Giá nguyên vật liệu giảm báo hiệu một cuộc suy thoái?
Cuộc xung đột tại Ukraine đã làm tắc nghẽn dòng chảy nguyên liệu thô vốn đã bị hạn chế bởi những khó khăn về hậu cần, thời tiết xấu và những gián đoạn khác. Kết quả là giá cả hàng hóa tăng vọt. Hồi tháng Ba, giá dầu Brent chạm mức 128 USD/thùng và giá khí đốt ở châu Âu tăng cao gấp 3 lần so với 2 tháng trước đó.
Kim loại đồng đạt mức giá kỷ lục 10.845 USD/tấn. Giá lúa mỳ, ngô và đậu tương tăng ở mức hai con số. Lạm phát giá tiêu dùng tăng vọt ảnh hưởng đến uy tín của các ngân hàng trung ương và tạo lý do để tăng lãi suất.
Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, “gió đã đổi chiều”. Dầu thô đang giao dịch ở mức khoảng 100 USD/thùng. Kim loại đồng đã giảm xuống dưới 8.000 USD/tấn lần đầu tiên sau 18 tháng. Các kim loại nói chung đã giảm 10-40% so với tháng Năm.
Giá nông sản đã trở lại mức trước khi xảy ra xung đột Ukraine. Dù giá khí đốt tại châu Âu tiếp tục tăng do Nga cắt giảm nguồn cung, nhưng sự giảm giá hàng hóa nói chung làm dấy lên hy vọng rằng lạm phát sẽ sớm bị "đánh bại". Tuy nhiên, theo tờ The Economist của Anh, nếu lạm phát có được kiểm soát thì chiến thắng này cũng có thể là vô nghĩa.
Một lời giải thích cho việc giá nguyên liệu giảm là do những lo lắng về nguy cơ xảy ra một cuộc suy thoái đang ngày càng hiện hữu. Theo quan điểm này, lãi suất tăng đang làm hạ nhiệt thị trường mua bán nhà mới, làm giảm nhu cầu đối với vật liệu xây dựng như đồng và gỗ, đồng thời giảm chi tiêu cho những thứ như quần áo, thiết bị và ô tô, từ đó làm tổn hại đến mọi thứ từ nhôm đến kẽm.
Hơn nữa, một số hạn chế về nguồn cung góp phần làm tăng giá hồi đầu năm đã giảm bớt - ví dụ như thời tiết ở các vùng trồng ngũ cốc đã được cải thiện. Đồng thời, Liên hợp quốc cũng đang cố gắng giải quyết tình trạng lúa mỳ bị phong tỏa không vận chuyển được ra khỏi Ukraine.
Đối với các ngân hàng trung ương, đây là một tin lẫn lộn vui buồn. Thực tế cho thấy lạm phát có thể bị đánh bại mặc dù họ mới chỉ bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ. Buồn vì điều này có thể đi kèm với suy thoái. Tuy nhiên, vui là vì lạm phát được kiểm soát mà chưa cần phải tăng lãi suất quá nhiều, nên có lẽ nếu kinh tế có suy thoái sẽ cũng sẽ không suy thoái sâu.
Lo lắng về nền kinh tế không phải là động lực duy nhất đẩy giá cả đi xuống. Theo các chuyên gia trong ngành, phần lớn dòng tiền rời bỏ thị trường nguyên liệu không thuộc về các nhà giao dịch thực tế mà thuộc về các nhà đầu tư tài chính.
Theo ngân hàng JPMorgan Chase, trong tuần tính đến ngày 1/7, khoảng 16 tỷ USD đã rút khỏi thị trường nguyên liệu giao sau, nâng tổng số tiền rút khỏi thị trường này từ đầu năm cho đến nay lên mức kỷ lục 145 tỷ USD.
Điều này một phần phản ánh việc lãi suất tăng. Trong tháng Năm, lãi suất thực tế dài hạn của Mỹ lần đầu tiên chuyển sang mức dương kể từ năm 2020. Điều đó khiến các mặt hàng không mang lại lợi nhuận trở nên kém hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư.
Điều này cho thấy lạm phát giá nguyên liệu có thể chưa thực sự kết thúc. Chuyên gia Tom Price, thuộc ngân hàng đầu tư Liberum, cho biết những biến động được thúc đẩy bởi sự dao động của lãi suất thực thường chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.
Lần gần đây nhất đã xảy ra vào năm 2013, giá cả ổn định trong vòng vài tuần. Giá cả cũng vẫn nhạy cảm với sự gián đoạn nguồn cung. Lượng nguyên liệu trong kho vẫn thấp hơn 19% so với mức trung bình trong lịch sử tại thời điểm mà việc sản xuất thắt chặt, điều đó có nghĩa là có rất ít vùng đệm chống lại các cú sốc.
Ngay cả khi một số vấn đề về nguồn cung đã giảm bớt, thì vẫn còn nhiều vấn đề khác. Giá năng lượng vẫn dễ bị ảnh hưởng bởi những ý tưởng bất ngờ từ phía Nga. Năng lượng đắt đỏ sẽ khiến các nhà sản xuất kim loại cắt giảm sản lượng hơn nữa, khiến sản xuất vẫn bị thắt chặt hơn.
Và sự trở lại của kiểu khí hậu khắc nghiệt La Niña trong năm thứ ba liên tiếp có thể làm gián đoạn việc thu hoạch ngũ cốc trên toàn thế giới. Nói cách khác, giá cả có thể vẫn ở mức cao ngay cả khi suy thoái xảy ra.