|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Từ khủng hoảng năng lượng châu Âu đến thiếu điện trầm trọng ở Trung Quốc: Trùng hợp ngẫu nhiên hay xu thế toàn cầu?

17:35 | 30/09/2021
Chia sẻ
Tình trạng thiếu hụt năng lượng đang diễn ra từ khắp châu Âu đến châu Á, khiến nhiều người không khỏi hoài nghi rằng thế giới đang ở trong một cuộc khủng hoảng lớn.
Từ khủng hoảng năng lượng châu Âu đến thiếu điện trầm trọng ở Trung Quốc: Trùng hợp ngẫu nhiên hay xu thế toàn cầu? - Ảnh 1.

Hoạt động sản xuất của Trung Quốc bị đình trệ vì thiếu điện. (Ảnh: Reuters/AP).

Trạm xăng ở Anh cạn kiệt. Giá năng lượng tăng vọt tại châu Âu khi mùa đông sắp đến. Các đợt cắt điện đột ngột ở Trung Quốc. Giá dầu, than và khí tự nhiên leo thang. Những sự kiện trên rất dễ khiến bạn tin rằng thế giới đang bị bủa vây bởi một đợt thiếu hụt năng lượng toàn cầu. Nhưng sự thực có thể không phải như vậy.

Tuy sự thiếu hụt của nguồn cung đang bóp nghẹt doanh nghiệp và người tiêu dùng trong mỗi lĩnh vực trên đều rất nghiêm trọng, nhưng chúng có ít điểm chung hơn bạn nghĩ.

Điều khiến chúng giống nhau là sự phục hồi của nhu cầu năng lượng từ đáy sâu đại dịch COVID-19 khiến giá dầu, than và khí tự nhiên lên cao, hạn chế nguồn cung từ phía OPEC và tắc nghẽn trong quá trình vận chuyển khiến việc phân phối nhiên liệu trở nên khó khăn.  

Nhưng danh sách điểm khác biệt lại dài hơn nhiều, cho thấy rằng các gián đoạn bắt nguồn từ lựa chọn chính sách của mỗi nước và động lực của khu vực hơn là sự thiếu hụt trong nguồn cung năng lượng toàn cầu.

Trong tuần này, giá dầu lần đầu tiên vượt 80 USD/thùng trong vòng ba năm. Đồng thời, giá than và khí tự nhiên cũng leo lên mức cao nhất trong nhiều năm trở lại. OPEC và các đồng minh sẽ họp nhóm vào tuần sau để quyết định có nên tăng sản lượng nhằm giúp kiềm chế giá không, Reuters cho biết. 

Dưới đây là danh sách ngắn gọn nguyên nhân làm gián đoạn thị trường năng lượng ở Anh, châu Âu và Trung Quốc.

Trung Quốc lao đao vì thiếu điện

Chính phủ Trung Quốc bắt đầu hạn chế điện phân bổ cho doanh nghiệp do nguồn cung than suy giảm. Vì Bắc Kinh ấn định giá điện, các nhà máy than vật lộn với chi phí than tăng cao không thể duy trì vận hành và đang đóng cửa.

Goldman Sachs ước tính có tới 44% hoạt động công nghiệp của Trung Quốc bị ảnh hưởng vì thiếu hụt năng lượng.

Hôm 27/9, Hội đồng Điện lực Trung Quốc, đại diện cho các nhà cung cấp điện, cho biết các công ty nhiệt điện than đang "mở rộng các kênh thu mua bằng mọi giá" để đảm bảo nguồn cung cấp điện và nhiệt cho mùa đông.

Nhưng những nhà kinh doanh than cho biết tìm kiếm nguồn nhập khẩu than mới là việc nói thì dễ, làm mới khó. Nga đang tập trung đáp ứng nhu cầu năng lượng của châu Âu. Mưa làm gián đoạn sản lượng từ Indonesia và các hạn chế về vận tải cản trở nhập khẩu từ Mông Cổ.

Hóa đơn tiền điện "nhảy múa" của châu Âu

Chi phí để thắp sáng các bóng đèn ở Tây Ban Nha đã tăng gấp ba, phản ánh nỗi ám ảnh với hóa đơn tiền điện của người dân châu Âu trong những tuần gần đây. Sự gia tăng của chi phí điện đã làm dấy lên nỗi sợ về mùa đông sắp đến, khi nhu cầu sưởi ấm đẩy mức tiêu thụ năng lượng lên đến đỉnh.

Nguyên nhân khiến chi phí ở châu Âu gia tăng là sự kết hợp của nhiều yếu tố địa phương, từ tồn kho khí tự nhiên và lượng nhập khẩu thấp, sản lượng điện èo uột từ các tuabin gió và trang trại năng lượng mặt trời, cũng như công việc bảo trì khiến các nhà máy điện hạt nhân ngừng hoạt động.

Nhu cầu được dự kiến là sẽ còn tiếp tục gia tăng trong những tuần và tháng kế tiếp. Nhưng sự trở lại của các nhà máy năng lượng sau khi kết thúc đợt bảo trì và khả năng khởi động đường ống dẫn khí Nord Stream 2 (Dòng chảy phương bắc) mới hoàn thành từ Nga đến Đức có thể xoa dịu thị trường.

Trong khi đó, Tây Ban Nha, Italy, Hy Lạp, Anh và các nước khác đang lên kế hoạch thực hiện các biện pháp trên toàn quốc nhằm bảo vệ người dân khỏi chi phí gia tăng, có thể thông qua trợ cấp hoặc áp giá trần.

Trạm xăng Anh cạn nhiên liệu

Việc người dân Anh đổ xô mua tích trữ đã khiến các trạm xăng tại những thành phố lớn ở Anh cạn kiệt. Theo Reuters, đây là một trong những đợt gián đoạn năng lượng tồi tệ nhất của Anh trong hàng thập kỷ.

Nhưng rắc rối bủa vây của Anh không phải là thiếu hụt xăng, mà là thiếu tài xế xe tải để chở xăng từ nhà máy lọc dầu đến các nhà bán lẻ. Thực trạng này là tác động phụ kỳ lạ từ việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu và hệ quả từ các kỳ thi và huấn luyện tài xế xe tài bị hoãn lại trong đại dịch COVID-19.

Giải pháp? Chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson đang cấp thị thực tạm thời cho hàng nghìn người lái xe tải ngoại quốc để cung cấp xăng cho thị trường, cử binh lính để giúp đỡ, và hy vọng sẽ khôi phục được trật tự tại trạm xăng trước kỳ nghỉ lễ.

Giang

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.