|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Người dân đốt phá dinh thự, Tổng thống và Thủ tướng Sri Lanka đồng ý từ chức

13:55 | 10/07/2022
Chia sẻ
Tổng thống và Thủ tướng Sri Lanka đã đồng ý từ chức vào hôm 9/7 sau một ngày hỗn loạn nhất của đất nước trong nhiều tháng bất ổn chính trị.

Đốt phá dinh thự

Theo AP, Thủ tướng Ranil Wickremesinghe tuyên bố sẽ rời văn phòng sau khi có chính phủ mới. Vài giờ sau, Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka cho biết Tổng thống Gotabaya Rajapaksa sẽ từ chức vào hôm 13/7.

Áp lực đối với cả nhà lãnh đọa ngày càng tăng khi suy thoái kinh tế gây ra tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng các mặt hàng thiết yếu, khiến người dân phải vật lộn để mua thực phẩm, nhiên liệu và các nhu yếu phẩm khác.

Cảnh sát đã cố gắng ngăn chặn các cuộc biểu tình bằng lệnh giới nghiêm, nhưng sau đã phải dỡ bỏ khi luật sư và chính trị gia đối lập cáo buộc hành động này là bất hợp pháp. Hàng nghìn người biểu tình đã tới thủ thủ đô Colombo và tràn vào dinh thự kiên cố của ông Rajapaksa.

Người biểu tình tràn vào dinh thự Tổng thống Rajapaksa. (Ảnh: Reuters).

Hình ảnh cho thấy đám đông đang quậy phá trong bể bơi ngoài vườn, nằm trên giường và sử dụng camera điện thoại để ghi lại khoảnh khắc này. Một số pha trà, trong khi những người khác đưa ra tuyên bố từ phòng họp yêu cầu tổng thống và thủ tướng phải đi.

Không rõ Rajapaksa có ở đó vào thời điểm đó hay không và phát ngôn viên chính phủ Mohan Samaranayake tuyên bố không có thông tin gì về việc đi lại của Tổng thống.

Văn phòng của ông Wickremesinghe cho biết những người biểu tình sau đó đã đột nhập vào nhà riêng của Thủ tướng và phóng hỏa. AP không thể xác minh liệu Thủ tướng có ở tư gia trong lúc xảy ra hỏa hoạn hay không.

Người biểu tình bơi tại dinh thự Tổng thống Sri Lanka. (Ảnh: IndiaToday).

Chuyển giao quyền lực

Chủ tịch Quốc hội Mahinda Yapa Abeywardena cho biết trong một tuyên bố trên truyền hình rằng các nhà lãnh đạo Quốc hội đã họp và quyết định yêu cầu ông Rajapaksa từ chức, và Tổng thống đã đồng ý. 

Tuy nhiên, ông Rajapaksa sẽ tạm thời ở lại để đảm bảo quá trình chuyển giao quyền lực diễn ra suôn sẻ, Chủ tịch Quốc hội Abeywardena nói thêm.

Ông Abeywardena cho biết: “Ông Rajapaksa yêu cầu tôi thông báo cho đất nước rằng ông ấy sẽ từ chức vào thứ Tư ngày 13/7, vì cần phải bàn giao quyền lực một cách hòa bình”.

“Vì vậy, không cần thiết phải có thêm những xáo trộn trong đất nước. Tôi kêu gọi mọi người vì lợi ích quốc gia duy trì hòa bình để tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi suôn sẻ,” Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka tiếp tục.

Nhà lập pháp đối lập Rauff Hakeem cho biết đã đạt được sự đồng thuận để Chủ tịch Quốc hội đảm nhận vị trí Tổng thống tạm thời.

Hàng dài các xe lam đứng chờ đổ xăng tại Sri Lanka. (Ảnh: Eranga Jayawardena/AP).

Thủ tướng Wickremesinghe đã tuyên bố từ chức nhưng nói rằng ông sẽ không rời vị trí cho đến khi một chính phủ mới được thành lập, khiến những người biểu tình tức giận yêu cầu ông ra đi ngay lập tức.

Ông Wickremesinghe nói: “Hiện nay đất nước chúng ta đang gặp khủng hoảng nhiên liệu, lương thực. Người đứng đầu Chương trình Lương thực Thế giới sắp đến đây, và chính phủ có một số vấn đề cần thảo luận với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF),”.

"Do đó, nếu chính phủ này rời đi thì sẽ cần một chính phủ khác thay thế”, ông tuyên bố.

Ông Wickremesinghe đã đề nghị với Tổng thống để có một chính phủ gồm nhiều Đảng, nhưng không tiết lộ nơi ở của ông Rajapaksa. Các đảng đối lập đang thảo luận về việc thành lập chính phủ mới.

Nền kinh tế sụp đổ

Tổng thống Rajapaksa đã bổ nhiệm Thủ tướng Wickremesinghe vào tháng 5/2022 với hy vọng rằng chính trị gia này sẽ sử dụng tài ngoại giao và các mối liên hệ của mình để vực dậy nền kinh tế đang sụp đổ.

Nhưng sự kiên nhẫn của mọi người ngày càng tăng dần khi tình trạng thiếu nhiên liệu, thuốc men và khí đốt tăng lên và lượng dầu dự trữ cạn kiệt. Trường học cũng đã phải tạm thời đóng cửa.

Quốc gia này đang dựa vào viện trợ từ Ấn Độ và các quốc gia khác khi các nhà lãnh đạo cố gắng đàm phán một gói cứu trợ với IMF. Thủ tướng Wickremesinghe cho biết các cuộc đàm phán với IMF rất phức tạp vì Sri Lanka hiện là một quốc gia phá sản.

Vào tháng 4, Sri Lanka đã thông báo về việc đình chỉ trả các khoản vay nước ngoài do thiếu hụt ngoại tệ. Tổng nợ nước ngoài của quốc đảo này lên tới 51 tỷ USD, trong đó phải trả 28 tỷ USD vào cuối năm 2027.

Minh Quang

Bậc thầy đầu tư: Michael Burry, người đàn ông ‘độc nhãn’ nhìn thấu cuộc khủng hoảng nhà đất Mỹ
Michael Burry là một thiên tài dị biệt, rất dở trong việc nói chuyện với mọi người nhưng rất giỏi phát hiện các cơ hội trong thị trường tài chính. Ông là một trong những người hiếm hoi phát hiện sớm cuộc khủng hoảng trong thị trường nhà đất Mỹ và lãi đậm từ sự kiện đó.