|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Hà cớ gì một nhà máy ở Mỹ bị cháy lại gây xáo trộn cả châu Âu?

22:00 | 20/07/2022
Chia sẻ
Vụ cháy nổ tại nhà máy chế biến khí hoá lỏng Freeport của Mỹ đã gián tiếp khiến cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu càng thêm trầm trọng.

Nổ ở Mỹ, gây chấn động ở châu Âu

Đầu tháng 6 vừa qua, một vụ nổ đã khiến Freeport - một trong các cơ sở sản xuất khí hoá lỏng (LNG) lớn nhất tại Mỹ, phải tạm dừng hoạt động. Vụ nổ đã tạo ra một quả cầu lửa cao hơn 137 m và xảy ra tại một khu vực đã được kiểm tra chỉ hai tuần trước đó.

Theo báo cáo mới nhất từ các nhà điều tra, vào buổi sáng xảy ra vụ việc, các nhà thầu đang thực hiện công việc bảo dưỡng tại một bể chứa gần đó đã nghe thấy những âm thanh khác lạ. Dù vậy, cuộc điều tra không phát hiện dấu hiệu bất thường nào.

Khói bốc lên từ nhà máy Freeport tại Texas, ngày 8/6. (Ảnh: Reuters).

Reuters cho biết, vụ nổ xảy ra dọc theo một đoạn đường ống dài hơn 200 m, nơi khí đốt bị kẹt lại, tích tụ áp lực và gây cháy. Quả cầu lửa kéo dài trong 5 - 7 giây, trong khi ngọn lửa bùng lên trong hơn 30 phút.

Vụ việc không gây thương tích về người. Tuy nhiên, Freeport ước tính 1,6 triệu feet khối khí hoá lỏng (tương đương hơn 45.000 m3) đã bốc cháy. Trong một tuyên bố, Freeport lên kế hoạch sẽ khởi động lại một phần hoạt động của nhà máy vào tháng 10.

Sự cố trên đã gây gián đoạn nghiêm trọng dòng chảy khí đốt xuất từ Mỹ sang châu Âu, ngay tại thời điểm quan trọng đối với người tiêu dùng của lục địa già, khi mà họ phải đối mặt với nguy cơ mất nguồn cung từ Nga bất cứ lúc nào.

Khởi đầu của mối nguy

Giá khí đốt tại châu Âu đã tăng cao hơn kể từ khi nhà máy của Freeport gặp hoả hoạn. Các nhà giao dịch lo ngại các đơn hàng bị mất từ Mỹ sẽ gây căng thẳng cho một thị trường vốn đã phải vật lộn với nguồn cung sụt giảm từ Nga.

Sau khi Nga động binh với Ukraine, các khách hàng châu Âu đã dần tẩy chay khí đốt của Nga, khiến lượng khí đốt giao dịch trên thị trường trở nên eo hẹp ngay trước thềm mùa đông lạnh giá. Nhu cầu hồi sinh ở Trung Quốc càng khiến thị trường bị kéo căng.

Ông Alex Munton, Giám đốc phụ trách mảng khí đốt và LNG toàn cầu của hãng nghiên cứu Rapidan Energy, đánh giá: “Đây là một đợt ngừng sản xuất lớn tại một cơ sở của Mỹ”.

Theo vị chuyên gia, Freeport vận chuyển khoảng 4 chuyến hàng mỗi tuần và việc ngừng hoạt động trong ba tuần đã khiến thị trường bị mất ít nhất 1 triệu tấn LNG.

“Tức là, thị trường đang thiếu hụt nguồn cung. Cuộc cạnh tranh để mua khí hoá lỏng giao ngay sẽ kéo giá LNG toàn cầu tăng cao hơn nữa”, ông Munton cảnh báo.

 

Trong phiên 19/7, giá khí đốt tiêu chuẩn tại châu Âu đạt khoảng 164 euro/mWh (tương đương 167 USD/mWh), tăng gần 4% so với phiên trước đó. Đợt nắng nóng kỷ lục ở châu Âu càng khiến giá khí đốt leo thang hơn nữa do nhu cầu làm mát của người dân tăng cao.

Một thương nhân chia sẻ với Bloomberg rằng nếu sự cố của Freeport chỉ gây ảnh hưởng trong ngắn hạn thì hậu quả sẽ không nghiêm trọng, nhưng nếu kéo dài thì khả năng châu Âu có thể xoay xở để “cai nghiện” khí đốt tự nhiên của Nga càng thấp.

Trong một báo cáo, các nhà phân tích tại hãng tư vấn ICIS cho biết 68% lượng khí LNG xuất khẩu của Freeport trong ba tháng qua là tới Liên minh châu Âu (EU) và Anh.

Freeport hiện chiếm khoảng 20% công suất chế biến khí LNG của Mỹ. Cơ sở này có thể xử lý tới 2,1 tỷ feet khối khí tự nhiên mỗi ngày và ở mức công suất tối đa có thể xuất khẩu 15 triệu tấn khí hoá lỏng mỗi năm.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) ước tính, xuất khẩu khí hoá lỏng của nước này có thể sụt khoảng 6% trong nửa cuối năm so với nửa đầu năm do sự cố ngừng hoạt động tại Freeport.

Mặt khác, dòng chảy khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 của Nga đến châu Âu đã bắt đầu giảm đáng kể trong những tuần gần đây. Điều này xảy ra sau khi Gazprom cảnh báo rằng dòng chảy có thể giảm tới 40% do tuabin bảo trì tại Canada về chậm vì các lệnh trừng phạt của phương Tây lên Nga.

Đường ống Nord Stream 1 là nguồn cung cấp khí đốt lớn nhất từ Nga đến châu Âu, chiếm khoảng 40% tổng lượng khí qua đường ống của xứ sở Bạch Dương đến lục địa già. Do đó, các động thái gần đây của Gazprom đang đặt châu Âu vào thế bấp bênh hơn, đặc biệt là sau khi nhà máy Freeport của Mỹ gặp sự cố.

Khả Nhân