|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Thị trường chứng khoán Mỹ chờ đợi thông tin từ Fed và số liệu việc làm quan trọng

07:21 | 05/07/2022
Chia sẻ
Nhà đầu tư chứng khoán Mỹ bước vào quý III với nhiều lo ngại về nguy cơ suy thoái. Vì vậy, báo cáo việc làm công bố vào ngày thứ Sáu (8/7) tới đây sẽ có ý nghĩa quan trọng hơn bình thường trong việc xác định khả năng suy thoái cũng như tác động tới chính sách tiền tệ của Fed.

Thị trường chứng khoán Mỹ vừa trải qua hai quý đầu năm 2022 với nhiều đau thương.

Ngày thứ Hai (4/7), thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa nghỉ lễ Quốc khánh. Ngày 5/7, thị trường mở cửa giao dịch bình thường. Ngày thứ Tư (6/7), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ công bố biên bản cuộc họp diễn ra vào ngày 14-15/6.

Sau cuộc họp, Fed đã thông báo nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản. Tuy nhiên, biên bản họp sẽ cung cấp thêm thông tin về quan điểm cụ thể của từng thành viên trong Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) và định hướng chính sách trong tương lai.

Fed đã tăng lãi suất trong ba cuộc họp liên tiếp vào tháng 3, 5 và 6/2022.

Các nhà kinh tế do Dow Jones khảo sát kỳ vọng báo cáo thị trường lao động phi nông nghiệp tháng 6 sẽ cho thấy nền kinh tế tạo ra 250.000 việc làm, giảm so với mức 390.000 của tháng 5 nhưng vẫn là một con số tích cực. Tỷ lệ thất nghiệp được dự báo duy trì ở mức 3,6%.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng thị trường lao động sẽ chậm lại phần nào do Fed thắt chặt tiền tệ để hạ nhiệt nền kinh tế và chống lạm phát. Có khả năng những dấu hiệu giảm tốc trên thị trường lao động sẽ xuất hiện trong báo cáo công bố ngày 8/7.

Chậm lại đôi chút có thể là thông tin tích cực, nhưng thị trường lao động cần phải tìm được điểm cân bằng giữa một bên là bớt nóng so với trước và bên kia là quá nguội lạnh tới mức suy thoái.

CNBC dẫn lời ông David Page, Giám đốc nghiên cứu Kinh tế vĩ mô của AXA Investment Managers, nhận định: “Thị trường việc làm tháng 6 phải chậm lại so với tháng 5. Có thể xuống mức 250.000 việc làm mới như dự báo đồng thuận hoặc các mức khác. Xu thế chung là đi xuống, tôi sẵn sàng đặt cược rằng đến đầu quý III sẽ chỉ còn 150.000 – 200.000 và đến cuối năm sẽ thấp hơn nữa”.

Tạo ra thêm 150.000 – 200.000 việc làm mới vẫn là khá cao và gần hơn với mức tăng trưởng của thị trường lao động trước đại dịch.

Mỹ tạo ra thêm 390.000 việc làm trong tháng 5.

Ông Page cho rằng nền kinh tế Mỹ đã cho thấy nhiều dấu hiệu giảm tốc trong số liệu chi tiêu của hộ gia đình, thu nhập và sản xuất. “Các dấu hiệu cảnh báo đang bắt đầu xuất hiện, chúng ta càng thấy nhiều tín hiệu len lỏi vào thị trường lao động, Fed sẽ càng phải chú ý hơn tới tình hình việc làm. Vì vậy, báo cáo việc làm ngày 8/7 tới sẽ rất quan trọng”.

Nếu các số liệu cho thấy thị trường lao động vẫn hoạt động mạnh mẽ với số việc làm mới tăng mạnh, thị trường chứng khoán có thể sẽ phản ánh tiêu cực vì lo ngại Fed sẽ thắt chặt tiền tệ mạnh tay hơn để chống lạm phát.

Nếu thị trường lao động suy yếu, Fed có thể sẽ chùn tay trong việc nâng lãi suất.

Nhiều nhà kinh tế dự báo Fed sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản trong cuộc họp sắp tới, diễn ra vào ngày 26-27/7. Tuy nhiên, kế hoạch lãi suất trong tháng 9 lại gây nhiều tranh cãi hơn.

Giám đốc nghiên cứu vĩ mô David Page cho rằng Fed sẽ phải cân nhắc rất kỹ mức tăng lãi suất tháng 7 và có khả năng chỉ tăng 50 điểm cơ bản, thấp hơn mức mà thị trường dự báo. Ông cho rằng Fed sẽ đặc biệt chú ý tới tình trạng kinh tế giảm tốc và điều kiện tài chính thắt chặt.

Trong lịch sử, Fed rất ít khi thành công trong việc “hạ cánh mềm khi đường băng nhỏ hẹp như thế này”, ông Page nhận định. Hạ cánh mềm là cách nói ám chỉ Fed chế ngự được lạm phát nhưng không đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Fed có nguy cơ rơi vào suy thoái vì GDP giảm hai quý liên tiếp.

Trong tuần trước, mô hình dự báo GDPNow của Fed chi nhánh Atlanta cho rằng GDP của Mỹ suy giảm 2,1% trong quý II, như thể hiện trong biểu đồ bên trên. Trước đó vào quý I, GDP đã suy giảm 1,6% (số liệu đã hiệu chỉnh). Nếu tăng trưởng âm hai quý liên tiếp, nền kinh tế sẽ bị coi là rơi vào suy thoái.

Tuy nhiên, ông David Page cho rằng Mỹ vẫn chưa suy thoái và dự báo GDP quý II tăng trưởng 1,5%.

Đức Quyền