|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Bây giờ là cơ hội để ông Putin tung đòn năng lượng, hạ gục phương Tây

10:41 | 14/07/2022
Chia sẻ
Châu Âu hỗn loạn khi chuẩn bị năng lượng cho mùa đông, nguồn cung dầu mỏ thiếu hụt và nền kinh tế Nga ổn định là những lý do khiến Tổng thống Putin hiện đang có cơ hội tuyệt vời nhất để tung ra vũ khí năng lượng.

Theo Financial Review, Tổng thống Nga đã dọn đường cho việc cắt giảm mạnh nguồn cung của cả dầu và khí đốt bất cứ lúc nào như một vũ khí để tấn công vào tâm lý và kinh tế phương Tây. Nếu ông Putin muốn hành động thì sẽ cần phải ra tay sớm, trước khi một cuộc suy thoái toàn cầu khiến ông mất đi thế thượng phong.

Những tuần tới có thể là cơ hội tốt nhất để ép phương Tây ngồi vào bàn đàm phán với vị thế có lợi dành cho Moscow: củng cố những lãnh thổ đã chiếm được tại Biển Đen và Donbass trước khi các lô vũ khí phương Tây tới.

Tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg hồi cuối tháng 6, Tổng thống Putin tuyên bố các chính sách trừng phạt của EU là con dao hai lưỡi. Những hành động này sẽ khiến châu Âu sẽ mất đi vị thế trong nền kinh kinh tế toàn cầu và gây ra “sự suy giảm toàn hệ thống” trong nhiều năm.

 

“Chính sách trừng phạt sẽ làm trầm trọng thêm các vấn đề sâu xa trong xã hội châu Âu. Bất bình đẳng sẽ còn gia tăng hơn nữa, và ngày càng gây chia rẽ xã hội. Sự xa rời khỏi thực tế của châu Âu chắc chắn sẽ dẫn đến gia tăng chủ nghĩa dân túy và các phong trào cực đoan”

Tổng thống Vladimir Putin

Hôm 8/7, ông Putin dường như đã lên đạn cho khẩu súng năng lượng và tuyên bố: "Các lệnh trừng phạt chống lại Nga gây nhiều đau đớn cho chính những quốc gia đã áp đặt chúng. Tăng cường sử dụng những chính sách này có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, thậm chí là thảm khốc cho thị trường năng lượng toàn cầu".

Thế nhưng, các lãnh đạo châu Âu dường như đang nghiên cứu chính sách cho một vũ trụ song song, khi mong muốn áp đặt mức giá trần không tưởng 40 - 60 USD/thùng dầu của Nga. 

Tác giả Ambrose Evans-Pritchard cho rằng phương Tây đã giả định sai lầm tới mức đáng kinh ngạc khi nghĩ rằng Điện Kremlin cần tiền và sẽ ngoan ngoãn nghe theo.

Châu Âu dễ tổn thương

Thật khó hiểu khi các nhà lập pháp châu Âu và Mỹ nghĩ rằng Moscow sẽ để cho EU dần dần giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch một cách tuần tự và có thời gian biểu rõ ràng, trong khi nhiều thành viên của khối đã vượt quá ranh giới trong xung đột Ukraine.

 

“Nga sẽ tìm cách để làm cho kế hoạch thoát phụ thuộc năng lượng của châu Âu trở nên khó khăn hết sức”, bà Helima Croft, Giám đốc điều hành và Trưởng phòng Chiến lược hàng hóa toàn cầu của RBC Capital cho hay.

Ông Vladimir Milov, cựu Thứ trưởng Bộ Năng lượng của Nga, cho biết quyết định ngừng mua dầu thô đường biển của Nga vào cuối năm nay đã khiến vấn đề trở nên phức tạp hơn.

Điện Kremlin cho rằng cần có những hành động phủ đầu, ngăn cản các quốc gia EU chuẩn bị kho năng lượng trước mùa đông. “Nhiều khả năng khí đốt sẽ không chảy nữa. Lãnh đạo Nga biết rằng châu Âu dễ bị tổn thương như thế nào”, ông nói.

Ông Bruno Le Maire, Bộ trưởng Tài chính Pháp cảnh báo rằng “cắt đứt hoàn toàn” nhiều khả năng sẽ xảy ra. Phó Thủ tướng Robert Habeck cũng đang chuẩn bị kích hoạt mức độ ba trong kế hoạch khí đốt khẩn cấp của Đức.

Goldman Sachs ước tính rằng nền kinh tế của Khu vực đồng Euro (Eurozone) sẽ thu hẹp 2,7% nếu khí đốt ngừng chảy, với GDP của Đức sụt giảm 3,2% và Italy là 4,1%. Vòng đàm phán đầu tiên về “gói cứu trợ năng lượng” của EU cho Đức và Ý đã bắt đầu. Các quốc gia trong khối sẽ phải chia sẻ nguồn dự trữ khí đốt khan hiếm.

Con bài dầu thô

Không có mấy ai nghĩ đến điều gì sẽ xảy ra nếu Tổng thống Putin gây ra một cú sốc dầu toàn diện sau khi đóng van khí đốt.

