|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ai cười, ai khóc tại châu Á năm 2022?

12:41 | 16/12/2022
Chia sẻ
CNBC vừa đưa ra danh sách những quốc gia châu Á thành công và thất bại trong năm 2022 sắp qua. Với hy vọng rằng COVID đang lùi dần và lạm phát dịu đi, hãy cùng xem ai là người chiến thắng trong năm 2022.

Chiến thắng của nhà lãnh đạo Philippines và Malaysia

2022 kết thúc với chiến thắng của ông Ferdinand “Bongbong” Marcos Jr. tại Philippines và ông Anwar Ibrahim tại Malaysia. Cả hai đã trở thành nhà lãnh đạo mới của hai quốc gia Đông Nam Á trên. Một người phục hồi lại di sản của gia đình, người kia chuyển từ nhà tù lên Phủ Thủ tướng. 

Tại Philippines, Tổng thống Marcos đã giành chiến thắng vang đội vào tháng 5, bất chấp những cáo buộc về tham nhũng của gia đình. Hơn 35 năm trước, vào tháng 2/1986, bố của Tổng thống Marcos và vợ đã phải trốn sang Hawaii sống lưu vong sau khi bị lật đổ và mất đi sự hỗ trợ từ Mỹ.

Tại Malaysia, Thủ tướng Anwar cuối cùng cũng đã giành chiến thắng vào tháng 11, rũ bỏ danh hiệu “thủ tướng đang chờ thời” của ông. Thành công này xảy ra sau nhiều thập kỷ phải chịu bôi nhọ, bỏ tù, tranh chấp khi vị cựu Phó Thủ tướng Anwar đã thách thức các nhóm lợi ích với lời thề chống tham nhũng.

Ngành bán dẫn Đài Loan chứng tỏ tầm quan trọng

Sau chuyến thăm đảo Đài Loan của cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, căng thẳng Trung - Mỹ đã lên cao độ. Ngành công nghiệp bán dẫn của hòn đảo cũng đã chứng minh được vị thế ngày càng quan trọng.

Chip bán dẫn là trái tim của mọi thiết bị công nghệ, từ máy tính tới xe ô tô và điện thoại thông minh. Nghiên cứu của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn (SIA) và Boston Consulting Group vào năm 2021 cho thấy 92% năng lực sản xuất chip bán dẫn hiện đại nhất đang nằm tại đảo Đài Loan. 8% còn lại là ở Hàn Quốc. 

 

Mỹ đã nhanh chóng chú ý đến sự thống trị của hòn đảo này trong lĩnh vực bán dẫn, và thông qua đạo luật CHIPS vào tháng 7/2022. Washington đã bỏ ra 52 tỷ USD để hỗ trợ hoạt động sản xuất chip bán dẫn trong nước.

Đến tháng 12/2022, TSMC, nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, đã công bố kế hoạch xây dựng nhà máy tại bang Arizona. Với số vốn lên đến 40 tỷ USD, dự án này là một trong những khoản đầu tư nước ngoài lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Tình yêu của châu Á với tiền mã hóa lung lay

Vụ phá sản trị giá hàng tỷ USD của sàn giao dịch FTX đã gióng lên hồi chuông cảnh báo khắp châu Á. Tập đoàn Temasek của Singapore đã phải hứng chịu khoản thiệt hại 275 triệu USD khi đầu tư vào FTX. Phó Thủ tướng Singapore Lawrence Wong cho biết tập đoàn đã chịu “thiệt hại về mặt uy tín”. 

Trong năm 2022, hàng loạt công ty tiền mã hóa có trụ sở tại Singapore như Terraform Labs hay Three Arrows Capital đều lần lượt phá sản. Bitfront, sàn giao dịch tiền mã hóa được hỗ trợ bởi Line, một trong những doanh nghiệp truyền thông mạng xã hội lớn nhất Nhật Bản, cũng đã phải đóng cửa.

Tuy nhiên, hy vọng vẫn còn tồn tại ở châu Á và những nơi khác, rằng mùa xuân tiền điện tử sẽ đến như một phần trong nỗ lực tiến tới “nền kinh tế tài sản kỹ thuật số” và “công nghệ tài chính trong mọi lĩnh vực”.

Sri Lanka, viên ngọc (một thời) của Nam Á

Hình ảnh người dân giận dữ xông vào dinh thự của cựu Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đã khẳng định rằng 2022 là một năm tồi tệ đối với “hòn ngọc Nam Á” một thời.

Người dân Sri Lanka xông vào Phủ Tổng thống. (Ảnh: DINUKA LIYANAWATTE/Reuters).

Sri Lanka tiếp tục đối mặt với cuộc khủng hoảng sâu rộng. Nền kinh tế đổ vỡ, dự trữ ngoại hối cạn kiệt, lạm phát có lúc lên 70%, thiếu điện, nhiên liệu và lương thực thường xuyên do ảnh hưởng xung đột Ukraine, tình trạng “chảy máu chất xám” gia tăng và số lượng du khách ít ỏi. Tất cả đã vẽ lên một bức tranh ảm đạm cho quốc gia Nam Á này. 

Đến tháng 9, khoảng 200.000 người dân đã rời Sri Lanka, và hàng nghìn người khác cũng đang lên kế hoạch tương tự, nhằm tìm kiếm một tương lai tươi sáng hơn. 

Một thỏa thuận với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) có thể mang lại khoản tiền cần thiết để ổn định nền kinh tế. Tuy vậy, các cuộc đàm phán vẫn đang phức tạp do phần lớn nợ của Sri Lanka được Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản nắm giữ.

Trung Quốc và Zero COVID

Trung Quốc có thể tự hào về số ca tử vong liên quan đến COVID rất thấp. Tuy vậy, quốc gia này cũng đang phải trả giá đắt để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch. 

Đến cuối 2022, chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu nới lỏng các hạn chế Zero COVID. Tuy vậy quốc gia này đã chậm chân hơn thế giới cả năm trời trong việc mở cửa và tiến về phía trước. Đồng thời, Bắc Kinh vẫn lo ngại về tỷ lệ tiêm chủng thấp, đặc biệt ở người cao tuổi. Vì vậy, 2022 có thể coi là một năm tồi tệ với Trung Quốc.

Minh Quang

[LIVE] ĐHĐCĐ Khang Điền: Mở bán khu thấp tầng dự án liên doanh với Keppel Land từ cuối năm 2024, kinh doanh giai đoạn 1 KCN Lê Minh Xuân vào năm 2025
Theo kế hoạch năm nay, Khang Điền sẽ mở bán các sản phẩm nhà phố, biệt thự ở TP Thủ Đức và chuẩn bị đưa vào kinh doanh khu công nghiệp khi điều kiện thuận lợi.