|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Xuất khẩu khí hóa lỏng của Mỹ vượt xa lời hứa của ông Biden, những vẫn chưa đủ để cứu châu Âu

09:21 | 27/07/2022
Chia sẻ
Lượng khí đốt hóa lỏng (LNG) mà Mỹ xuất sang châu Âu trong năm 2022 dự kiến sẽ gấp ba lần lời hứa của Tổng thống Biden vào tháng 3. Tuy nhiên, khối lượng LNG này vẫn chưa đủ để bù đắp cho nguồn cung thiếu hụt từ Nga, đồng thời đang khiến thị trường năng lượng thế giới mất cân đối.

Theo Reuters, vào tháng 3, Tổng thống Joe Biden từng hứa sẽ giúp châu Âu đảm bảo nguồn cung khí hóa lỏng (LNG) thay thế cho khí đốt của Nga. Tuyên bố của ông được đón nhận với đầy sự hoài nghi.

Trên thực tế, ngành khí hóa lỏng của Mỹ đã chạm tới giới hạn. Đồng thời, thị trường toàn cầu đa phần bị chi phối bởi các hợp đồng dài hạn, quyết định khí đốt sẽ được xuất đi đâu trong trong vòng 20 năm tới. Tuy nhiên, dường như lời hứa của Tổng thống Biden đã quá khiêm tốn.

Theo phân tích của Reuters về dữ liệu xuất khẩu do Refinitiv tổng hợp, Mỹ đang trên đà vượt qua cam kết hồi tháng 3 của ông Biden về việc cung cấp thêm 15 tỷ mét khối (bcm) LNG cho châu Âu trong năm nay. Thậm chí, con số thực tế còn có thể gấp ba lần cam kết, tức khoảng 45 tỷ mét khối khí đốt.

Mỹ đã trở thành nhà xuất khẩu LNG trong năm 2022 theo dữ liệu của EIA.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, nhà sản xuất khí đốt số 1 đã trở thành nhà xuất khẩu LNG hàng đầu trong nửa đầu năm 2022. Sự gia tăng này là một tin tốt đối với Tổng thống Biden, người đang tìm cách tăng cường quan hệ năng lượng với châu Âu như một cách để chống lại ảnh hưởng của Nga. 

Nhưng do nhu cầu về khí đốt toàn cầu quá lớn, những đơn hàng sang châu Âu nhiều hơn đồng nghĩa với các quốc gia như Pakistan, Ấn Độ có thể phải đối mặt với khủng hoảng năng lương hoặc tìm đến Nga.

Dữ liệu của Refinitiv cho thấy, trong tháng 6 đầu năm 2022, Mỹ đã xuất khẩu khoảng 57 bcm LNG, trong đó 39 bcm, tương đương 68%, được chuyển sang châu Âu. Trong cả năm 2021, Mỹ chỉ vận chuyển được 34 bcm, tương đương 35% tổng xuất khẩu LNG sang châu Âu.

Lượng khí đốt Mỹ gửi đến châu Âu trong 6 tháng đầu năm 2022 nhiều hơn cả 12 tháng của 2021. Nếu xuất khẩu sang châu Âu tiếp tục với tốc độ tương tự trong nửa cuối năm 2022, tổng khối lượng tăng thêm so với năm 2021 sẽ vào khoảng 45 bcm.

Tuy nhiên, tốc độ xuất khẩu đã chậm lại vào tháng 6 sau vụ hỏa hoạn làm đóng cửa cơ sở nén khí Freeport LNG, nơi xử lý khoảng 20% lượng LNG xuất khẩu của Mỹ. Cơ sở này dự kiến sẽ không hoạt động hết công suất cho đến cuối năm.

Các nhà phân tích cho biết một thách thức khác có thể là mùa bão Đại Tây Dương cao hơn mức trung bình.

Lợi nhuận cao hơn

Các nhà phân tích cho biết, sự thay đổi bất ngờ của dòng chảy khí đốt đang xảy ra do các chủ hàng sẵn sàng trả tiền khoản phạt theo hợp đồng vì không giao hàng đến các nước như Pakistan. Thay vào đó, các lô LNG này được sang châu Âu, nơi giá cao đã bù đắp cho phí phạt hợp đồng và đem lại lợi nhuận lớn hơn.

