|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Mỹ khó tránh nguyên liệu từ Trung Quốc trong các vũ khí tối tân

14:19 | 27/09/2022
Chia sẻ
Mặc dù đã có những nỗ lực nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu từ Trung Quốc trong các loại vũ khí quốc phòng, Mỹ sẽ khó lòng xây dựng một chuỗi cung ứng quân sự hoàn toàn độc lập với Bắc Kinh.

Theo SCMP, vụ việc hợp kim có nguồn gốc từ Trung Quốc được tìm thấy trong máy bay chiến đấu hiện đại F-35 của Mỹ đã làm dấy lên lo ngại về chi phí cũng như chuỗi cung ứng khi Lầu Năm Góc tìm cách giảm sự phụ thuộc vào các nhà sản xuất nước ngoài.

Vào ngày 7/9, Lầu Năm Góc tuyên bố tạm ngừng việc chuyển giao các lô máy bay F-35 mới sau khi phát hiện ra nam châm trong máy turbine, một bộ phận của động cơ do công ty Honeywell sản xuất, sử dụng hợp cobalt và samarium có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Máy bay F-35 A của Không quân Mỹ tiếp nhiên liệu trên không tại Ba Lan hôm 24/2. (Ảnh :AFP).

Theo Reuters, trước đó vào năm 2014, Honeywell cũng đã đã dính một số bê bối trong việc sử dụng sản phẩm Trung Quốc trong máy bay F-35. Vào năm 2021 theo Defense News, công ty này đã bị phạt 13 triệu USD vì chuyển các bản vẽ kỹ thuật nhiều loại máy bay, trong đó có F-35 và F-22, sang Trung Quốc và nhiều quốc gia khác.

Theo Bloomberg, luật pháp Mỹ và quy định của Lầu Năm Góc cấm sử dụng các kim loại đặc biệt hoặc hợp kim có nguồn gốc từ Trung Quốc, Iran, Triều Tiên và Nga. 

Trong một cuộc phỏng vấn với Defense News vào hôm 20/9, ông Greg Ulmer, Phó Giám đốc mảng hàng không của Lockheed Martin - nhà thầu chính của chương trình F-35, cho biết công ty sẽ tiếp tục sản xuất máy bay này trong khi đợi lệnh miễn trừ từ Bộ Quốc phòng Mỹ. 

Lệnh miễn trừ sẽ giúp Lockheed tiếp tục chuyển giao các lô F-35 có nam châm từ Trung Quốc. Theo thông tin của Bloomberg, 88 chiếc F-35 trong số 148 chiếc theo hợp đồng đã được chuyển giao trong năm nay. Lockeed cũng đã cùng với Lầu Năm Góc tìm ra nhà cung ứng thay thế trong nước. 

Ông Wiliam LaPlante, quan chức hàng đầu của Lầu Năm Góc về vấn đề mua hàng cho biết “một lệnh miễn trừ nhiều khả năng sẽ được thông qua nếu không có vấn đề gì về an ninh và an toàn”.

Chuỗi cung ứng hiện đại, đặc biệt với các sản phẩm công nghệ cao như máy bay chiến đấu, là vô cùng phức tạp. Ông LaPlante nói: “Một CEO tuần trước nói với tôi rằng ông ấy tưởng mình chỉ có 300 nhà cung ứng, nhưng khi đếm kỹ lại thì con số này phải tới 3.000, đồng thời nhiều nhà cung ứng thay đổi liên tục”. 

Sự kiện này cũng không phải lần đầu tiên một bộ phận có nguồn gốc Trung Quốc được phát hiện trong máy bay F-35. Vào năm 2012 và 2013, Lầu Năm Góc liên tục phải thông qua các lệnh miễn trừ nhằm đảm bảo tiến độ của dự án F-35.

Đến năm 2014, nguyên liệu từ Trung Quốc cũng được phát hiện trong nhiều vũ khí khác của Mỹ, chẳng hạn như máy bay ném bom B-1B và máy bay chiến đấu đa nhiệm vụ F-16.

