|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Thông qua 5 cơ quan kín tiếng, Đức, Pháp và Italy đã gián tiếp tài trợ cho cuộc chiến của Nga

17:00 | 24/08/2022
Chia sẻ
Thông qua các cơ quan tài chính thương mại ít được biết đến của mình, Đức, Italy và Pháp đã trở thành những nước “hậu thuẫn” cho sự phát triển của ngành dầu khí và hoá chất của Nga trong vài năm qua.

“Nhà tài trợ” gây bất ngờ

Chính phủ các nước Đức, Italy và Pháp đang điều hành một số cơ quan tài chính thương mại mà công chúng rất ít khi nghe tới, bao gồm Euler Hermes và Bpifrance Assurance Export (Pháp), SACE và Cassa Depositi Prestititi (Italy) và KfW-IPEX Bank (Đức).

Nhờ vào các cơ quan trên, ba nước châu Âu đã gián tiếp làm giàu cho ngành công nghiệp dầu khí và hoá chất của Nga, tạo điều kiện để Moscow chuẩn bị tấn công Ukraine từ nhiều năm trước.

Cụ thể, theo mạng lưới Global Strategic Communications Council (GSCC), kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014 cho tới năm ngoái, 5 cơ quan tín dụng xuất khẩu này đã bảo lãnh các khoản vay trị giá gần 13 tỷ USD cho loạt dự án ở Nga.

Cũng theo dữ liệu độc quyền do GSCC tổng hợp, các ngân hàng quốc doanh lớn của Đức và Italy còn cho vay thêm 425 triệu USD khác.

Các công ty tín dụng xuất khẩu như SACE của chính phủ Italy đã gián tiếp tài trợ cho cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Ngoài ra, những công ty này cũng thường tham gia vào các dự án nhiên liệu hoá thạch gây ô nhiễm môi trường. (Ảnh: SACE).

Nhiều dự án nhận được tài trợ có liên hệ với các cá nhân bị trừng phạt, bao gồm ông Leonid Mikhelson - người giàu thứ hai tại Nga và ông Gennady Timchenko - một cộng sự thân cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Ngoài ra, Đức và Italy đã đứng ra bảo lãnh cho khoản vay 4 tỷ USD của nhà máy chế biến khí đốt tự nhiên lớn nhất tại Nga (do Gazprom điều hành). Gazprom bị cấm vận vào tháng 2 năm nay, còn CEO Alexey Miller bị trừng phạt từ năm 2018.

Chia sẻ với Bloomberg, 5 cơ quan nói trên cho biết họ đã ngừng bảo lãnh hoặc cấp khoản vay mới cho các dự án của Nga sau khi Điện Kremlin cho quân tấn công Ukraine. Đồng thời, họ khẳng định mình đang tuân thủ các lệnh trừng phạt hiện hành.

Nhiều cơ quan tín dụng xuất khẩu hoạt động mà không chịu nhiều sự giám sát của công chúng. Họ thường cung cấp bảo lãnh tín dụng, khoản vay và bảo hiểm để các công ty trong nước kinh doanh ở những khu vực rủi ro hơn trên thế giới.

Ông Marcos Alvarez - quản lý cấp cao tại hãng xếp hạng tín dụng DBRS Morningstar, cho rằng các công ty của Pháp, Đức và Italy đáng lẽ đã không thể tham gia kinh doanh ở Nga nếu không có sự hậu thuẫn từ các cơ quan kín tiếng đó.

Sau khi chính quyền Moscow sáp nhập bán đảo Crimea, Mỹ đã cấm các cơ quan tín dụng xuất khẩu của mình giao dịch với Nga.

Mặt khác, dù các cơ quan tài chính của châu Âu đã tạm dừng thực hiện các giao dịch mới với phía Nga, cố vấn kinh tế Oleg Ustenko của chính phủ Ukraine vẫn đang gây sức ép buộc họ phải chấm dứt hoàn toàn.

Ông Ustenko đã liệt các công ty tín dụng xuất khẩu như Euler Hermes hay Bpifrance Assurance Export vào một danh sách dài gồm các tác nhân tài chính đã giúp tài trợ cho cuộc chiến của Nga.