Nhiều người tin tưởng rằng Tổng thống Putin sẽ không dùng đến con bài dầu mỏ vì doanh thu quá lớn, trị giá 700 triệu USD/ngày, so với khí đốt chỉ là 400 triệu USD. Đồng thời, dầu mỏ là mặt hàng có thể dễ dàng kiếm được và vận chuyển hơn so với khí đốt.

Nhưng giả định này đang không tính đến cấu trúc của nền kinh tế Nga và đánh giá thấp ý chí của Điện Kremlin.

Nga có thể cắt một nửa sản lượng mà không gây thiệt hại lâu dài cho cơ sở hại tầng khai thác dầu.

Hai nhà phân tích là bà Natasha Kaneva và ông Ted Hall tại JPMorgan lập luận rằng Nga có thể tạm thời giảm một nửa tổng sản lượng và khiến thế giới thiếu tới 5 triệu thùng dầu/ngày, tương đương 5% nguồn cung toàn cầu. 

Mức cắt giảm này sẽ không gây thiệt hại lâu dài cho cơ sở hạ tầng khai thác hoặc tạo ra một cú sốc quá lớn cho kinh tế Nga. Hai nhà nghiên cứu ước tính rằng động thái trên có thể sẽ đẩy giá lên 380 USD/thùng, đủ để khiến nền kinh tế toàn cầu đình trệ.

Khả năng dễ xảy đến hơn là Nga sẽ cắt giảm 3 triệu thùng/ngày và đẩy giá Brent lên 190 USD/thùng, vẫn đủ cao để vượt qua kỷ lục mọi thời đại là 148 USD vào giữa năm 2008. 

Hai chuyên gia này nói: “Sự thắt chặt của thị trường dầu mỏ toàn cầu và nguồn tài chính công mạnh mẽ của Nga có thể bù đắp những khoản thiệt hại về doanh thu”.

Những hy vọng về một thỏa thuận hạt nhân với Iran, giúp giải phóng nguồn cung toàn cầu một triệu thùng/ngày, đã tiêu tan. Tổng thống Joe Biden đang cố gắng tìm thêm dầu thô từ Arab Saudi, nhưng ngay cả vương quốc này cũng đang không còn công suất dự phòng. 

Các thành viên còn lại của OPEC đang thiếu 2,5 triệu thùng so với mục tiêu sản xuất. Đây chính là thời điểm vàng để Tổng thống Putin giáng đòn hạ gục nhanh chóng.

Tạm ngừng khai thác dầu là một vấn đề đau đầu về kỹ thuật. Các giếng không hoạt động càng lâu, thì thiệt hại do áp suất và hàm lượng nước tăng càng lớn. Tuy nhiên, JP Morgan cho rằng Nga có thể cắt giảm vài triệu thùng/ngày trong một vài tháng bằng cách luân phiên và "điều tiết" các giếng để giảm sản lượng.

Nga không thiếu tiền

Moscow cũng sẽ không gặp khó khăn về tài chính ngay lập tức. Quỹ phúc lợi quốc gia của Nga có 116 tỷ USD trong khi số dư tiền mặt của Kho bạc là 85 tỷ USD.

Con số này đủ để bù đắp tổng thất thu ngân sách từ xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch trong gần một năm. Nga đằng nào cũng sẽ đổi khối lượng thấp hơn lấy giá cao hơn, nên thực tế lỗ có thể còn thấp hơn nhiều.

Nga đang kiếm bộn tiền, và không có chỗ để tiêu.

Hơn nữa, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Ngân hàng trung ương Nga cũng đang tạo cơ hội cho Điện Kremlin leo thang. Hiện thặng dư tài khoản vãng lai đã bằng 20% GDP. Nga hiện đang ngập trong nguồn thu từ nhiên liệu hóa thạch, và không có chỗ để tiêu. 

Một kết quả không ai ngờ tới của các lệnh trừng phạt là đồng ruble tăng vọt lên mức cao nhất trong vòng 8 năm so với EUR. Điện Kremlin không có nhiều lựa chọn để hạ giá đồng ruble sau khi đã đưa lãi suất về mức trước xung đột.

Hiện Moscow chỉ còn cách sử dụng các gói kích thích tài khóa và kêu gọi người dân đi du lịch và chi tiêu nhiều hơn cho hàng hóa nhập khẩu.

Châu Âu sẽ đầu hàng?

Tổng thống Putin có lý do chính đáng để nghĩ rằng Đức sẽ sẵng sàng bỏ rơi Ukraine nếu phải chịu áp lực đủ lớn. Chính Berlin đã ngăn chặn khoản viện trợ tài chính trị giá 9 tỷ EUR cho Ukraine được 27 quốc gia EU đồng ý.

Berlin cũng vừa vi phạm các lệnh trừng phạt sau khi yêu cầu Canada chuyển giao một turbine với hi vọng khôi phục dòng chảy khí đốt trên đường ống Nord Stream 1, hiện đã tạm ngưng để bảo trì. Người Canada đã đồng ý trong sự tức giận của Ukraine.

Tất nhiên, Điện Kremlin phải cân nhắc các vấn đề địa chiến lược lớn. Cho đến nay, Trung Quốc chịu đựng được cú sốc khí đốt do nước này chủ yếu dùng than để sản xuất điện. Nhưng với tư cách là nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, Bắc Kinh chắc chắn sẽ không thể sống yên ổn khi giá nhiên liệu tăng gấp hai, ba lần.

Minh Quang