|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Chuyển dịch năng lượng để giảm phát thải: Gỡ vướng cho điện 'xanh'

11:00 | 02/09/2024
Chia sẻ
Để hiện thực hóa mục tiêu quốc gia về chuyển dịch năng lượng nhằm giảm phát thải nhưng vẫn đảm bảo an ninh năng lượng, việc gỡ vướng từ chính sách cho điện khí và điện gió ngoài khơi là rất cần thiết!

Công trường sản xuất chân đế dự án điện gió ngoài khơi của PTSC. (Ảnh: A.N/TTXVN).

Việc chuyển dịch từ năng lượng hóa thạch sang các dạng nhiên liệu xanh, sạch, thân thiện với môi trường đang là mục tiêu được các doanh nghiệp ngành dầu khí quyết liệt thực hiện để vừa đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, vừa góp phần giảm phát thải. Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu quốc gia này, việc gỡ vướng từ chính sách là rất cần thiết!

Điện “xanh” vẫn triển khai chậm

Theo Quy hoạch Điện VIII, từ nay đến năm 2030, tổng công suất bổ sung từ các dự án điện khí là 30.424 MW và điện gió ngoài khơi là 6.000 MW, chiếm khoảng 50% tổng công suất cần bổ sung. Các dự án điện xanh này có vai trò quan trọng trong việc bổ sung nguồn cho hệ thống điện quốc gia; đồng thời  giúp Việt Nam thực hiện cam kết trung hòa carbon vào năm 2050.

Đối với 23 dự án điện khí trong quy hoạch, tổng công suất các dự án được đầu tư xây dựng, đưa vào vận hành từ này đến năm 2030  là 30.424 MW, trong đó có 10 dự án sử dụng nguồn khí khai thác trong nước với tổng công suất 7.900 MW và 13 dự án sử dụng khí LNG nhập khẩu với tổng công suất khoảng 22.400 MW.

Tuy nhiên, số liệu của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho thấy, đến thời điểm hiện tại, chỉ có duy nhất Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn I (công suất 660 MW) đã đưa vào vận hành bằng dầu, sau đó sẽ sử dụng khí Lô B; dự án  nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4 (tổng công suất 1.624 MW) sử dụng khí LNG nhập khẩu từ kho cảng Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu) mới đạt 85% tiến độ. Còn 18 dự án điện khí khác vẫn đang trong quá đầu tư xây dựng, trong đó có 9 dự án sử dụng khí trong nước và 3 dự án đang lựa chọn nhà đầu tư với tổng công suất 4.500 MW.

Ký kết văn bản tại Lễ Trao thầu Gói thầu đo gió, thủy văn và khảo sát nghiên cứu địa chất, Dự án xuất khẩu năng lượng tái tạo ngoài khơi từ Việt Nam sang Singapore ngày 28/8/2024. (Ảnh: PVN).

Đối với điện gió ngoài khơi, hiện mới có 1 dự án được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ khảo sát và nghiên cứu tiền khả thi giữa Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam cùng đối tác Singapore. Ngày 28/8 vừa qua, Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC) và đối tác Sembcorp Utilities Pte. Ltd. (SCU) của Singapore đã tổ chức Lễ trao thầu Gói thầu đo gió, thủy văn và khảo sát nghiên cứu địa chất, dự án xuất khẩu năng lượng tái tạo ngoài khơi từ Việt Nam sang Singapore.

Theo ông Lê Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), đây là dấu mốc quan trọng trong việc triển khai dự án điện gió ngoài khơi của cả hai nước, từng bước hiện thực cam kết giảm phát thải ròng của Việt Nam.

Còn nhiều vướng mắc

PV GAS sở hữu hệ thống kho cảng LNG hoàn chỉnh và đầu tiên tại Việt Nam. (Ảnh: PV GAS).

Lý giải về tiến độ triển khai các dự án điện “xanh” vẫn chậm, Tiến sỹ Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam cho biết, việc điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện chưa có hướng dẫn trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt đối với các dự án đầu tư.

