|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Lãnh đạo châu Âu vật lộn trong cơn bão chính trị từ cuộc xung đột Ukraine

11:37 | 21/07/2022
Chia sẻ
Châu Âu đang phải đối mặt với một cơn bão chính trị chưa từng có khi lạm phát tăng cao cùng với nguy cơ về một mùa đông thiếu khí đốt đã khiến nhiều chính phủ rơi vào khủng hoảng trầm trọng.

Lãnh đạo châu Âu mất ghế

Theo The Guardian, những nỗ lực tuyệt vọng ở Italy nhằm ngăn chặn sự sụp đổ của chính phủ Thủ tướng Mario Draghi chỉ là cơn bão chính trị mới nhất tại châu Âu. 

Bộ trưởng Ngoại giao Italy, ông Luigi di Maio, nói hàm ý rằng Điện Kremlin sẽ nâng ly uống mừng sự sụp đổ của một chính phủ phương Tây nếu Tổng thống Draghi không vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm vào hôm 20/7.

Ông Ferruccio Resta, chủ tịch Hội nghị các trường đại học Italy, cho biết: “Một con thuyền không có bánh lái sẽ trôi dạt vào bờ biển”. Phần lớn các chính phủ châu Âu đang chịu áp lực ngày càng lớn do cuộc xung đột Ukraine.

Bức ảnh các nhà lãnh đạo G7 chụp tại Đức hồi tháng 6. Thủ tướng Mario Draghi (ngoài cùng bên trái) vừa đề nghị từ chức vào tuần trước nhưng đã bị Tổng thống Italy bác bỏ. Trong khi đó, Thủ tướng Boris Johnson (thứ 5 từ bên trái) đã phải từ chức sau nhiều bê bối lớn. (Ảnh: AFP).

Câu chuyện về cuộc nổi dậy chống lại các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga dường như đang đi đúng theo những tuyên bố của Tổng thống Putin về việc thời gian và kinh tế đang đứng về phía Moscow.

Đối với các chính trị gia, giá nhiên liệu tăng cao là tác nhân gây ra nhiều cú sốc kinh tế vĩ mô nhất. Giá cao sẽ thúc đẩy lạm phát và kìm hãm sự tăng trưởng kinh tế.

Đại diện Cấp cao Liên minh châu Âu về Chính sách Đối ngoại và An ninh, ông Josep Borrell, đã giận dữ và phản bác rằng không có bất cứ bằng chứng nào chỉ ra việc giá cả tăng cao là do các lệnh trừng phạt của EU.

Ông Borrell nói về những người chỉ trích các lệnh trừng phạt của EU: “Họ không có mắt sao? Họ không nhìn vào đồ thị? Họ không xem xét các số liệu hoặc sự kiện?”.

 

Tại Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron đã bị suy yếu do mất đa số ghế trong nghị viện vào tay các Đảng có thiện cảm với Điện Kremlin. Ở Tây Ban Nha, Đảng Xã hội, đối mặt với cuộc bầu cử vào năm tới, vừa mất quyền lực tại khu vực đông dân nhất là Andalusia.

Đảng Nhân dân trung hữu đã đạt được mức ủng hộ kỷ lục mới là 36,3% trong cuộc thăm dò gần đây của GAD3, kết quả tốt nhất kể từ tháng 4/2017. Nếu được lặp lại trong một cuộc bầu cử, con số này sẽ là kết quả tốt nhất kể từ năm 2011.

Tại Estonia, bà Kaja Kallas, vị Thủ tướng có tư tưởng bài xích Moscow kịch liệt, vẫn may mắn giữ được ghế. Vào tuần trước, chính phủ liên minh tiền nhiệm của bà rơi vào một cuộc tranh chấp liên quan đến tỷ lệ lạm phát 19%, đứng đầu trong 19 quốc gia khu vực đồng EUR. Giá điện ở Estonia đang ở mức cao kỷ lục, trung bình 300 EUR cho mỗi megawatt giờ vào tuần trước.

Bà Kallas đã khéo léo tái thiết lại chính phủ, nhưng trả giá bằng chi phí đối với ngân sách Estonia và sự tín nhiệm của mình. Nếu nền kinh tế không được cải thiện vào thời điểm bầu cử tháng 3/2023, bà có thể gặp rắc rối. 

Tại Ba Lan, Đảng PiS đang lo lắng về thất bại bầu cử vào mùa thu tới, ngay cả khi phe đối lập vẫn ủng hộ Ukraine. Ở Bulgaria, một chính phủ thân phương Tây đã sụp đổ. Và, tất nhiên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vừa tỏ ra thất vọng khi Thủ tướng Boris Johnson phải từ chức hồi đầu tháng 7.

Chính trị gia được nhân dân ủng hộ nhiều nhất hiện nay tại châu Âu có lẽ là ông Vicktor Orbán, Thủ tướng Hungary và cũng là đồng minh thân cận nhất của Moscow tại EU.

