Bức thư của Gazprom làm dấy lên lo ngại về khủng hoảng năng lượng tại châu Âu
Bức thư của Gazprom
Theo Reuters, trong bức thư ngày gửi ngày 14/7, Gazprom đã tuyên bố tình trạng bất khả kháng đối với nguồn cung khí đốt hồi tố từ ngày 14/6. Tin tức được đưa ra khi Nord Stream 1, đường ống quan trọng cung cấp khí đốt của Nga đến Đức đang trải qua 10 ngày bảo trì định kỳ hàng năm, dự kiến kết thúc vào hôm 21/7.
Bức thư làm dấy lên lo ngại tại châu Âu rằng Moscow có thể không khởi động lại đường ống sau khi quá trình bảo trì hoàn tất để trả đũa các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga do cuộc xung đột Ukraine. Nếu nỗi sợ này trở thành hiện thực, cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ trầm trọng thêm và có nguy cơ đẩy khu vực vào suy thoái.
Điều khoản bất khả kháng thường xuất hiện trong các hợp đồng kinh doanh nhằm xác định các trường hợp bất thường có thể giúp giải phóng một bên khỏi các nghĩa vụ pháp lý của mình.
Tuyên bố không nhất thiết có nghĩa là Gazprom sẽ ngừng giao hàng mà chỉ có nghĩa là gã khổng lồ khí đốt Nga sẽ không phải chịu trách nhiệm nếu không đáp ứng các điều khoản hợp đồng.
Trong vài tháng nay, nguồn cung khí đốt của Nga thông qua các tuyến đường chính, bao gồm cả qua Ukraine và Belarus cũng như thông qua đường ống Nord Stream 1 dưới Biển Baltic, đã sụt giảm. Một nguồn giấu tên cho hay tuyên bố bất khả kháng của Gazprom liên quan đến đường ống Nord Stream 1.
Ông Hans van Cleef, nhà kinh tế năng lượng cao cấp tại ABN Amro cho biết: “Bức thư có vẻ như là một gợi ý đầu tiên về việc nguồn cung khí đốt qua Nord Stream 1 có thể sẽ không tiếp tục sau khi kết thúc 10 ngày bảo trì”.
Ông nói thêm: “Tùy thuộc vào những trường hợp ‘bất thường’ nào được dùng làm lý do để tuyên bố điều kiện bất khả kháng và vấn đề mang tính kỹ thuật hay chính trị, hành động này có thể là bước leo thang tiếp theo giữa Nga và Châu Âu/Đức”.
Uniper, nhà nhập khẩu khí đốt Nga lớn nhất của Đức, là một trong những khách hàng đã nhận được một lá thư "bất khả kháng". Công ty này chính thức bác bỏ những tuyên bố của Gazprom là vô lý.
RWE, nhà sản xuất điện lớn nhất của Đức và là nhà nhập khẩu khí đốt khác của Nga, cũng tuyên bố đã nhận được thông báo bất khả kháng. "Vui lòng hiểu rằng RWE không thể bình luận về các chi tiết của lá thư hoặc ý kiến pháp lý của mình", công ty cho biết.
Turbine không phải là lý do
Gazprom cắt giảm công suất của Nord Stream 1 xuống còn 40% vào hôm 14/6, trùng với thời điểm tuyên bố bắt bắt đầu sự kiện bất khả kháng trong bức thư.
Gazprom đổ lỗi cho các lệnh trừng phạt cho việc cắt giảm đó, với lý do nhà cung cấp thiết bị Siemens Energy chậm trả lại turbine khí sau khi bảo trì ở Canada.
Tờ Kommersant đưa tin hôm 18/7 cho biết, Canada đã gửi turbine đến Đức bằng máy bay vào ngày 17/7 sau khi công việc sửa chữa hoàn tất. Sẽ mất 5 đến 7 ngày nữa để turbine tới Nga với điều kiện không có vấn đề gì về hậu cần và hải quan. Hôm 18/7, Bộ Kinh tế Đức cho biết không thể cung cấp thông tin chi tiết về vị trí hiện tại của turbine.
Một phát ngôn viên của Bộ Kinh tế cho biết theo kế hoạch, turbine sẽ chỉ được sử dụng kể từ tháng 9, có nghĩa là sự vắng mặt của bộ phận này không thể là lý do thực sự dẫn đến việc dòng khí đốt bị cắt giảm trước khi bảo trì.
Tuy nhiên, Tập đoàn dầu khí Áo OMV cho biết họ dự kiến việc cung cấp khí đốt từ Nga qua đường ống Nord Stream 1 sẽ tiếp tục như kế hoạch sau khi phải tạm ngừng 10 ngày.
Ông Zongqiang Luo, nhà phân tích khí đốt tại công ty tư vấn Rystad Energy cho biết: “Hiện chưa rõ động cơ của Gazprom là gì, nhưng tuyên bố sẽ không có tác động đáng kể đến bối cảnh hiện tại”.
Liên minh châu Âu đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Moscow và đặt mục tiêu ngừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch của nước này vào năm 2027. Tuy nhiên, EU vẫn muốn nguồn cung được tiếp tục trong khi khối tìm giải pháp thay thế.
Người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết: “Nga tiếp tục sử dụng khí đốt như một vũ khí chính trị và kinh tế”, đồng thời khẳng định rằng chính quyền Biden vẫn đang làm việc để giúp châu Âu giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga.
"Việc Nga ngừng dòng chảy khí đốt đã gây áp lực lên thị trường, tăng giá cho người tiêu dùng và đe dọa an ninh năng lượng toàn cầu", ông nói.
Đối với Moscow và đối với Gazprom, các dòng năng lượng là một nguồn thu quan trọng khi các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với chiến dịch quân sự tại Ukraine đã gây áp lực lên hệ thống tài chính của Nga.
Theo Bộ Tài chính Nga, ngân sách liên bang đã thu được 6.400 tỷ ruble (114,29 tỷ USD) từ việc bán dầu và khí đốt trong nửa đầu năm. Con số này tương đương 2/3 mục tiêu cả năm là 9.500 tỷ ruble.
Thời gian ân hạn đối với các khoản thanh toán cho hai trái phiếu quốc tế của Gazprom sẽ kết thúc vào ngày 19/7. Nếu các chủ nợ nước ngoài không được thanh toán thì về mặt kỹ thuật, công ty sẽ vỡ nợ.