Bên cạnh đó, cơ chế tài chính và thu xếp vốn cho triển khai các dự án vẫn  gặp vướng mắc do vượt quy định về giới hạn tỷ lệ an toàn tín dụng 15% vốn điều lệ khi cho vay theo quy định của Luật Tổ chức tín dụng, do vốn cần thu xếp huy động cho các dự án điện lớn. Đặc biệt, hầu hết các dự án điện không thuộc đối tượng được cấp bảo lãnh Chính phủ nên việc thu xếp vốn cho các dự án dạng này mà các doanh nghiệp Nhà nước như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam),

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đang triển khai đều khó khăn. Thêm vào đó, chính sách ưu đãi cho đầu tư phát triển các dự án điện, dự án sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới theo Luật Điện lực chậm được ban hành.

Đối với dự án điện sử dụng khí LNG nhập khẩu, thị trường tiêu thụ tăng trưởng chậm so với mục tiêu trong Quy hoạch điện VIII trong khi khung pháp lý để đẩy nhanh tiến độ đàm phán và ký kết thỏa thuận về pháp lý – kinh tế - thương mại giữa các chủ thể trong chuỗi dự án liên quan đến khí LNG vẫn chưa hoàn thiện.

Cơ chế, tiêu chí để lựa chọn nhà đầu tư trong xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nhập khẩu LNG chưa có hướng dẫn cụ thể để các nhà đầu tư tham gia; Chưa có cơ chế bảo lãnh bảo đảm chuyển đổi ngoại tệ và nghĩa vụ thanh toán toán quốc tế về nhập khẩu LNG cho các dự án điện khí LNG, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam nhấn mạnh.

 

Trạm nạp LNG đã đi vào hoạt động, đảm bảo tiêu chuẩn – chất lượng – an toàn. (Ảnh: PV GAS).

Đại diện Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) cho biết, với thực tế là nguồn khí nội địa đang suy giảm sản lượng nhanh hơn dự báo, PV GAS đang tập trung đầu tư cho các dự án kho cảng LNG nhập khẩu để đảm bảo nguồn cung cho sản xuất điện và các ngành sản xuất công nghiệp khác.

Tuy nhiên, PV GAS đang gặp những khó khăn vướng mắc về cơ chế chính sách liên quan đến việc kinh doanh LNG nhập khẩu, trong đó chưa có  cơ chế bao tiêu về khối lượng, cơ chế chuyển ngang giá LNG sang giá điện và các quy định liên quan đến chi phí liên quan như cước phí gây khó khăn trong việc xác định tổng mức đầu tư, giá phát điện đầu ra cũng như làm tắc nghẽn quá trình đàm phán các thỏa thuận thương mại trong các khâu của chuỗi giá trị LNG.

Đối với điện gió ngoài khơi, việc chấp thuận chủ trương và lựa chọn nhà đầu tư trong lĩnh vực điện gió còn có nhiều vướng mắc và chưa thống nhất giữa các văn bản quản lý pháp luật hiện hành. Các Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Đất đai đều chưa quy định rõ và cụ thể về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của các cấp đối với các dự án điện gió ngoài khơi. Cung đó, hoạt động điều tra, khảo sát, thăm dò, đo đạc trên biển và giao khu vực biển để đầu tư dự án điện gió ngoài khơi chưa có hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục tại các văn bản pháp lý, chưa có khung chính sách giá, cơ chế giá.

Gỡ từ chính sách

Tiến sỹ Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam. (Ảnh: A.N/TTXVN).

Để thúc đẩy việc triển khai các dự án điện “xanh”, Tiến sỹ  Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam đã kiến sửa đổi, bổ sung đồng bộ các Bộ luật gồm: Luật Điện lực, Luật Bảo vệ môi trường (kiểm đếm phát thải khí CO2; quy định, điều kiện quy đổi khí phát thải); Luật Thuế (cơ chế thuế phí đối với đầu tư, vận hành các dự án điện khí LNG, các dự án điện gió ngoài khơi; thuế xuất khẩu điện; tiêu chuẩn phát thải và khung thuế phí mua bán khí phát thải CO2); Luật Tài nguyên môi trường Biển và Hải đảo; Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Đất đai...

Bên cạnh đó, nghiên cứu phát triển thị trường điện theo sát với mục tiêu Quy hoạch điện VIII, tập trung xây dựng đồng bộ cụm kho cảng LNG, nhà máy điện và các khu công nghiệp và nhà máy có nhu cầu sử dụng điện đủ lớn; đa dạng hóa việc đầu tư hạ tầng truyền tải điện tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, nhất là truyền tải cho các nhà máy điện khí LNG và điện gió ngoài khơi.

