Đồng minh chậm chi tiền, Ukraine chịu áp lực tài chính khổng lồ
Theo Finacial Times, Bộ Tài chính Mỹ cảnh báo các biện pháp khẩn cấp như in tiền đang được Kiev sử dụng có thể ảnh hưởng đến khả năng cung cấp các dịch vụ công trong tương lai. Đồng thời Washington cũng nhấn mạnh việc đồng minh cần đáp ứng các cam kết cung cấp hàng chục tỷ USD viện trợ và vay giá rẻ càng nhanh càng tốt.
Các bộ trưởng tài chính EU họp tại Brussels vào hôm 12/7 đã nhất trí một về một khoản vay khẩn cấp trị giá 1 tỷ Euro cho Ukraine, nhưng đang gặp khó khăn để đạt được thỏa thuận về một gói hỗ trợ lớn hơn.
Ông Valdis Dombrovskis, Phó chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu, cho biết Ukraine đang có “nhu cầu tài chính ngắn hạn lớn” và phương Tây cần phải làm việc nhiều hơn để đáp ứng. Ông kêu gọi các nước thành viên EU cung cấp bảo đảm tài chính đủ để Ủy ban chuyển gói 9 tỷ EUR theo kế hoạch cho Kiev.
Cuộc khủng hoảng ngân sách của Ukraine đã trở nên trầm trọng vì nguồn thu từ thuế trong nước cũng như thuế xuất nhập khẩu đều sụt giảm khi xung đột bắt đầu, cùng với đó là chiến phí tăng cao.
Việc ngừng xuất khẩu ngũ cốc và thép đã tước đi nguồn thu ngoại tệ của Kiev. Ukraine đang buộc phải dùng đến dữ trữ ngoại hối của mình với tốc độ ngày một nhanh, khi Ngân hàng trung ương mua trái phiếu chính phủ để bù đắp cho thâm hụt tài chính.
G7 và EU đã công bố các cam kết tài trợ chính thức cho Ukraine trị giá 29,6 tỷ USD. Tuy nhiên theo ngân hàng đầu tư Dragon Capital có trụ sở tại Kiev, đồng minh của Ukraine và các tổ chức tài chính quốc tế cho đến nay mới giải ngân được 12,7 tỷ USD.
Các nhà lãnh đạo EU vào tháng 5 đã cam kết hỗ trợ thêm lên tới 9 tỷ EUR, bên cạnh khoản vay khẩn cấp 1,2 tỷ EUR trước đó.
Tuy nhiên, hiện Liên minh châu Âu vẫn đang đàm phán về cách cấu trúc khoản hỗ trợ tài chính trên. Các quan chức cảnh báo gói hỗ trợ đầy đủ của EU khó có thể được thông qua trước kỳ nghỉ tháng 8.
Các nhà ngoại giao nói rằng Đức đã đặt câu hỏi về ý tưởng cung cấp tất cả khoản hỗ trợ dưới hình thức cho vay. Berlin đã đóng góp hỗ trợ song phương 1 tỷ EUR cho Ukraine và vào hôm 12/7 cũng đồng ý với khoản vay bổ sung 1 tỷ EUR của EU.
Bộ Tài chính Đức cho biết Ủy ban sẽ đưa ra một đề xuất mới để đạt được 9 tỷ EUR và sẽ được các thành viên đánh giá nhanh nhất có thể. Bộ cũng tuyên bố: “Cùng với các đối tác quốc tế, chúng tôi luôn sát cánh bên Ukraine”.
Ông Oleg Ustenko, cố vấn kinh tế của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy, cho biết quốc gia này hiện cần 9 tỷ USD mỗi tháng từ đồng minh phương Tây để bù đắp sự thiếu hụt ngân sách, gần gấp đôi so với yêu cầu trước đó.
Bộ Tài chính Ukraine vẫn cho rằng Kiev đang thiếu hụt khoảng 5 tỷ USD mỗi tháng. Nhưng thậm chí con số này vẫn lớn hơn nhiều so với những gì mà phương Tây đã viện trợ cho đến nay.
Ông Ustenko cho rằng Ukraine cần thêm 4 tỷ USD mỗi tháng trong ba tháng tới để trang trải chi phí chỗ ở khẩn cấp và sửa chữa nhà ở cho hàng triệu người, đồng thời tài trợ thu nhập cơ bản tối thiểu cho những người bị mất việc làm.
“Ukraine sẽ cố gắng để duy trì trong mọi trường hợp, nhưng nếu không có sự hỗ trợ tài chính từ các đồng minh phương Tây thì mọi chuyện sẽ không chỉ là khó khăn mà còn là không tưởng”.
Khó khăn lan rộng
Căng thẳng tài chính đang lan rộng ra nhiều lĩnh vực. Vào hôm 12/7, Naftogaz, công ty năng lượng thuộc sở hữu nhà nước Ukraine, đã yêu cầu những người nắm giữ 1,5 tỷ USD trái phiếu của mình chấp nhận trì hoãn thanh toán.
Công ty này cho biết đang cần đảm bảo nguồn tiền để mua khí đốt. Naftogaz có thể là doanh nghiệp nhà nước đầu tiên của Ukraine vỡ nợ kể từ khi xung đột bắt đầu.
Động thái của Naftogaz có thể báo hiệu sự thay đổi cách tiếp cận của chính phủ Ukraine đối với các trái chủ nước ngoài. Cho đến nay, Kiev vẫn từ chối giãn nợ, và cho rằng phải ưu tiên giữ niềm tin với nhà đầu tư nước ngoài.
Tuần trước, Ngân hàng trung ương Ukraine cho biết đã sử dụng hết 2,3 tỷ USD hay 9,3% dự trữ ngoại hối chỉ trong tháng 6.
Ngân hàng trung ương Ukraine đã mua lô trái phiếu chính phủ trị giá 3,6 tỷ USD vào tháng trước, cao hơn gấp đôi so với mức 1,7 tỷ USD hồi tháng 4 và tháng 5. Hiện Kiev vẫn có đủ dự trữ để trang trải cho ba tháng nhập khẩu nữa.
Ngày 12/7, Mỹ đã công bố thêm khoản hỗ trợ kinh tế trực tiếp trị giá 1,7 tỷ USD cho chính phủ Ukraine. “Khoản viện trợ này sẽ giúp chính phủ Ukraine cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho người dân” Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen tuyên bố.
Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) và Bộ Tài chính đã hỗ trợ ngân sách trực tiếp 4 tỷ USD cho chính phủ Ukraine, đạt một nửa những gì đã cam kết.