Đức chi 15 tỷ USD giải cứu tập đoàn khí đốt đang bị Nga bóp nghẹt
Hôm 22/7, chính phủ Đức đã đồng ý chi 15 tỷ Euro (tương đương 15 tỷ USD) để giải cứu Uniper khi tập đoàn khí đốt này trở thành nạn nhân mới nhất của đợt cắt giảm nguồn cung mà Nga đang thực hiện.
Đức sẽ mua 30% vốn của Uniper và trở thành cổ đông lớn thứ 2. Giá cổ phiếu Uniper ban đầu tăng sau khi thỏa thuận giải cứu được công bố nhưng sau đó giảm sốc. Chỉ một tiếng đồng hồ sau, giá đã rớt hơn 21%.
Uniper là công ty năng lượng đầu tiên tại Đức – nền kinh tế lớn nhất châu Âu – rung chuông báo động về việc giá hóa đơn tăng phi mã. Công ty đã nộp hồ sơ xin chính phủ giải cứu vào đầu tháng 7 này.
Việc Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 xuống còn 40% công suất đã khiến cho giá năng lượng nhảy vọt. Mới đây, Nga dừng hoàn toàn Nord Stream 1 trong 10 ngày để bảo dưỡng định kỳ, khiến cho nguồn cung càng khan hiếm. Hiện nay dòng chảy đã được nối lại nhưng vẫn rất khiêm tốn.
Uniper là tập đoàn nhập khẩu khí đốt lớn nhất của Đức nên thiệt hại rất nặng nề. Cổ đông chi phối Uniper là công ty Fortum (trụ sở ở Phần Lan) ra thông cáo cho biết Uniper và chính phủ Đức đã đồng ý về một “gói ổn định toàn diện” để cung cấp hỗ trợ tài chính cần thiết.
Ông Markus Rauramo, CEO của Fortum, viết trong một thông cáo: “Chúng ta đang sống qua một cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có trong lịch sử và đòi hỏi những biện pháp mạnh mẽ. Sau các cuộc đàm phán căng thẳng nhưng mang tính xây dựng, chúng tôi đã tìm thấy một giải pháp có thể chấp nhận được, đáp ứng lợi ích của tất cả bên liên quan”.
“Chúng tôi chịu áp lực từ sự cấp thiết của tình hình thực tế và nhu cầu bảo vệ an ninh năng lượng của châu Âu trong thời chiến”, ông Rauramo nói thêm.
Sau khi chính phủ Đức giải cứu cứu Uniper bằng cách mua 30% cổ phần, tỷ lệ sở hữu của Fortum sẽ giảm từ 80% xuống còn 56%. Chính phủ Đức sẵn sàng cung cấp thêm các gói hỗ trợ nếu như các khoản thua lỗ của Uniper vì thiếu nguồn cung khí đốt vượt mốc 9 tỷ USD, cổ đông lớn Fortum cho biết.
Nguồn cung khí đốt từ Nga đến châu Âu đã sụt giảm mạnh sau khi Moscow phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine vào ngày 24/2 và phương Tây liên tiếp áp nhiều đòn trừng phạt nhằm vào Nga.
Từ giữa tháng 6 đến nay, Uniper chỉ nhận được “một phần nhỏ lượng khí đốt đã thỏa thuận trong hợp đồng” với tập đoàn Gazprom của Nga, Fortum cho biết. Uniper buộc phải mua khí đốt trên thị trường giao ngay với giá cao hơn nhiều so với giá trong hợp đồng dài hạn với Gazprom, dẫn tới thiệt hại tài chính khổng lồ.
Đức đã phải kích hoạt giai đoạn 2 trong kế hoạch khẩn cấp gồm ba giai đoạn để ứng phó với khủng hoảng năng lượng. Giá cổ phiếu Uniper hiện nay thấp hơn đầu năm khoảng 82%.