|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Kế hoạch ứng phó của mỗi nước châu Âu nếu Nga cắt khí đốt

15:32 | 21/07/2022
Chia sẻ
EU đã yêu cầu các nước thành viên lập kế hoạch khẩn cấp ba giai đoạn để đương đầu với sự gián đoạn nguồn cung khí đốt. Đã có 11 nước kích hoạt cấp độ khủng hoảng đầu tiên, riêng Đức đã chuyển sang giai đoạn hai.

Các đường ống thuộc một cơ sở của tuyến đường dẫn khí Nord Stream 2 ở Lubmin, Đức, tháng 3/2022. (Ảnh: Reuters). 

Liên minh châu Âu (EU) đã đặt ra kế hoạch khẩn cấp để các nước giảm 15% lượng khí đốt từ nay cho đến tháng 3/2023. EU cảnh báo rằng nếu không cắt giảm mạnh tiêu thụ và Nga ngừng cung cấp khí đốt, châu Âu có thể sẽ thiếu hụt nhiên liệu trong mùa đông.

Dự kiến Nga sẽ tiếp tục xuất khẩu khí đốt tới Đức thông qua đường ống Nord Stream 1 vào ngày 21/7, sau đợt bảo trì hàng năm. Các nguồn tin của Reuters đoán rằng trái với nỗi lo của một số chính phủ phương Tây, Nga vẫn sẽ để khí đốt chảy sang châu Âu nhưng ở mức 40% công suất tối đa.

EU có các quy định để ngăn chặn và phản ứng với sự gián đoạn của nguồn cung khí đốt. Liên minh đặt ra ba cấp độ khủng hoảng: Cảnh báo sớm, báo động và khẩn cấp. Các quốc gia thành viên được yêu cầu lập sẵn kế hoạch kiềm chế tác động của sự gián đoạn ở cả ba cấp độ khủng hoảng.

Đã có 11 nước EU kích hoạt cấp độ khủng hoảng đầu tiên, bao gồm: Áo, Croatia, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Hungary, Italy, Latvia, Hà Lan, Slovenia và Thụy Điển. Riêng Đức đã kích hoạt giai đoạn hai. Dưới đây là tóm lược các hành động của một số chính phủ châu Âu:

Áo

Nga đáp ứng khoảng 80% nhu cầu khí đốt của Áo. Quốc gia này đã kích hoạt bước đầu tiên của kế hoạch khẩn cấp ba giai đoạn. Áo sẽ lệnh cho các ngành và công ty năng lượng vận hành nhà máy chạy bằng các loại nhiên liệu khác khí đốt nếu có thể.

Bulgaria

Bulgaria nhập khẩu 90% khí đốt từ Nga. Bulgaria đã đồng ý mua khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ và thúc đẩy đàm phán với Azerbaijan để tăng cường nhập khẩu.

Cộng hòa Czech

Chính phủ nơi đây ủng hộ dự luật sẽ cho phép bộ thực hiện các biện pháp ngăn chặn tình huống khẩn cấp trong lĩnh vực sưởi ấm. Dự luật cũng có thể cho phép các nhà máy nhiệt điện than vi phạm giới hạn phát thải tiếp tục hoạt động thay vì bị đóng cửa trong năm sau. 

Đan Mạch

Cơ quan năng lượng Đan Mạch đã kích hoạt bước đầu tiên của kế hoạch nguồn cung khí đốt khẩn cấp ba giai đoạn, đồng thời kêu gọi người tiêu dùng và doanh nghiệp giảm tiêu dùng năng lượng.

Phần Lan

Phần Lan và các nước Baltic (Litva, Latvia, Estonia) sẽ hoãn hoạt động bảo trì vào mùa hè trên một đường ống lớn để giúp đảm bảo nguồn cung.

Pháp

Pháp đang lập kế hoạch dự phòng cho trường hợp Nga cắt đứt nguồn cung khí đốt. Giới lãnh đạo cấp cao của các công ty năng lượng đang kêu gọi khách hàng cá nhân và doanh nghiệp giảm bớt tiêu thụ. So với các nước láng giềng, Pháp ít phụ thuộc vào khí đốt của Nga hơn. Khoảng 17% khí đốt nước này tiêu thụ được nhập khẩu từ Nga.

Đức

Đức phụ thuộc vào Nga để đáp ứng 55% nhu cầu khí đốt. Đức đã bước vào giai đoạn hai của chương trình khí đốt khẩn cấp ba giai đoạn.

“Giai đoạn báo động” được kích hoạt khi chính phủ nhận thấy rủi ro cao của nguồn cung khí đốt dài hạn. Theo kế hoạch, Đức sẽ cung cấp hạn mức tín dụng 15 tỷ euro (15,8 tỷ USD) để lấp đầy các cơ sở dự trữ khí đốt. Một mô hình đấu giá khí đốt sẽ được triển khai trong hè này để khuyến khích người tiêu dùng khí đốt công nghiệp tiết kiệm.

Hy Lạp

Hy Lạp chủ yếu sử dụng khí đốt để tạo năng lượng. Theo kế hoạch dự phòng, Hy Lạp sẽ nhập thêm khí hóa lỏng (LNG) và chuyển 4 nhà máy chạy bằng khí đốt sang dầu diesel. Nước này cũng sẽ tăng cường khai thác than trong hai năm tới như một biện pháp tạm thời. Một đường ống dẫn khí bị trì hoãn từ lâu giữa Hy Lạp và Bulgaria đã được hoàn thành và có thể bắt đầu hoạt động thương mại trong tháng này.

Italy

Italy, nước nhập khẩu khoảng 40% khí đốt cần thiết từ Nga, cũng đã kích hoạch bước đầu tiên của kế hoạch khẩn cấp. Một quan chức tiết lộ với Reuters rằng Algeria sẽ cung cấp cho Italy thêm 4 tỷ m3 khí đốt trong năm nay bên cạnh 21 tỷ m3 đã được lên kế hoạch từ trước.

Hà Lan

Hà Lan đã kích hoạch giai đoạn cảnh báo sớm của kế hoạch năng lượng khẩn cấp và nâng giới hạn sản xuất của các nhà máy nhiệt điệt than. Nước này nhập khẩu 15% khí đốt từ Nga. Mỏ khí Groningen cũng có thể được sử dụng để cung cấp cho các nước láng giềng nhưng việc gia tăng sản lượng có thể gây nguy cơ động đất.

Ba Lan

Ba Lan không có kế hoạch bắt đầu quy trình khẩn cấp 12 bước sẽ yêu cầu người dân tiết kiệm khí đốt. Đường ống Baltic nối liền Ba Lan và Na Uy sẽ được lấp đầy với công suất 10 tỷ m3 vào năm 2023.

Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha

Cả hai nước đều không coi Nga là một trong những nhà cung cấp chính. Phát ngôn viên của chính phủ Bồ Đào Nha cho biết cảng Sines của nước này đã sẵn sàng để bắt đầu vận chuyển LNG tới các quốc gia châu Âu khác.

Thụy Điển

Thụy Điển cũng đã kích hoạt giai đoạn đầu tiên của kế hoạch khẩn cấp.

Thụy Sỹ

Một quan chức chính phủ cấp cao cho biết Thụy Sĩ có thể luân phiên cắt điện 4 giờ giữa các khu vực nếu khủng hoảng năng lượng châu Âu gây ra tình trạng thiếu hụt năng lượng vào mùa đông.

 

Giang