|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Châu Á sẽ dẫn đầu nhu cầu hydro trên toàn cầu

22:30 | 17/10/2024
Chia sẻ
Châu Á sẽ chứng kiến nhu cầu về năng lượng hydro lớn nhất vào năm 2050, khi nền kinh tế toàn cầu bước vào giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ sang năng lượng tái tạo thân thiện với môi trường.

Trong bài phát biểu quan trọng tại Diễn đàn Korea Times thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc ở trung tâm Seoul ngày 16/10, đối tác liên kết tại công ty tư vấn toàn cầu McKinsey & Company, ông Kshitij Dua, cho biết châu Á sẽ chứng kiến nhu cầu về năng lượng hydro lớn nhất vào năm 2050, khi nền kinh tế toàn cầu bước vào giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ sang năng lượng tái tạo thân thiện với môi trường.

Theo ông Dua, nhu cầu hydro toàn cầu dự kiến sẽ tăng 2-4 lần vào năm 2050 và châu Á sẽ là trung tâm của nền kinh tế hydro toàn cầu, chiếm khoảng 45-55% tổng nhu cầu.

Dự báo trên nhấn mạnh sự gia tăng toàn cầu về các nguồn năng lượng tái tạo, vì ngày càng nhiều công ty và chính phủ, cả trong nước và quốc tế, đang tiến tới các sáng kiến không phát thải carbon vì sự phát triển bền vững. Ông Dua cho biết, năng lượng tái tạo được cho là sẽ chiếm phần lớn trong cơ cấu năng lượng trong tương lai, với tỷ trọng có thể tăng gấp đôi trong 20 năm tới.

Năng lượng hydro đóng vai trò trung tâm như một nguồn năng lượng tái tạo chính do bản chất là nguồn tài nguyên tuần hoàn. Đối tác của McKinsey dự kiến Hàn Quốc sẽ trở thành quốc gia dẫn đầu về tiêu thụ hydro cùng với Trung Quốc và Nhật Bản.

Ba nước này đáp ứng khoảng 60% nhu cầu về hydro ở châu Á. Hàn Quốc và Nhật Bản có thể sẽ xem hydro là nguồn năng lượng thay thế và dự kiến sẽ nằm trong số những nước nhập khẩu lớn nhất trong khu vực.

Theo báo cáo Triển vọng Năng lượng Toàn cầu 2024 của McKinsey, xét theo lĩnh vực, hóa chất sẽ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong năng lượng hydro trong 2 thập kỷ tới. Lĩnh vực này sẽ đứng đầu danh sách tiêu thụ hydro toàn cầu với 80 triệu tấn mỗi năm (mtpa) vào năm 2050.

Lọc dầu đứng thứ hai với mức khoảng 21 và 38 mtpa trong cùng kỳ. Vận tải đường bộ đứng thứ ba, tiếp theo là hàng không, đường sắt, sưởi ấm và điện.

Ông Dua đã đưa ra chương trình nghị sự lớn hơn về vai trò của năng lượng trong việc xây dựng lại bối cảnh chung của nền kinh tế toàn cầu.

Ông cho biết năng lượng liên quan đến việc định hình lại nền kinh tế, xem xét lại mức tiêu thụ, thói quen tiêu dùng và giải quyết tác động môi trường đang đe dọa tương lai. Điều này phản ánh sự chuyển đổi đang diễn ra hướng tới các nguồn năng lượng tái tạo và lượng khí thải carbon thấp.

Châu Á sẽ dẫn đầu nhu cầu hydro trên toàn cầu. (Ảnh minh họa: TTXVN).

McKinsey kỳ vọng năng lượng tái tạo và các nguồn carbon thấp sẽ trở thành nguồn năng lượng chủ đạo trong 25 năm tới. Có một loạt các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng Mặt Trời, năng lượng gió và hydro. Trong khi đó, thế giới sẽ cần một tỷ xe điện, xe chạy bằng hydro và các phương tiện vận chuyển khác.

Ông Dua cũng kêu gọi các nền kinh tế giải quyết những thách thức do quá trình chuyển đổi năng lượng đặt ra và thực hiện các bước chủ động nắm bắt kỷ nguyên năng lượng sắp tới. Ông cho biết tốc độ tăng trưởng các nguồn năng lượng carbon thấp ở mức 3-7% hiện không đủ nhanh để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

Ông cho rằng quá trình chuyển đổi không thể diễn ra với tốc độ và quy mô lớn nếu không giải quyết được vấn đề nguyên liệu thô, chuỗi cung ứng, sản xuất và diễn biến địa chính trị cho quá trình chuyển đổi năng lượng.

Năng lượng hạt nhân sẽ có thể đóng vai trò then chốt trong quá trình chuyển đổi năng lượng đang diễn ra, nhưng vẫn tồn tại nhiều thách thức do các nhà hoạch định chính sách và công chúng trong và ngoài nước đặt ra.

Bên cạnh các chính sách và thách thức về công nghệ, đối tác của McKinsey đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác với tất cả các bên quan tâm, bao gồm các bên liên quan trong ngành và chính phủ trong và ngoài nước, để cộng đồng toàn cầu có thể dễ dàng tham gia vào quá trình chuyển đổi năng lượng mới.

Ông Dua cho rằng những rào cản về kỹ thuật, tài chính và xã hội đòi hỏi sự hợp tác giữa các ngành công nghiệp, chính phủ và cộng đồng.

Trần Quang

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.