Trong một bài phát biểu gần đây, ông Orbán cho biết ban đầu các chính trị gia châu Âu chỉ "tự bắn vào chân mình", nhưng bây giờ rõ ràng các lệnh trừng phạt Nga là "phát súng tự bắn vào phổi", khiến nền kinh tế châu Âu phải lê mình để tìm dưỡng khí khắp mọi nơi.

Tình hình có thể xấu đi

Vào hôm 20/7, ngoài vấn đề đối với sự sống còn của chính phủ Italy, EU sẽ phải quyết định xem liệu các thành viên có thể đồng ý về một cơ chế đoàn kết hay không nếu nguồn cung khí đốt của Nga cạn kiệt vào mùa đông này.

Ý định của Tổng thống Putin trên mặt trận năng lượng sẽ trở nên rõ ràng vào ngày 21/7 khi Gazprom quyết định có tiếp tục cung cấp cho châu Âu sau thời gian nghỉ bảo dưỡng đường ống Nord Stream 1 hay không.

Đã có những dấu hiệu đáng ngại. Trong một bức thư riêng gửi khách hàng, Gazprom đã cho biết không thể đảm bảo nguồn cung cấp khí đốt và tuyên bố trường hợp này là “bất khả kháng”.

Một số nước châu Âu phụ thuộc lớn vào khí đốt từ Nga. (Ảnh: The Guardian).

Bộ trưởng Kinh tế Đức, ông Robert Habeck, mô tả chiến thuật của Tổng thống Putin là một cuộc tấn công vào nước Đức có khả năng gây ra thảm họa.

Ông Klaus Müller, Giám đốc cơ quan quản lý năng lượng của Đức, cho biết giá khí đốt cho người tiêu dùng có thể tăng gấp ba lần vào năm 2023. Ông cho rằng những khách hàng hiện đang trả 1.500 EUR mỗi năm cho khí đốt sẽ phải trả 4.500 EUR và hơn thế nữa trong tương lai.

Ông Thomas Matussek, cựu đại sứ Đức tại London, nói: “Nếu các cú sốc kéo đến dồn dập, Đức có thể đang bước vào cuộc khủng hoảng kinh tế lớn nhất từng trải qua kể từ khi Thế chiến II kết thúc”.

Bất chấp đợt nắng nóng hiện tại, ông Matussek đã đúng khi nói rằng mùa đông đã đến và vấn đề quan trọng sẽ là mức dự trữ khí đốt của châu Âu cho mùa đông năm nay. 

Sức ảnh hưởng của Tổng thống Putin sẽ đạt mức tối đa khi kiểm soát được Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu và vẫn phụ thuộc vào Nga đến 1/3 lượng khí đốt trong mùa đông.

Không giống như lần bảo trì định kỳ trước đó, Gazprom đã không tăng cường cung cấp khí đốt qua các đường ống của Ukraine. Do đó, xuất khẩu khí đốt từ Nga sang châu Âu hiện bằng khoảng 1/4 so với bình thường. Một cuộc so găng lớn giữa Đức và Nga có thể xuất hiện.

Một số quốc gia đã gần lấp đầy kho khí đốt của mình. (Ảnh: Minh Quang).

Một số quốc gia đang chuẩn bị khá tốt. Chẳng hạn, Italy đã lấp đầy hơn 65% công suất lưu trữ khí đốt và đang trên đà đạt được mục tiêu 90% vào tháng 10, Bộ trưởng Chuyển đổi sinh thái Roberto Cingolani tuyên bố.

Nga đã ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan, Bulgaria, Phần Lan và Hà Lan, đồng thời hạn chế nguồn cung cho 8 nước khác. Công ty Enagas cho biết người Tây Ban Nha không có gì phải lo sợ trước sự cắt giảm của Nga vì nước này có thể tiếp cận khí đốt từ những nơi khác.

Nga chỉ có một cơ hội

Moscow có thể sẽ bất chấp tất cả để tung đòn hạ gục quyết tâm của EU trong mùa đông này bằng cách tắt nguồn điện ở nhiều quốc gia châu Âu nhất có thể.

Tổng thống Putin sẽ chỉ có một cơ hội duy nhất. Nếu Nga thất bại và dự trữ của châu Âu đủ lớn để tồn tại đến mùa hè năm sau, phương Tây sẽ có cơ hội thoát khỏi sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Moscow sẽ vĩnh viễn mất đi nguồn thu nhập chính và thị trường xuất khẩu khí đốt lớn nhất.

Bà Fiona Hill, cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, cho rằng có những rủi ro chính trị đối với Moscow, đặc biệt là vào năm 2024 khi Tổng thống Putin tìm cách gia hạn nhiệm kỳ.

Bà cho biết ông Putin “muốn giải quyết xung đột này. Tổng thống Nga muốn có vẻ hợp pháp. Ông ấy muốn châu Âu cảm thấy không còn thời gian - và Nga là người đang cầm chiếc đồng hồ kêu tíc tắc”.

Minh Quang

NHNN tiếp tục duy trì lãi suất tiền gửi USD 0%/năm, lãi suất VND dưới 6 tháng tối đa 4,75%/năm
Ngày 1/11, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các quyết định quy định về lãi suất tiền gửi VND và USD. Các quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 20/11/2024.