|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Sắc lệnh mới của Tổng thống Putin đẩy Nhật Bản vào thế tiến thoái lưỡng nan

15:17 | 04/07/2022
Chia sẻ
Quyết định giành quyền kiểm soát dự án Sakhalin-2 của Nga đã đẩy Nhật Bản tới nguy cơ mất nguồn cung năng lượng quan trọng ngay khi hệ thống lưới điện nước này đang chịu áp lực lớn.

Tờ RT cho biết, Sakhalin-2 là một trong những dự án khí hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới, với công suất 12 triệu tấn mỗi năm. Liên doanh đi vào hoạt động năm 2009, được thành lập bởi Gazprom của Nga, Mitsui, Mitsubishi của Nhật và Shell của Anh.

Dự án Sakhalin-2 được quản lý và vận hành bởi Công ty Đầu tư Năng lượng Sakhalin. 50% cộng với một cổ phần thuộc về tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga.

Shell, nhà kinh doanh LNG lớn nhất thế giới, nắm giữ 27,5% trừ đi một cổ phần, tỷ lệ cổ phần của Mitsui là 12,5%, trong khi Mitsubishi có 10% cổ phần trong dự án.

Cơ sở này nằm trên đảo Sakhalin của Nga ở Thái Bình Dương, phía bắc Nhật Bản và cung cấp LNG chủ yếu cho thị trường ở châu Á. 

Khu vực xung quanh đảo Sakhalin, đặc biệt là quần đảo Kuril có lịch sử tranh chấp lâu dài giữa Nga và Nhật Bản. Trong những ngày cuối cùng của Thế chiến II, Liên Xô đã chiếm toàn bộ khu vực quần đảo Kuril và phía nam Sakhalin. 

Vào ngày 22/4/2022, Sách xanh ngoại giao của Nhật Bản đã mô tả Quần đảo Kuril đang bị Nga "chiếm đóng bất hợp pháp". Đây là lần đầu tiên trong khoảng hai thập kỷ, Tokyo sử dụng cụm từ này để mô tả tranh chấp với Nga.

Đảo Kuril/Lãnh thổ phương Bắc là khu vực tranh chấp chủ quyền giữa Nga và Nhật.

Sắc lệnh Tổng thống

Tổng thống Vladimir Putin ký một sắc lệnh vào hôm 30/6, yêu cầu tài sản của dự án Sakhalin-2 được chuyển tới một doanh nghiệp Nga mới được thành lập. 

Gazprom sẽ giữ mức cổ phần như cũ tại doanh nghiệp này, trong khi các đối tác khác có một tháng để quyết định việc tiếp tục tham gia vào liên doanh hay không. Nếu các đối tác Anh và Nhật Bản không muốn tham gia, cổ phần sẽ bị bán và số tiền thu về sẽ được chuyển tới một tài khoản đặc biệt của Nga.

Số tiền này sau đó có thể được sử dụng để chi trả cho những thiệt hại không xác định hoặc gửi cho cổ đông theo thỏa thuận phân chia sản lượng. Tuy nhiên, những doanh nghiệp lựa chọn rút khỏi dự án có thể sẽ không được bồi thường một cách đầy đủ.

Hôm 1/7, Tập đoàn Shell tuyên bố đang "đánh giá về tác động" của sắc lệnh này. Vào những ngày đầu của chiến dịch quân sự đặc biệt, Shell từng thể hiện rõ ý định rời khỏi dự án Sakhalin và đã đàm phán với những người mua tiềm năng từ Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, có vẻ kế hoạch này đã đổ bể.

Các doanh nghiệp Nhật (màu xanh) nắm nhiều cổ phần trong các dự án LNG của Nga.

Ba lựa chọn

Dự án Sakhalin-2 đóng góp vào gần 10% lượng LNG nhập khẩu của Nhật Bản. Vào hôm 1/7, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tuyên bố: “Chúng tôi sẽ xem xét kỹ lưỡng về sắc lệnh mới của Tổng thống Putin. Nhật Bản sẽ liên lạc chặt chẽ với nhà điều hành dự án và lập kế hoạch giải quyết”.

