|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Các tập đoàn điện lực, năng lượng hàng đầu Trung Quốc muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam

18:31 | 06/11/2024
Chia sẻ
Tập đoàn Hoa Điện và Tập đoàn Energy China muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực như: điện khí, điện gió, tích năng, các dự án tích hợp giao thông - năng lượng, hydro xanh...

Sáng 6/11, tại Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp lãnh đạo hai tập đoàn hàng đầu của nước này trong lĩnh vực điện, năng lượng là Tập đoàn Huadian (Hoa Điện) và Tập đoàn Kỹ thuật Năng lượng Trung Quốc (Energy China).

Tại buổi làm việc, ông Giang Nhị, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hoa Điện cho biết, tổng mức đầu tư lũy kế của tập đoàn tại Việt Nam đã vượt 2,8 tỷ USD, với tổng công suất lắp đạt là 1,5 GW.

Trong đó, Nhà máy điện Duyên Hải 2 tại Trà Vinh là dự án điện có công suất lắp đặt lớn nhất và quy mô đầu tư lớn nhất ở nước ngoài của tập đoàn; Dự án điện gió tại Đắk Lắk là dự án năng lượng tái tạo trên bờ đầu tiên được tập đoàn đầu tư tại nước ngoài.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Giang Nhị, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hoa Điện (Ảnh: VGP).

Lãnh đạo tập đoàn Hoa Điện cho biết, doanh nghiệp mong muốn tăng cường hợp tác, đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực như năng lượng gió, hydro xanh, tích trữ năng lượng (tích năng), cải tạo nâng cấp hệ thống điện, cải thiện kỹ thuật các nhà máy điện.

Song song với đó, tập đoàn này muốn thành lập trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ (R&D) tại Việt Nam nhằm cùng thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực năng lượng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất tập đoàn Hoa Điện hỗ trợ chuyển giao khoa học công nghệ, kinh nghiệm quản trị, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong tất cả các khâu của ngành điện, đồng thời tiếp tục hợp tác với Việt Nam về phân phối, mua bán điện.

Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị Hoa Điện tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Việt Nam đưa ra các ý tưởng, dự án đầu tư mới; mở rộng quy mô, đối tượng hợp tác; hình thành các trung tâm công nghiệp năng lượng gắn với các khu công nghiệp tập trung, các trung tâm chế biến, chế tạo; phát triển ngành công nghiệp chế tạo thiết bị năng lượng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Trương Đức Lương, Phó Chủ tịch Tập đoàn Energy China (Ảnh: VGP).

Trong khi đó, ông Trương Đức Lương, Phó Chủ tịch Tập đoàn Kỹ thuật Năng lượng Trung Quốc (Energy China) đề xuất mở rộng hợp tác với Việt Nam về thủy điện tích năng, xây dựng các tổ hợp tích hợp cả nhiệt điện và các dự án điện tái tạo để phát huy hiệu quả cao nhất, phát triển điện khí, điện gió ngoài khơi.

Lãnh đạo Energy China khẳng định sẵn sàng hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm truyền tải, an toàn điện, đồng thời bày tỏ mong muốn tham gia nghiên cứu và đưa ra giải pháp phát triển xanh, phát triển ít carbon tại Việt Nam.

Ngoài ra, tập đoàn cũng mong muốn hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực giao thông, đặc biệt là các dự án tích hợp giao thông - năng lượng sử dụng điện gió, điện mặt trời, các dự án đường sắt…

Với những đề xuất của Energy China, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị tập đoàn mở rộng quy mô, phạm vi, đối tượng đầu tư phát triển năng lượng tại Việt Nam, nhất là tham gia các dự án điện sạch tại Việt Nam như điện gió, điện mặt trời, điện khí LNG, điện tích năng.

Thủ tướng cũng gợi mở tập đoàn xem xét tham gia các dự án giao thông tại Việt Nam như đường bộ cao tốc thông qua các dự án hợp tác công - tư (PPP) hoặc đấu thầu thi công đường bộ, các tuyến đường sắt tiêu chuẩn, đường sắt tốc độ cao.

Hiện tại, Energy China đang triển khai 16 dự án với 12 doanh nghiệp liên danh tại Việt Nam, tổng vốn đầu tư hơn 2,2 tỷ USD, bao gồm các dự án nhà máy sản xuất nhiệt điện tại Hải Dương và điện gió tại tỉnh Ninh Thuận. Tập đoàn cũng đang tham gia các gói thầu EPC tại một số nhà máy nhiệt điện lớn như Vĩnh Tân I, Duyên Hải I, Vũng Áng I...

Đề nghị ADB hỗ trợ các trung tâm năng lượng, điện mặt trời, điện gió ngoài khơi

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Masatsugu Asakawa, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) (Ảnh: VGP).

Tại buổi tiếp ông Masatsugu Asakawa, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) diễn ra cùng ngày, Thủ tướng đề nghị ADB hỗ trợ nguồn vốn với quy mô lớn hơn, lãi suất ưu đãi, thủ tục nhanh chóng.

Thủ tướng mong muốn ADB tập trung hỗ trợ cho một số dự án lớn, mang tính chất xoay chuyển trạng thái trong các ngành mới nổi như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, Internet vận vật, các trung tâm năng lượng, điện mặt trời, điện gió ngoài khơi, hydrogen,các dự án hạ tầng chiến lược lớn...

Đồng thời, Thủ tướng đề nghị mở rộng quy mô hoạt động của ADB tại Việt Nam trong lĩnh vực tư nhân, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, hỗ trợ vốn cho khu vực tư nhân. Việt Nam sẽ xây dựng chính sách khuyến khích khối tư nhân vay vốn các đối tác như ADB.

Đánh giá cao tiềm năng phát triển của Việt Nam, ông Masatsugu Asakawa cho biết, ADB sẽ tiếp tục hỗ trợ, cung cấp nguồn vốn cho Việt Nam để thực hiện các mục tiêu phát triển, nhất là chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển hạ tầng, thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Ngoài ra, ADB sẽ hỗ trợ khu vực tư nhân của Việt Nam, phát triển các lĩnh vực mới nổi như chíp bán dẫn, công nghiệp phụ trợ, thu hút thêm nhiều nguồn vốn, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Anh My