|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Việt Nam là nước nhập khẩu hải sản Na Uy nhiều nhất Đông Nam Á

18:25 | 27/09/2023
Chia sẻ
Cua hoàng đế đỏ Na Uy được xem là mặt hàng hải sản đang gia tăng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chất lượng cao tại thị trường Việt Nam. Giai đoạn 2019-2022 ghi nhận hàng trăm tỷ đồng nhập khẩu cua hoàng đế đỏ từ Na Uy.

Mới đây, ông Asbjorn Warvik Rortveit, Giám đốc khu vực Đông Nam Á, Hội đồng Thủy sản Na Uy (NSC) cho biết sức tiêu thụ hải sản của thị trường Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Điều đó cho thấy lượng tiêu thụ cũng như nhu cầu của người Việt đang ngày càng gia tăng.

“Việt Nam là một thị trường hấp dẫn với chúng tôi. Việt Nam luôn dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về sản lượng nhập khẩu hải sản Na Uy," ông Asbjorn nói.

Theo số liệu từ Hội đồng Hải sản Na Uy, năm 2019, tổng sản lượng xuất khẩu cua hoàng đế từ Na Uy đến Việt Nam đạt 73 tấn, với tổng giá trị khoảng 53 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2019-2020, tổng sản lượng nhập khẩu cua hoàng đế đỏ đến Việt Nam có nhiều biến động nhưng vẫn duy trì ở mức cao hơn thời điểm ban đầu.

Vượt qua nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch, 83 tấn cua hoàng đế đỏ Na Uy, đạt giá trị xuất khẩu là 108 tỷ đồng đã tới Việt Nam trong năm 2022.

 Nguồn:Hội đồng Hải sản Na Uy (Thuỳ Trang tổng hợp)

Tuy vậy, đại diện NSC cũng cho biết nếu xét về mặt giá trị thì Việt Nam lại xếp sau Thái Lan. Do xứ sở Chùa Vàng nhập khẩu nhiều sản phẩm hải sản có giá trị cao hơn như cá hồi nguyên con, trong khi Việt Nam nhập khẩu tỷ trọng cao các phụ phẩm từ cá hồi (phần đầu cá, lườn cá) và cá thu có giá trị thấp hơn cá hồi.

Ông Asbjorn bày tỏ: “Giá trị cốt lõi của ngành công nghiệp thủy hải sản Na Uy là ở sự phát triển có trách nhiệm và bảo vệ vòng tuần hoàn tự nhiên của mọi sinh vật trong thiên nhiên. Ngoài cung cấp hải sản, chúng tôi hy vọng có thể hợp tác hơn nữa với các bạn trong lĩnh vực bảo vệ môi trường sinh thái biển, từ đó giúp đảm bảo sự bền vững của ngành công nghiệp thủy hải sản.” 

NSC đánh giá người Việt đang có nhu cầu cao hơn về giá trị, chất lượng của hải sản từ nước ngoài, đặc biệt là Na Uy. (Ảnh: Thùy Trang).

Là nước xuất khẩu hải sản lớn thứ hai thế giới với chiều dài bờ biển 101.000 km, Na Uy cung cấp 37 triệu bữa ăn hải sản hàng ngày cho 150 quốc gia trên toàn cầu. Tính từ đầu năm, Na Uy đã xuất khẩu thủy sản trị giá 13,8 tỷ USD, tăng 2,9 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái. 

Thùy Trang

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).