Khí đốt - dầu mỏ của thế kỷ 21?
Buổi sáng đầu tháng 6, đám cháy bùng lên tại một cơ sở ít người biết đến tại bang Texas, nơi lấy khí đốt từ các bể đá phiến của Mỹ, làm lạnh thành chất lỏng và vận chuyển ra nước ngoài. Vụ hỏa hoạn đã được dập tắt trong khoảng 40 phút. Không ai bị thương.
Tin tức này nghe có vẻ giống như một bài viết trên tờ báo địa phương, ngoại trừ việc ba tuần sau, những cơn "địa chấn" về tài chính và chính trị bắt nguồn từ vụ việc vẫn còn vang vọng khắp các châu lục.
Khí đốt đang là mặt hàng nóng nhất trên thế giới. Nhiên liệu này là một trong các động lực chính gây lạm phát toàn cầu, với mức tăng giá có phần cực đoan. Kể từ đầu năm ngoái, giá khí đốt tại châu Âu đã phi mã 700%, đẩy lục địa già đến bờ vực suy thoái.
Khí đốt cũng là trọng tâm của kỷ nguyên đối đầu giữa các cường quốc, một cuộc chiến căng thẳng tới mức ở khắp các thủ đô châu Âu, kế hoạch chống biến đổi khí hậu đang dần bị loại bỏ.
Nói tóm lại, khí đốt đang cạnh tranh với dầu mỏ để trở thành một loại nhiên liệu có thể định hình hệ thống địa chính trị. Và thế giới đang rất thiếu thứ này.
Cuộc xung đột tại Ukraine đã đẩy khủng hoảng khí đốt lên cấp độ mới, bằng cách lấy đi một phần nguồn cung quan trọng. Nga đã cắt giảm các đơn hàng giao bằng đường ống tới châu Âu. Giờ đây, châu lục già đang nỗ lực lấp đầy kho chứa trước khi mùa đông tới, qua đó gây ra một cuộc chiến mua hàng trên toàn cầu.
Dầu mỏ của thế kỷ 21?
Đức cho biết việc thiếu hụt khí đốt có thể gây ra một cú sốc giống như vụ Lehman Brothers (sự kiện được cho là đã châm ngòi cho khủng hoảng tài chính năm 2008). Cường quốc kinh tế của châu Âu đang phải đối mặt với viễn cảnh chưa từng có, rằng doanh nghiệp và người tiêu dùng có thể cạn kiệt năng lượng trong nay mai.
Đường ống Nord Stream 1 vận chuyển khí đốt của Nga đến Đức sẽ tạm ngừng hoạt động từ ngày 11/7 trong 10 ngày để bảo trì và ngày càng có nhiều lo ngại rằng Moscow có thể không mở lại hệ thống này.
G7 đang tìm cách hạn chế thu nhập từ khí đốt của Nga, song song với đó là hỗ trợ các khoản đầu tư khí hóa lỏng (LNG) mới. Mặt khác, các quốc gia nghèo hơn đã từng xây dựng hệ thống năng lượng dựa vào khí đốt đang vật lộn để chi trả hóa đơn nhiên liệu giá trên trời.
Ông Kevin Book, Giám đốc điều hành của ClearView Energy Partners, cho biết: “Thế giới hiện đang nghĩ về khí đốt như đã từng nghĩ về dầu mỏ vào những năm 1970. Vai trò thiết yếu và nhu cầu đảm bảo nguồn cung của nhiên liệu này ở các nền kinh tế hiện đại đã trở nên rất rõ ràng."
Nhiều quốc gia đã sử dụng khí đốt như một bước đệm trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch hơn. Các nhà sản xuất lớn như Mỹ, Qatar đang nhận thấy nhu cầu ngày một cao hơn.
Trong năm 2021, 40 quốc gia đã nhập khẩu LNG, gấp đôi với con số chỉ một thập kỷ trước. Nhưng nhiên liệu này khó vận chuyển hơn so với dầu vì cần phải được hóa lỏng tại các nhà máy như Freeport ở Texas. Và đó là lý do vì sao một vụ nổ nhỏ tại một cơ sở ít ai biết tới lại có tác động quá lớn đến toàn thế giới.
Khủng hoảng khí đốt
Giá khí đốt ở châu Âu và châu Á đã tăng hơn 60% kể từ khi Freeport buộc phải tạm thời đóng cửa và Nga cắt giảm nguồn cung. Ngược lại, tại Mỹ, giá đã giảm gần 40% bởi việc đóng cửa nhà máy này giúp người tiêu dùng trong nước có thêm nguồn cung khí đốt.