Vị cố vấn bày tỏ: “Các tổ chức tài chính công này đã khiến chính phủ của họ đồng loã với tội ác của Putin, lấp đầy hòm chiến tranh của Nga và giúp Điện Kremlin tìm được các tuyến đường xuất khẩu mới cho dầu và khí đốt đẫm máu tươi của bọn chúng”.

“Rủi ro đáng kể”

Các nhà phân tích cho biết không phải lúc nào các cơ quan tín dụng xuất khẩu cũng phải tiết lộ chi tiết về các khoản cho vay và bảo lãnh mà họ cung cấp, vì vậy rất khó để ước tính chính xác tương tác hiện tại giữa họ và phía Nga.

Thời hạn tài trợ điển hình cho các dự án của những cơ quan trên tại Nga là 10 đến 15 năm, như vậy các khoản cho vay và bảo lãnh chưa được thanh toán đến nay có thể đạt giá trị hàng tỷ USD, Bloomberg nhẩm tính.

Hồi tháng 6, lần đầu tiên trong một thế kỷ, chính phủ Nga đã vỡ nợ nước ngoài. Một số doanh nghiệp địa phương cũng không thể thanh toán tiền lãi, khiến hàng tỷ trái phiếu của Nga rơi vào tình trạng vỡ nợ kỹ thuật.

Theo phát ngôn viên của Bộ Kinh tế Đức, kể từ khi chiến sự Nga - Ukraien nổ ra vào tháng 2, các cơ quan tín dụng xuất khẩu của nước này chưa đưa ra tuyên bố nào liên quan tới nợ của Nga.

Ông Alvarez cho biết, việc các cơ quan tài chính công của châu Âu đứng ra đảm lãnh khoản vay cho các dự án ở Nga tồn tại “rủi ro đáng kể” nếu doanh nghiệp phía Nga vỡ nợ.

Song, “với sự hỗ trợ và tín dụng dồi dào từ chính phủ, họ có thể sẽ được giải cứu…bằng tiền đóng thuế của người dân”, vị chuyên gia cho hay.

Người phát ngôn của SACE nói mức độ rủi ro của cơ quan này đang “được giám sát chặt chẽ và cẩn thận”. Tương tự Euler Hermes, Bpifrance và Cassa, SACE cũng từ chối tiết lộ con số hiện tại.

Một phát ngôn viên của KfW cho biết khoản cho vay 42 triệu USD dành cho công ty vận tải biển Sovcomflot của Nga đã được hoàn trả vào tháng 5 năm nay, quy trình “tuân thủ tất cả các lệnh trừng phạt của phương Tây”.

Một trạm nén khí tăng áp ở quận Lensk của Cộng hòa Sakha, Nga. (Ảnh: Bloomberg).

Tìm đường sang châu Á

 

Ít nhất hai trong số các dự án nhận được sự hỗ trợ tài chính của châu Âu đã giúp Nga phát triển các tuyến đường xuất khẩu sang châu Á, nhờ đó Moscow có thể giảm thiểu tác động của các lệnh cấm vận từ phương Tây.

Năm ngoái, Euler Hermes thay mặt cho Đức và SACE đại diện cho Italy đã bảo lãnh 25% trong tổng khoản vay nợ 9 tỷ USD của tổ hợp lọc hoá dầu Amur ở miền đông nước Nga. Cơ sở này nằm ở vị trí chiến lược có thể phục vụ các khách hàng Trung Quốc.

Cùng năm, SACE đã đồng ý bảo lãnh khoản vay trị giá hơn 560 triệu USD từ hai ngân hàng Italy là CDP và Intesa Sanpaolo cho cơ sở khai thác khí đốt gây tranh cãi Arctic LNG 2.

Theo Bloomberg, Arctic LNG 2 dự kiến sẽ bắt đầu vận hành từ năm 2023 và qua đó cho phép Nga xuất khẩu gần 20 triệu tấn khí hoá lỏng mỗi năm, chủ yếu sang các thị trường ở châu Á.

Reuters đưa tin, kể từ tháng 3, các khoản vay ngân hàng đã bị tạm hoãn, nhưng thoả thuận vẫn chưa bị huỷ bỏ. SACE và CDP từ chối bình luận về vấn đề này.

 

Khả Nhân