Đặc biệt, việc sửa đổi điều lệ tổ chức hoạt động và quy chế tài chính của các tập đoàn kinh tế nhà nước trong lĩnh vực năng lượng như Petrovietnam, EVN, TKV là rất quan trọng, trong đó chú trọng quy định về điều kiện thu xếp vốn đối với các dự án không được cấp bảo lãnh Chính phủ, cho phép các tập đoàn được thế chấp tài sản với các chủ thể trong hoạt động mua bán khí và mua bán điện trong các giao dịch trong chuỗi dự án điện LNG và các hộ tiêu thụ điện, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam chỉ rõ.

Để tháo gỡ khó khăn với dự án điện gió ngoài khơi, Tiến sỹ Ngô Đức Lâm - Chuyên gia năng lượng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cho rằng, ở Việt Nam, các doanh nghiệp có khả năng tham gia vào các dự án điện gió ngoài khơi phải là những tập đoàn, tổng công ty lớn, có kinh nghiệm và tiềm lực tài chính mạnh mẽ.

Vì vậy, hiện chỉ có Petrovietnam và EVN là đủ khả năng thực hiện thí điểm phát triển các dự án điện điện gió ngoài khơi. Đặc biệt, với kinh nghiệm làm việc ở giàn khoan dầu khí ngoài biển và tiềm lực về mặt công nghệ, Petrovietnam còn có khả năng thu xếp vốn thuận lợi hơn so với các doanh nghiệp khác. Vì vậy, việc tạo thuận lợi để Petrovietnam thí điểm triển khai dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên sẽ ít rủi ro hơn.

Tháp điện gió. (Ảnh: TTXVN).

Hiện tại, Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) - đơn vị thành viên của Petrovietnam đã chủ động thực hiện các nghiên cứu và hợp tác với các đối tác quốc tế để đánh giá các điều kiện địa chất, môi trường, hải văn của đáy biển, nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo tiên tiến để phân tích tài liệu địa chấn có độ phân giải cao và tích hợp các dữ liệu địa chất, địa kỹ thuật thành mô hình nền tích hợp làm cơ sở cho việc thiết kế nền móng, lựa chọn vị trí tối ưu để đặt các turbine điện gió ngoài khơi cũng như tuyến cáp ngầm để truyền tải điện.

Petrovietnam cũng đã nhận được nhiều đề xuất từ các tập đoàn lớn trên thế giới như Equinor, Orsted, CIP, Macquarie… để liên kết phát triển các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam. Petrovietnam đã ký kết biên bản ghi nhớ với Equinor và CIP (Đan Mạch) để nghiên cứu cơ hội phát triển điện gió ngoài khơi và các nguồn năng lượng sạch khác tại Việt Nam.

Đặc biệt, trong ba năm lại đây, PTSC – đơn vị thành viên của Petrovietnam đã trúng thầu hơn 10 dự án điện gió ngoài khơi với tổng công suất phát điện là 5,2 GW, trong đó cung cấp hầu hết các công đoạn dịch vụ cho các dự án điện gió ngoài khơi gồm khảo sát, thiết kế, mua sắm, thi công chế tạo, vận chuyển, lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng và sửa chữa.

Trước đó, ngày 26/7 vừa qua, tại cuộc họp cho ý kiến về dự thảo Đề án thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, Đề án thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi đã được đặt ra từ lâu, được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm.

Do đó, đề án phải lựa chọn những dự án cụ thể, chỉ ra những vướng mắc về pháp lý, nghiên cứu khảo sát, chính sách, thủ tục đầu tư, tài chính, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ… trong quá trình thực hiện toàn bộ dự án, từ đó đề xuất phương án thí điểm, tháo gỡ khó khăn vướng mắc.

Anh Nguyễn

'Thủ phủ công nghiệp' Bắc Giang tăng trưởng như thế nào trong 8 tháng?
Theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh, 8 tháng đầu năm, kinh tế Bắc Giang đã đạt được nhiều kết quả tích cực, một số lĩnh vực ghi nhận tăng trưởng hai con số so với cùng kỳ năm 2023, như: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 27,59%, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 23,5%, thu ngân sách tăng 58,9%...