộc đình công bắt đầu vào hôm 6/7. Na Uy sẽ giảm đi lượng khí đốt tương ứng với 292.000 thùng dầu và 130.000 thùng dầu thô mỗi ngày.
Nếu đình công leo thang hơn nữa, sản lượng khí đốt hàng ngày có thể bị cắt giảm thêm tương đương với 230.000 thùng dầu và lượng LNG tương đương 160.000 thùng.
Công ty Equinor của Na Uy xác nhận việc ngừng sản xuất tại các mỏ Gudrun, Oseberg South và Oseberg East, đồng thời chuẩn bị đóng cửa các mỏ Heidrun, Kristin và Aasta Hansteen vào 6/7. Mỏ Tyrihans, được gắn với giàn khoan Kristin, cũng sẽ phải tạm dừng.
Công ty Equinor cho biết, một cuộc đình công khác cũng đã được công bố từ ngày 9/7 tại các mỏ Sleipner, Gullfaks A và Gullfaks C. Cuộc đình công diễn ra sau khi công đoàn Lederne bỏ phiếu từ chối một thỏa thuận lương.
Chính phủ Na Uy cho biết họ đang theo dõi cuộc xung đột "chặt chẽ" và có thể can thiệp để ngừng đình công trong điều kiện cực kỳ bất thường.
Ông Audun Ingvartsen, lãnh đạo công đoàn Lederne cho biết sự leo thang mới nhất không phải là cách để gây áp lực buộc chính phủ can thiệp và áp đặt một dàn xếp.
“Mục tiêu của chúng tôi là khiến doanh nghiệp phải tương tác và lắng nghe nhân viên của họ,” lãnh đạo công đoàn, ông Ingvartsen nói. Các công đoàn dầu khí khác ở Na Uy đã chấp nhận thỏa thuận lương và sẽ không đình công.
Châu Âu gặp khó
Cuộc đình công diễn ra trong bối cảnh giá nhiên liệu toàn cầu tăng cao và Na Uy đang đóng vai trò quan trọng trong việc giúp EU thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng từ Nga. Bộ Dầu khí cho biết quốc gia Bắc Âu này hiện đang đáp ứng khoảng 1/4 nhu cầu cho châu Âu và 1/5 nguồn cung tại Anh.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh các hạn chế đối với xuất khẩu của Nga và sự thiếu hụt khí đốt trên thị trường châu Âu, cuộc đình công này đã đẩy giá các mặt hàng lên cao.
Giá khí đốt ở châu Âu đã vượt qua 1.800 USD/1.000 m3 chốt phiên hôm 4/7, lần đầu tiên kể từ ngày 9/3, theo dữ liệu do London’s ICE cung cấp.