Tốn kém cả thời gian lẫn chi phí

Tướng Charles Q. Brown Jr. , Tham mưu trưởng Không quân Mỹ đã lên tiếng quan ngại về chuỗi cung ứng quân sự, cho dù bộ phận trong F-35 có nguồn gốc từ Trung Quốc không gây ra mối nguy về an ninh hay ảnh hưởng tới hiệu năng của động cơ

“Mỹ, các đồng minh và đối tác đang xem xét lại chuỗi cung ứng”, ông nói hôm 21/9, đồng thời đặt câu hỏi rằng Washington sẽ kiếm những bộ phận này ở đâu khi xung đột hay khủng hoảng xảy ra.

Ông Fu Qianshao, một chuyên gia đã nghỉ hưu của Không quân Trung Quốc cho biết Mỹ sẽ khó mà xây dựng những hệ thống vũ khí như F-35 nếu chỉ dựa vào các nguyên liệu, bộ phận trong nước. Ông cho biết việc tìm nguồn thay thế sẽ tốn kém cả về mặt chi phí lẫn thời gian.

Theo một báo cáo vào năm 2014, chi phí để thay thế nam châm có giá 2 USD từ Trung Quốc trên 115 chiếc F-35 sẽ lên tới 10,8 triệu USD và 25.000 giờ công. Nhà Trắng đã phải cho phép tiếp tục sử dụng nam châm này ở radar, càng đáp, và các bộ phận khác. Tính đến tháng 9/2022, Mỹ đã bàn giao tới 840 chiếc F-35.

Ông Fu cho rằng Mỹ không còn lựa chọn nào ngoài việc thông qua lệnh miễn trừ nhằm giúp các đơn hàng có thể được chuyển giao. Trung Quốc có thể cung cấp kim loại và đất hiếm với số lượng lớn và rẻ hơn nhiều so với Mỹ.

 

Theo ông Fu, sự việc cũng là một lời nhắc nhở rằng Trung Quốc có thể “trói buộc” Mỹ bằng cách hạn chế xuất khẩu những nguyên liệu này.

Theo một báo cáo hồi tháng 3 của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ, trong những năm gần đây, Washington đã nhấn mạnh việc đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng quân sự bằng cách giảm sự phụ thuộc vào linh kiện, nguyên liệu và phần mềm từ các quốc gia khác, đặc biệt là Trung Quốc và Nga.

Báo cáo trên cũng cho biết, Mỹ đã có những động thái nhằm hạn chế phụ thuộc vào đất hiếm, sản phẩm điện tử, phần mềm, máy bay không người lái và camera an ninh có nguồn gốc từ Trung Quốc và Nga.

Vào năm 2019, cựu Bộ trưởng Hải quân Mỹ Richard Spencer cảnh báo về sự “mong manh” của chuỗi cung ứng. Ông cho rằng Washington đang gặp nguy hiểm khi dựa vào Trung Quốc và Nga để có được các linh kiện cho tàu chiến.

Đáp lại, chính phủ dưới thời Tổng thống Trump và Tổng thống Biden đều có những biện pháp nhắm rà soát và giảm phụ thuộc vào linh kiện nước ngoài. Vào tháng 2, báo cáo của Bộ Quốc phòng khẳng định quá trình xây dựng một chuỗi cung ứng bền bỉ, cạnh tranh và bền vững sẽ là một chiến dịch lâu dài.

Cựu giảng viên quân sự Song Zhongping cho biết những chính sách trên thể hiện việc Mỹ đang tách khỏi Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực. Mỹ đã dựa vào đất hiếm của Trung Quốc do chi phí thấp, đồng thời việc tìm kiếm nguồn thay thế sẽ khiến vũ khí trở nên đắt đỏ hơn, ông Song nói.

“Mỹ đang duy trì tâm lý thời Chiến tranh Lạnh về việc kiềm chế Trung Quốc một cách toàn diện, và tin rằng không nên có các biểu tượng hoặc yếu tố từ Trung Quốc trong sản phẩm của ngành công nghiệp quốc phòng”, ông nói.

Minh Quang