|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Châu Âu đang trở thành 'con tin' của đại gia khí đốt Nga

10:10 | 08/10/2021
Chia sẻ
Sau khi Nga đề nghị tăng nguồn cung khí đốt cho khu vực châu Âu, các chuyên gia cảnh báo rằng lục địa già giờ đây đã phải phụ thuộc nặng nề vào nguồn năng lượng của Nga, như Mỹ từng cảnh báo trước đó.

Trong tuần này, giá của các hợp đồng khí đốt tự nhiên tại châu Âu vừa đạt mức cao mới, và tính từ đầu năm đến nay, giá khí đốt chuẩn trong khu vực đã tăng gần 500%. Hiện, châu Âu đang rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan khi nhu cầu nhảy vọt nhưng nguồn cung bị siết chặt ngay thời điểm mùa đông sắp đến gần.

Giá khí đốt ở châu Âu đã chứng kiến một số biến động trong phiên giao dịch ngày 6/10. Không lâu sau khi chạm mức đỉnh mới, giá khí đốt đã hạ nhiệt một phần khi Tổng thống Nga Vladimir Putin can thiệp và đề nghị tăng nguồn cung khí đốt cho lục địa già.

Theo CNBC, các nhà phân tích thị trường cho rằng động thái mới của điện Kremlin cho thấy châu Âu đang ngày càng phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Hiện tại, Nga đang đợi Đức phê duyệt đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2.

Đường ống trị giá 11 tỷ USD nêu trên đã hoàn thành, bất chấp thái độ khó chịu và phản đối của chính phủ Mỹ. Trong nhiều năm qua, Washington đã cảnh báo rằng Nord Stream 2 sẽ gây tổn hại đến an ninh năng lượng của châu Âu và Nga có thể tìm cách sử dụng nguồn cung khí đốt làm đòn bẩy khi tranh chấp với châu Âu.

"Tống tiền bằng năng lượng"

Ông Timothy Ash, chiến lược gia cấp cao tại Bluebay Asset Management, cho hay: "Châu Âu đã tự mình trở thành con tin cho Nga vì nguồn cung năng lượng". Ông Ash mô tả tình huống này là "không thể tin được".

"Rõ ràng là Nga biết châu Âu đang gặp khó khăn về năng lượng nhưng châu Âu quá yếu để nói thẳng ra", ông Ash nói, đồng thời gọi đây là một hình thức "tống tiền bằng năng lượng".

"Châu Âu đang thu mình lại vì lo ngại rằng khi bước vào mùa đông, Nga sẽ siết nguồn cung khí đốt và chỉ mở vòi cho đến khi đường ống Nord Stream 2 được phê duyệt", vị chuyên gia nhận định.

Châu Âu đang trở thành 'con tin' của đại gia khí đốt Nga - Ảnh 1.

Một đường ống dẫn khí đốt tại châu Âu. (Ảnh: Bloomberg).

Hôm 6/10, ông Putin đã tận dụng một cuộc họp chính phủ trên truyền hình để đề nghị bổ sung nguồn cung năng lượng cho châu Âu. Tổng thống Nga cũng chỉ trích lục địa già vì đã hủy bỏ nhiều hợp đồng khí đốt dài hạn để đổi lấy hợp đồng giao ngay, song cho biết điện Kremlin sẵn sàng tái đàm phán các hợp đồng dài hạn mới.

Chia sẻ với CNBC, nhiều chuyên gia khác cũng tin Nga đã cố ý giữ lại nguồn cung khí đốt cho châu Âu để buộc Đức phải tăng tốc độ chứng nhận Nord Stream 2. Tuy nhiên, Nga đã bác bỏ cáo buộc này khi phát ngôn viên Dmitry Peskov phủ nhận Moscow không giữ vai trò nào trong cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu.

Song, trong cùng ngày, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak lưu ý rằng việc Đức nhanh chóng phê duyệt Nord Stream 2 có thể giúp hạ nhiệt giá khí đốt.

Chiến lược gia Ash tin rằng việc thúc giục châu Âu chứng nhận đường ống khí đốt gây tranh cãi đã "nằm trong kế hoạch của Moscow từ lâu" và thị trường "thực sự rất ngây thơ nếu nghĩ Moscow sẽ làm mọi thứ để xoa dịu cuộc khủng hoảng của châu Âu trước khi Nord Stream 2 được khơi thông".

Ông Mike Fulwood, chuyên gia cấp cao tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford, đồng ý rằng bất kỳ quyết định nào của Nga nhằm cung cấp thêm khí đốt cho châu Âu đều có động cơ chính trị và gắn liền với việc xác nhận Nord Stream 2.

Tương tự, ông Bilal Hafeez, CEO của công ty tư vấn Macro Hive, cũng nhất trí rằng Nga đang tận dụng cuộc khủng hoảng khí đốt của châu Âu để làm lợi cho chính mình, mà cụ thể là thúc đẩy Đức gật đầu đồng ý cho Nord Stream 2.

EU cảnh giác

Giá khí đốt tăng chóng mặt đã đặt vấn đề nguồn cung năng lượng lên hàng đầu trong chương trình nghị sự của Liên minh châu Âu (EU). Các nhà lãnh đạo đã kêu gọi khối kinh tế chung nên độc lập hơn về năng lượng, do gần 90% nguồn cung của EU là hàng nhập khẩu và Nga là một trong các đối tác chính, bên cạnh Na Uy, theo Ủy ban châu Âu (EC).

Đường ống Nord Stream 2 vốn đã phải đối mặt với không ít chỉ trích tại châu Âu, trong đó Ukraine bị tổn thương và tức giận vì thỏa thuận giữa EU và Nga.

Nếu EU chọn Nord Stream 2, đường ống khí đốt của Ukraine sẽ bị bỏ qua và do đó họ sẽ mất một khoản phí vận chuyển khí đốt khá lớn. Ba Lan cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, chính phủ nước này cho rằng đường ống Nord Stream 2 chỉ là công cụ để tăng cường sức mạnh cho Nga.

Hồi tháng 7, hai nước đã đưa ra một tuyên bố chung, khẳng định "quyết định xây dựng Nord Stream 2 được đưa ra vào năm 2015, chỉ vài tháng sau khi Nga sáp nhập bất hợp pháp lãnh thổ Ukraine, từ đó tạo ra một cuộc khủng hoảng an ninh, uy tín và chính trị ở châu Âu".

Nguồn cung khí đốt của châu Âu từ lâu đã là một chủ đề hóc búa, khiến mối quan hệ giữa Mỹ và EU xấu đi. Các chuyên gia gọi cuộc chiến cung cấp khí đốt cho châu Âu như một cuộc đối đầu giữa Mỹ và Nga, khi mà hai bên đều muốn giành thị phần với nguồn cung khí đốt tự nhiên (Nga) và khí đốt hóa lỏng (Mỹ).

Giới chuyên gia nhất trí rằng châu Âu cần đa dạng hóa các nguồn năng lượng, tránh phụ thuộc hoàn toàn vào Nga. Ông Fulwood của Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford nói: "Châu Âu càng đa dạng hóa nguồn cung thì càng ít rủi ro".

Yên Khê

Bách Hoá Xanh lên tiếng vụ nhập hàng từ cơ sở sản xuất giá đỗ ngâm hoá chất
Bách Hoá Xanh cho biết đã lập tức thu hồi và ngưng bán toàn bộ hàng hóa của nhà cung cấp này cũng như tiến hành kiểm nghiệm lại tất cả sản phẩm giá đỗ đang cung cấp cho chuỗi.