Theo Nikkei Asia, Tokyo có ba cách giải quyết, và tất cả đều có những hạn chế riêng.

Lựa chọn đầu tiên, phía Nhật có thể chấp thuận việc nắm giữ cổ phần ở trong doanh nghiệp mới được thành lập. Tuy nhiên, không có gì đảm bảo về quy mô và cơ cấu sở hữu của doanh nghiệp mới này sẽ như thế nào.

Một lựa chọn khác là từ bỏ cổ phần trong công ty mới, nhưng Nhật Bản vẫn sẽ duy trì các hợp đồng mua LNG từ dự án này. Nhà nhập khẩu năng lượng Nhật Bản JERA đã ký một thỏa thuận kéo dài 20 năm vào năm 2009 với Sakhalin-2 để cung cấp hơn 1,5 triệu tấn nhiên liệu mỗi năm.

Thông thường, các hợp đồng như vậy vẫn có hiệu lực khi có thay đổi về quyền sở hữu. Nhưng Nga đã xếp Nhật Bản vào danh sách "các quốc gia không thân thiện", vì vậy hiệu lực của những hợp đồng như trên là một dấu hỏi lớn.

Cuối cùng, trong trường hợp xấu nhất, Nhật Bản không chấp nhận cổ phần trong doanh nghiệp điều hành dự án Sakhalin-2 mới thành lập, và những hợp đồng mua LNG đã ký trước đây bị chấm dứt. 

Kết quả này sẽ giáng một đòn mạnh vào an ninh năng lượng của Nhật Bản vì nguồn cung LNG sẽ ngay lập tức giảm xuống khi nước này đang trải qua cuộc khủng hoảng năng lượng do một đợt nắng nóng, cùng với hóa đơn điện nước tăng.

Vào năm 2021, Nhật Bản nhập khoảng 6,57 triệu tấn LNG từ Nga.

Tiến thoái lưỡng nan

Các công ty năng lượng Nhật Bản đang cố gắng ứng phó với nguy cơ mất đi nguồn nhập khẩu quan trọng. Hiroshima Gas, doanh nghiệp mua khoảng 50% lượng LNG nhập khẩu từ Sakhalin-2, cho biết đang thu thập thông tin.

Tohoku Electric Power, công ty mua khoảng 10% LNG từ Sakhalin-2, đã bắt đầu cân nhắc các lựa chọn trong trường hợp việc nhập khẩu đột ngột bị gián đoạn.

Thị trường giao ngay là nguồn thay thế duy nhất nếu Sakhalin-2 LNG bị cắt. Theo các hợp đồng dài hạn hiện tại, khí hóa lỏng của Sakhalin-2 tương đối rẻ, ước tính khoảng 10 USD/triệu đơn vị nhiệt của Anh (mmBtu).

LNG trên thị trường giao ngay đang có giá đắt hơn so với mua từ liên doanh Sakhalin-2. Tùy thuộc vào khối lượng nhập khẩu và tỷ giá tiền tệ, chi phí nhập khẩu năng lượng của Nhật Bản có thể tăng thêm lên tới 2.000 tỷ yên (14,78 tỷ USD) mỗi năm.

Nhật Bản hiện phụ thuộc rất lớn vào LNG để sản xuất điện sau khi các nhà máy điện hạt nhân phải đóng cửa.

Tổng thống Putin dường như đã sắp xếp thời gian ban hành sắc lệnh ngay sau khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh NATO hôm 30/6. Nếu Nhật Bản hành động nhằm bảo vệ lợi ích của mình ở Sakhalin-2, nước này có thể làm chia rẽ mặt trận thống nhất chống lại Nga của khối G7.

Nhưng nếu Nhật Bản quyết định rút khỏi Sakhalin-2, nguồn cung LNG sẽ không còn được đảm bảo. Moscow dường như đang tính toán rằng cho dù Tokyo có đi theo hướng nào đi chăng nữa, thì kết quả vẫn là Nga sẽ có đòn bẩy để chống lại phương Tây.

Minh Quang