Các nhà phân tích từng lập luận rằng mục tiêu của Tổng thống Biden trước đây là không thể đạt được. Nhưng giờ đây, ngành công nghiệp LNG, được thống trị bởi các công ty như Cheniere Energy và TotalEnergies, đã tỏ ra mềm dẻo hơn nhiều so với kỳ vọng.

Ông Henning Gloystein, Giám đốc năng lượng và khí hậu tại Eurasia Group, cho biết: “Ngành công nghiệp khí đốt đã trở nên linh hoạt hơn nhiều so với những gì hầu hết mọi người nghĩ vào 3 tháng trước”.

Bỉ hay Tây Ban Nha nhận được nhiều khí đốt hơn, trong khí đó Pakistan hay Bangladesh đang đối mặt với mất điện kéo dài.   

Tuy nhiên, các nước nghèo đang nhận được ít năng lượng hơn. Trong khi mức nhập khẩu LNG của Bỉ tăng 650% thì lượng khí đốt mà Pakistan nhận được từ Mỹ đã giảm đi 72%.

Giá khí đốt ở châu Âu cho đến nay trung bình là 34,06 USD/một triệu đơn vị nhiệt của Anh (mmBtu) vào năm 2022 so với 29,99 USD ở châu Á và 6,12 USD tại Mỹ. 

Trong khi đó, giá trung bình năm 2021 chỉ là 16,04 USD ở Châu Âu, 18 USD ở Châu Á và 3,73 USD tại Mỹ. 

Ông Ed Hirs, một nhà kinh tế năng lượng tại Đại học Houston, cho biết: “Hàng hóa sẽ đi đến nơi mà thị trường yêu cầu”.

Vẫn không đủ

Xung đột tại Ukraine đã đẩy giá năng lượng vốn đã cao lên mức kỷ lục. EU đã cam kết cắt giảm 2/3 khí đốt của Nga trong năm 2022 bằng cách tăng cường nhập khẩu từ các nước khác và sử dụng năng lượng tái tạo.

 

Bất chấp nguồn cung vượt kế hoạch từ Mỹ, EU cảm thấy bấp bênh khi bước vào mùa đông do Moscow vẫn đe dọa tiếp tục cắt thêm nguồn cung khí đốt. 

Vào giữa tháng 6, Nga đã giảm 60% công suất qua đường ống Nord Stream 1. Đến hôm 27/7, Gazprom dự kiến sẽ giảm công suất đường ống thêm 20% nữa với lý do turbine bị hỏng.

EU đã kêu gọi các nước thành viên cắt giảm sử dụng khí đốt 15% cho đến tháng 3. Tổng thống Biden và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng công bố kế hoạch thành lập một tổ công tác chuyên trách nhằm cắt giảm sự phụ thuộc của châu Âu vào nhiên liệu hóa thạch của Nga, bao gồm cả khí đốt.

Ủy ban có mục tiêu đảm bảo rằng EU có thể nhận thêm khoảng 50 bcm LNG của Mỹ cho đến ít nhất là năm 2030 và Washington đang trên đà vượt qua con số này ngay trong năm nay.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng sự dịch chuyển của hàng hóa Mỹ sẽ không kéo dài, vì giá cả ở châu Á và Nam Mỹ đang tăng lên để thu hút nhiều hàng hơn. Đồng thời, khách hàng cũng đang yêu cầu tòa án khởi kiện để buộc các doanh nghiệp LNG giao hàng theo hợp đồng.

"Thực tế tàn khốc và khắc nghiệt là châu Âu đang đẩy giá lên cao hơn phần lớn các thị trường mới nổi. Về lâu dài, xu hướng này không bền vững và hiện tại đã gây ra tình trạng thiếu hụt năng lượng ở Nam Á", ông Gloystein nói.

Minh Quang

Bậc thầy đầu tư: Michael Burry, người đàn ông ‘độc nhãn’ nhìn thấu cuộc khủng hoảng nhà đất Mỹ
Michael Burry là một thiên tài dị biệt, rất dở trong việc nói chuyện với mọi người nhưng rất giỏi phát hiện các cơ hội trong thị trường tài chính. Ông là một trong những người hiếm hoi phát hiện sớm cuộc khủng hoảng trong thị trường nhà đất Mỹ và lãi đậm từ sự kiện đó.