Xung đột quân sự và đại dịch COVID-19 có thể đẩy giá nhiều loại hàng hóa, từ lúa mì đến nhôm và kẽm. Nhưng ít có sự biến động nào kinh hoàng hơn giá khí đốt toàn cầu.
Ở châu Á, nhiên liệu này hiện đắt hơn ba lần so với một năm trước. Ở châu Âu, khí đốt là một trong những lý do chính khiến lạm phát vừa đạt mức kỷ lục. Khí đốt tại Mỹ hiện vẫn rẻ. Tuy nhiên trước khi nhà máy Freeport ngừng hoạt động, giá cũng đã kịp tăng gấp đôi.
Với việc các đồng minh chính trị quan trọng của Mỹ, từ Đức tới Ukraine đang khao khát mua khí đốt, nhiều nhà sản xuất cảnh báo rằng doanh số bán ra nước ngoài nhiều hơn đồng nghĩa với giá trong nước sẽ cao.
Theo ông Paul Cicio, Chủ tịch Hiệp hội Người tiêu dùng Năng lượng Công nghiệp Mỹ, phản ứng của thị trường đối với vụ cháy Freeport cho thấy “mối liên hệ rõ ràng giữa xuất khẩu LNG và tác động của lạm phát đối với giá khí đốt và điện trong nước”.
Để đáp ứng tất cả nhu cầu mới, các nhà khai thác sẽ phải đẩy mạnh đầu tư. Trong cuộc họp tuần trước, các nhà lãnh đạo G7 hứa sẽ hỗ trợ các dự án khí đốt, tuyên bố rằng chúng “cần thiết để ứng phó với cuộc khủng hoảng hiện nay”.
Những cơ sở hạ tầng cần thiết bao gồm: cơ sở làm lạnh, cảng xuất khẩu khí đốt; cơ sở hóa khí, cảng nhập khẩu; đường ống vận chuyển khí đốt; tàu chở dầu. Việc hỗ trợ các dự án khí đốt đôi khi lại đi ngược với những chính sách chống lại biến đổi khí hậu, đặc biệt tại châu Âu.
Những tổ chức cho vay lớn nhất như Ngân hàng Đầu tư châu Âu, Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu, đều đang chuyển trọng tâm từ năng lượng tái tạo sang các dự án khí đốt.
Tuy nhiên, theo Bloomberg Intelligence, những nỗ lực đột phá của châu Âu sẽ không đủ, khi nhập khẩu LNG chỉ có thể đáp ứng 40% nhu cầu khí đốt của khu vực vào năm 2026. Mặc dù con số này đã gấp đôi so với năm ngoái, nhưng vẫn còn thiếu nhiều so với khối lượng mà Nga đang cung cấp.
Suy thoái cận kề
Nước nghèo chịu trận
Khắp các nền kinh tế châu Âu, ngày càng xuất hiện nhiều cảnh báo về nguy cơ sụt giảm nguồn cung khí đốt. Tuần trước, chính phủ Đức tuyên bố đang đàm phán để cứu trợ công ty Uniper, hiện lỗ khoảng 30 triệu EUR mỗi ngày.
Deutsche Bank cho biết ngày càng có nhiều rủi ro về một “cuộc suy thoái sắp xảy ra ở Đức do kế hoạch phân bổ năng lượng”, đồng thời chỉ ra rằng giá điện ở Italy và Pháp cũng tăng vọt. Morgan Stanley dự đoán toàn bộ khu vực đồng EUR sẽ suy thoái vào cuối năm 2022.
Tình hình còn nghiêm trọng hơn với một số nền kinh tế mới nổi ở các khu vực khác, vì họ đang phải cạnh tranh với các nước giàu có như Đức trong việc đấu thầu vận chuyển LNG.
Ở Pakistan, quốc gia đã xây dựng hệ thống năng lượng bằng LNG giá rẻ, tình trạng mất điện đang khiến nhiều khu vực chìm vào bóng tối trong những tháng hè oi ả. Trung tâm mua sắm và nhà máy ở các thành phố lớn đã được lệnh đóng cửa sớm trong khi quan chức chính phủ đang làm việc trong thời gian ngắn hơn.
Thái Lan đang hạn chế nhập khẩu LNG do giá tăng cao và đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nhiên liệu. Myanmar, quốc gia đang phải vật lộn với bất ổn chính trị, đã ngừng mọi hoạt động mua LNG vào cuối năm ngoái khi giá bắt đầu tăng. Ấn Độ và Trung Quốc cũng đã cắt giảm nhập khẩu.
Ông James Whistler, Giám đốc điều hành tại Vanir Global Markets cho biết: “[Khí đốt] đang trở thành nhiên liệu thiết yếu với nhiều nền kinh tế”.